Dân Việt

Từ sự kiện Gạc Ma: "Khắc ghi bài học bảo vệ chủ quyền"

Lương Kết (thực hiện) 14/03/2019 10:10 GMT+7
“Các chiến sĩ Gạc Ma đã rất anh dũng để bảo vệ chủ quyền đến cùng, đó là sự hy sinh to lớn. Nhưng xung quanh sự kiện này, có chi tiết đã bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc...” - Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, trò chuyện với Dân Việt nhân 31 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (14.3.1988).

Chúng ta không che giấu mà “gác lại quá khứ”

Nhìn lại sự kiện Gạc Ma cách đây 31 năm, là người lính đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, điều gì khiến ông suy nghĩ nhất?

- Trước hết cần phải khẳng định sự hy sinh của chiến sĩ Gạc Ma là cao cả. Họ là những người lính rất anh dũng, rất kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988, Nhà nước ta đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng: Bộ Ngoại giao đã ra thông cáo và có công hàm phản đối phía Trung Quốc; thông tin công khai về sự hy sinh của các chiến sĩ ở Gạc Ma.

Thế nhưng hiện nay, những đối tượng phản động  vẫn cho rằng, vào thời điểm đó và cho tới tận bây giờ, chúng ta cố tình im lặng nhằm che giấu sự kiện Gạc Ma. Cần nhắc lại, không phải chúng ta che giấu mà “chúng ta gác lại quá khứ” để giữ cho mối quan hệ với Trung Quốc không bị căng thẳng nên sự kiện Gạc Ma được nhắc đến vừa phải trong quá khư. Tuy nhiên, sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ ở Gạc Ma vẫn được ghi nhận như những liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm khác.

Kẻ xấu cũng đã đưa ra những luận điệu hết sức sai trái, xuyên tạc lệnh của Bộ Quốc phòng. Lệnh của Bộ Quốc phòng còn trong nghị quyết chi bộ của các đoàn ra đảo làm nhiệm vụ, như Đại đội công binh có một chi bộ; mỗi tàu có một chi bộ; 3 khu chiến đấu (3 đảo) có 3 chi bộ.

img

 Những cựu binh Gạc Ma trong một lần hội ngộ. (Ảnh do cựu binh Lê Hữu Thảo cung cấp)

Trong nghị quyết của các chi bộ này đều ghi rất rõ lệnh của cấp trên, đó là: bí mật, bất ngờ, nhanh chóng chiếm đảo trước đối phương, không được nổ súng trước, không để bị đối phương khiêu khích, nhưng sẽ kiên quyết nổ súng để bảo vệ đảo... Nội dung nghị quyết rất rõ ràng nhưng những phần tử xấu đã cố tình xuyên tạc, nói là các chiến sĩ Gạc Ma không được phép nổ súng. Không được nổ súng khác hẳn với không được nổ súng trước!

Luận điệu đó đã làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ chưa hiểu rõ và nghĩ sai lệnh rằng việc hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma là do sự yếu kém của lãnh đạo, có những chỉ đạo không đúng dẫn đến sự hy sinh của những người lính. Đây là luận điệu xuyên tạc cực kỳ phản động và rất nguy hiểm.

Theo ông, với sự kiện này, cần tuyên truyền, thông tin thế nào để những người quan tâm hiểu đúng hơn về sự kiện Gạc Ma, về sự hy sinh của những người lính?

Những chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh. Để sự hy sinh ấy luôn ý nghĩa, chúng ta phải tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng bản chất của sự kiện.

Theo tôi, thứ nhất chúng ta tiếp tục công khai về sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Gạc Ma; thứ hai nói rõ là mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc hiện đang tốt đẹp, vì sự phát triển chung nên chúng ta gác lại quá khứ. Gác lại chứ không phải khép lại (chúng ta không bao giờ quên lịch sử).

Chúng ta tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đó và giáo dục truyền thống để các thế hệ sau thấy rằng vì chủ quyền của đất nước, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh.

Không chủ quan trong mọi tình huống

Sự kiện Gạc Ma cách đây 31 năm mãi luôn là bài học về sự cảnh giác và sẵn sàng  bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nói chung, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói riêng, thưa ông?

- Tôi cho rằng, trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta phải giữ quan điểm trước sau như một là không sử dụng vũ lực trước, không đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng đối phương mà sử dụng vũ lực thì chúng ta phải chuẩn bị vũ lực để đáp trả. Chúng ta không được chủ quan, mất cảnh giác trong mọi tình huống.

"Những chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh. Để sự hy sinh ấy luôn có ý nghĩa, chúng ta phải tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng bản chất của sự việc”, Thượng tướng Võ Tiến Trung khẳng định.

Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải luôn được chúng ta tôn vinh, giáo dục cho lớp trẻ thấy để học tập, noi theo những tấm gương đó.

Ngoài việc đưa lực lượng ra bảo vệ, giữ vững chủ quyền trên biển, đảo, phải luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang với ngư dân để tạo thành thế trận an ninh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền trên biển. Chúng ta phải có phương tiện, thiết bị hiện đại để theo dõi và nắm rõ thông tin diễn biến trên biển.

Khi có những tình huống tranh chấp xảy ra trên biển, chúng ta cần có giải pháp đấu tranh ngoại giao, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, vận động nhân dân quốc tế đứng về phía chúng ta, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.

Khi chúng ta đã nỗ lực giải quyết bằng giải pháp hòa bình nhưng đối phương vẫn tấn công chúng ta bằng vũ lực thì chúng ta buộc phải cầm súng để tự vệ.

img

 Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. (Ảnh: Công Tâm)

Vấn đề Biển Đông hiện nay có sự quan tâm của nhiều nước, theo ông trong tương lại có diễn biến phức tạp hơn không?

- Có thể thấy tình hình Biển Đông giai đoạn này đỡ căng thẳng hơn trước. Tần suất những vụ tàu đánh cá của ngư dân chúng ta bị đâm, bị khiêu khích, những vụ bắt giữ ngư dân của chúng ta giảm hơn trước, điều này thể hiện mối quan hệ trên biển của chúng ta tốt lên.

Chúng ta đang xây dựng lực lượng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại, chính quy, đó là sự chuẩn bị để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước trong mọi tình huống. Chúng ta cũng đã tuyên bố rõ với thế giới là Việt Nam không đe dọa sử dụng vũ lực, không sử dụng vũ lực trước. Nhưng chúng ta luôn sẵn sàng chuẩn bị vũ trang để tự vệ, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Xin cảm ơn ông!

Tháng 3.1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của nước ta tại quần đảo Trường Sa.

Rạng sáng 14.3.1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu xây dựng lên bãi Gạc Ma thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến cho quân xuống cướp cờ, nổ súng giết hại chiến sĩ ta. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị tàu chiến Trung Quốc bắn chìm. 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt gần 3 năm sau mới được trao trả. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, biến thành cột mốc bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ đó.