Dân Việt

Bộ trưởng NNPTNT: Chưa có chiến dịch nào lớn như chống dịch tả lợn châu Phi

Đình Thắng 14/03/2019 14:40 GMT+7
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan tổ chức chiều nay (14/3) tại Hà Nội.

Chiều 14/3, Bộ NN&PTNT họp với các địa phương và cơ quan chức năng, tìm cách khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 17 tỉnh, thành phố.

img

Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam. ảnh IT

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm: Hưng Yên,  Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An.

Theo Cục Thú y, trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của DTLCP có xu hướng chậm lại. Các địa phương đã và đang quyết liệt thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cùng các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp đồng bộ ngăn chặn dịch bệnh này lây lan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, thời tiết sắp tới thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. An toàn sinh học, công tác phòng trừ điều kiện rủi ro sẽ là rất khó, rất phức tạp. Nguy cơ nhãn tiền là DTLCP lây lan với tốc độ nhanh. Vì vậy, hôm nay chúng tôi mời đại diện 17 tỉnh có dịch, các cơ quan chuyên môn tới đây để kiểm lại các nhóm giải pháp, tìm cách làm tốt hơn, quyết liệt hơn.

Về công tác phòng chống dịch trong những ngày qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt. Từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn cho tới các công tác khác, đã được thực hiện tốt theo Chỉ thị 04 của Chính phủ.

Chưa có chiến dịch nào được làm đồng bộ, thuận lợi như lần này. Bộ trưởng cũng đánh giá cao khâu truyền thông, từ báo điện tử, báo hình, báo in, đã vào cuộc thông tin kịp thời để người dân hiểu, nắm rõ tình hình.

Cục Thú y cho hay, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác; lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.