Ngày 14.3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đến thăm và làm việc với nhà máy nước mặt sông Đuống tại huyện Gia Lâm.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (Dự án) cho biết, Dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khởi công từ ngày 9.3.2017.
Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch 1 năm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ được mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600 nghìn m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 900 nghìn m3/ngày đêm và có khả năng mở rộng công suất lên tới 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với đoàn công tác trao đổi và lãnh đạo nhà máy nước sạch sông Đuống ngày 14.3. Ảnh: Thành An
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá: Đây là dự án triển khai đúng quy hoạch, đạt tiến độ rất nhanh, mới qua 15 tháng, dự án đã đi vào vận hành.
“Sự xuất hiện của Nhà máy nước mặt sông Đuống trên địa bàn TP đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân trong nhiều năm, là cơ sở để thực hiện ý tưởng chuyển dần từ sử dụng nước ngầm sang nước mặt; chứng minh chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này của thành phố là hướng đi đúng đắn” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Hiện nay, dự án nhà máy nước sông Đuống đã vận hành và bảo đảm cấp nước ổn định giai đoạn 1 với công suất 150.000m3/ngày đêm từ tháng 10.2018. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất tăng lên đạt 300.000m3/ngày đêm hiện đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: Thành An
Nhấn mạnh nhu cầu nước sạch của Hà Nội còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh TP đang hạn chế, tiến tới ngừng sử dụng nguồn nước ngầm, Bí thư Thành ủy đề nghị, bên cạnh việc mở rộng nguồn cấp thì nhà máy cần tiếp tục phát triển mạng lưới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc với nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Thành An
Theo Bí thư Hà Nội, hiện nay, ngay trong khu vực nội thành cũng mới chỉ đáp ứng được gần 100% nhu cầu sử dụng trong khi chất lượng và áp lực nước chưa đảm bảo. Còn tại các huyện ngoại thành, nhu cầu cũng rất lớn và hiện mới đáp ứng được khoảng 55%.
“Đối với hệ thống mạng lưới cấp nước phải được tính toán và đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị để tránh lãng phí. Đây là việc phải làm sớm và khẩn trương. Trước mắt, đảm bảo cung cấp nước sạch cho các hộ dân khu vực của các dự án nhà máy nước” – ông Hải nói.
Ông Hải đề nghị, các sở, ngành TP tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục cho Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng như các dự án cấp nước của TP mở rộng quy mô và triển khai dự án với tinh thần khẩn trương nhất để nước mặt cung cấp đến đâu sẽ ngừng sử dụng nước ngầm đến đó.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng phối hợp, kết nối với các nhà đầu tư, nhà cung cấp nước để đảm bảo hiệu quả, đồng bộ và không trùng lặp trong đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quan trắc và kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải để đảm bảo chất lượng nước sông Đuống. Đặc biệt lưu ý, Nhà máy nước mặt sông Đuống phải kết nối với hệ thống quan trắc của TP để thông tin về chất lượng nước cho người dân.
Cung cấp nước cho 8 quận, huyện và một số tỉnh lân cận Với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm); tuyến ống dẫn nước sạch dài 76km tại các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Hiện nay, dự án đã vận hành và bảo đảm cấp nước ổn định giai đoạn 1 với công suất 150.000m3/ngày đêm từ tháng 10.2018. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất tăng lên đạt 300.000m3/ngày đêm hiện đang được gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục và cung cấp thương mại chính thức trước lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.2019. Khi hoàn thành, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục cung cấp nước sạch bổ sung cho các khu vực phía Đông Bắc thành phố, gồm: Quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam thành phố, gồm: Quận Hoàng Mai, các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên... |