Xóa hàng nghìn tỷ phát sinh trước năm 2019
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm nhưng tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng. Trong số này nợ do cơ quan thuế quản lý là hơn 73.000 tỷ đồng, còn lại hơn 5.000 tỷ đồng là của cơ quan hải quan quản lý.
Trong hơn 73.000 tỷ đồng nợ do ngành thuế quản lý, nợ không còn khả năng thu của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh lên tới hơn 31.000 tỷ, tức là 43% tổng nợ.
Theo báo cáo, có 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng. Đáng chú ý, có hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng.
Từ đó Bộ Tài chính đề xuất, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 01/01/2019 cho người nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng sản xuất, kinh doanh nhưng không hoàn thành được thủ tục phá sản, giải thể.
Việc xóa này cũng được áp dụng với doanh nghiệp, tổ chức không còn sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn, đã ngừng kinh doanh, không thanh toán được số tiền thuế nợ.
Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng.
Với những trường hợp này, Bộ Tài chính cũng lưu ý điều kiện đi kèm là cơ quan thuế phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, xác minh thông tin.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nêu kiến nghị không tính tiền chậm nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước với chủ doanh nghiệp tư nhân người nộp thuế là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.
Về tác động, theo Bộ Tài chính, những đề xuất làm giảm số nợ đọng thuế (khoảng 27.753 tỷ đồng). Việc này cũng sẽ giúp người nộp thuế vượt qua thời kỳ khó khăn để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
"Hơn 1 tỷ đô không phải là ít"
Đánh giá về những đề xuất trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thừa nhận, việc xóa nợ với những đơn vị đã "chết thật sự" mà vẫn treo nợ là cần thiết.
Tuy nhiên, ông góp ý, cơ quan chức năng cần liệt kê cụ thể doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, người nộp thuế nào chết, mất tích. Ông cảnh báo tình trạng "làm một mớ rồi xóa nợ".
Đặc biệt, theo ông, phải làm sao để tránh lợi dụng trong thực hiện xóa nợ. "Không kiểm soát kỹ thì dễ lập lờ, có ông chưa chết nhưng nhân vụ này được xóa luôn", ông Phong nói.
Điều vị chuyên gia này nêu lên có thể cần kiểm toán một số trường hợp và thực hiện công khai, minh bạch.
Góp ý thêm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu lo lắng, việc xóa nợ thuế chỉ để "bức tranh thêm đẹp hơn".
Ông nhắc tới thủ đoạn nhiều năm qua của không ít doanh nghiệp là "bỏ doanh nghiệp chỗ này, lập chỗ khác". Chưa kể, theo ông, nếu chủ doanh nghiệp nợ thuế, rồi bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, sau đó nhờ người quen đứng tên lập doanh nghiệp khác thì khó để truy tìm.
Trước đó, góp ý cho dự thảo trên, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thừa nhận sự cần thiết của xóa nợ nhưng cũng bày tỏ nghi vấn việc lợi dụng nghị quyết, thiếu trách nhiệm khiến thiệt hại tiền thuế. Ông đặt vấn đề có cần nêu trách nhiệm cụ thể về việc làm thất thoát không, sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế ra sao?
"Hơn 1 tỷ đô không phải ít, 1 tỷ đô làm được nhiều việc" ông cảnh báo./.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/3, Tổng KTNN Hồ Ðức Phớc lý giải vụ việc “10 vụ kiện cơ quan thuế...