Dân Việt

Đừng đổi mạng sống  lấy nghìn like

Tạ  Nguyệt 15/03/2019 06:29 GMT+7
Một thanh niên leo lên vách đá treo leo để chụp ảnh “câu like” và rơi tự do từ độ cao gần 20m khiến nhiều người rùng mình... Những câu chuyện nghe có vẻ kỳ dị như vậy ngày càng nhiều trong thời đại ngày nay, cuộc sống ảo đang chi phối một bộ phận giới trẻ, khiến họ sẵn sàng đẩy mình vào những tình thế nguy hiểm, thậm chí đối mặt với tử thần, chỉ để nhận được những cái like từ mạng xã hội.

Một tấm ảnh đổi một mạng người

Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh nam thanh niên rơi từ vách núi xuống liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của người xem. Hành động của người thanh niên này, leo núi không đồ bảo vệ ở khu vực có biển cấm, chỉ để check in tung lên mạng xã hội Facebook câu like đã gặp phải sự phản ứng từ dư luận.

img

Đỗ Thành A, thanh niên leo lên vách đá treo leo để chụp ảnh “câu like”  và rơi tự do từ độ cao gần 20m.  Ảnh: I.T   

Nam thanh niên trong clip là Đỗ Thành A (22 tuổi, sống ở Đồng Nai). Sáng 10.3, Thành A mặc quần đùi, áo thun tới đồi Con Heo (phường 2, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để thử thách bản thân bằng việc leo lên đỉnh đồi dựng đứng cao hơn 20m. Hành động thu hút nhiều người theo dõi, quay clip, đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi đang leo bằng chân trần, tay không gần tới đỉnh đồi thì thanh niên này bất ngờ bị trượt tay, rơi tự do xuống vực đá. Bị ngã lộn nhiều vòng,  nhưng rất may Thành A vẫn tỉnh táo và bị chấn thương không quá nghiêm trọng: Trật khớp vai, bong củ lớn, đứt thần kinh trụ xương cánh tay...

Trước đó, ngày 11.3, mạng xã hội lại lan truyền một bức ảnh của nick Khá Bảnh, chụp nhóm thanh niên dàn hàng ngang trên đường cao tốc, bất chấp nguy hiểm tính mạng của nhóm mình và người tham gia giao thông. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã gửi giấy mời các đối tượng đến làm việc. Trong quá trình làm việc với công an, Ngô Bá Khá (chủ tài khoản Khá Bảnh) cho biết, vụ dừng xe trên cao tốc chỉ là vô tình. Sau khi anh ta đi ăn cỗ cưới nhà bạn ở Thái Bình trên đường về anh cùng các bạn dừng xe để đi vệ sinh rồi cùng đứng dàn hàng ngang để chụp ảnh kỷ niệm, tung lên mạng câu like.

Ngày 6.4.2017, lực lượng chức năng Nghệ An đã tìm được thi thể một nữ sinh 16 tuổi bị tàu hỏa đâm rơi xuống sông. Lý do của cái chết thương tâm này không còn gì chua xót hơn: Chụp ảnh selfie nên không để ý đúng lúc tàu chạy tới.

Còn cách đây nhiều năm một chàng trai sống tại TP.HCM đã thách thức cư dân mạng nếu nhận đủ 40.000 like thì anh này sẽ tẩm xăng đốt, nhảy cầu tự tử. Sau nhiều lần thách thức, sống ảo câu like anh này đã phải tự thiêu và nhảy cầu như đã hứa. Kết quả là bị bỏng toàn thân, chấn thương và còn bị công an mời lên làm việc vì gây rối trật tự xã hội.

Trên thế giới cũng đã ghi nhận không ít tai nạn và cái chết thương tâm của các thanh niên trẻ, muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng bằng việc đánh đu với tử thần bằng những trò nghịch dại dột.

Xu hướng lệch lạc, đáng phê phán

Đề cập tới những câu chuyện dở khóc, dở cười trên, TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, tất cả những câu chuyện như trên đều là những hành vi lệch chuẩn, kỳ dị của giới trẻ xuất phát từ nhu cầu sống ảo trên mạng xã hội.

“Những người trẻ thường ít kinh nghiệm sống, họ sống vội, sống gấp nên ít suy nghĩ về hậu quả những việc mình làm. Thêm vào đó, với sự cổ súy từ cư dân mạng, những hành động sống ảo, câu like  giúp người ta dễ nổi tiếng trên mạng và thậm chí giúp họ có nhiều tiền nhờ những lượt like. Vì vậy, đôi khi họ bất chấp nguy hiểm của bản thân, thậm chí là của người khác” - ông Bình nhận định.

Ông Bình còn cho rằng, đằng sau những câu chuyện sống ảo phần nào thể hiện sự bế tắc của cá nhân trong xã hội hiện đại. Người trẻ luôn mong muốn được thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi. Và họ có thể làm mọi thứ để thoả mãn điều này. Thời gian qua, những xu hướng sống lệch chuẩn, sai lầm ấy lại được sự tiếp tay của mạng xã hội, nên nó lây lan ngày càng nhanh.

“Thực tế việc sống ảo câu like bất chấp hậu quả không chỉ ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước phát triển, kể cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… dẫn tới những hậu quả nặng nề, như trào lưu tự tử ở những người trẻ Nhật Bản, tự hành hạ mình bằng cách rạch tay như ở Hàn Quốc” – ông Bình phân tích.

TS Bình cảnh báo, người trẻ đừng vì “danh vọng và tiền bạc” mà đánh đổi tính mạng của bản thân. Nhiều khi danh vọng tiền bạc chưa thấy đâu, nhưng người thân trong gia đình đã rơi lệ vì hậu quả của những trò dại dột của bản thân.

“Chúng ta nên phê phán,  ngăn chặn những hành vi đó ở một bộ phận người trẻ. Nếu hành vi đó vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng cần xử lý để làm gương. Nhưng giải pháp tốt nhất vẫn là phải là giáo dục kỹ năng sống, lý tưởng sống cho một bộ phận giới trẻ” – ông Bình đề xuất.

Từ góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần ý tưởng Việt cũng cho rằng giới trẻ luôn muốn khẳng định cái tôi của mình, nhưng bản thân lại không có đủ nội lực để tạo ra sự chú ý. Vì thế, nhiều người đã chọn hành vi gây sốc, mang tính thách thức cao với cộng đồng, trình diễn bản sắc cá nhân quá đà trên mạng xã hội…

“Gia đình nên quan tâm tới con em mình hơn, giáo dục các em hướng các em tới lối sống lành mạnh, tránh xa những xu hướng sống nguy hại. Nhà trường cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động, phong trào về học thuật, năng khiếu, để các em có sân chơi, có cơ hội thỏa mãn nhu cầu khẳng định mình, không phải chọn hình thức gây sốc thể hiện như trên mạng xã hội thời gian qua” – ông An phân tích.

img

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất:  Sống ảo có thể gây tự kỷ

“Hiện nay có nhiều người trẻ gần như là bị "nghiện" mạng xã hội. Theo đó, những người “nghiện” mạng xã hội và sống ảo quá lâu có thể làm cho quan điểm sống bị lệch lạc gây ra những hiện tượng tiêu cực trong giới trẻ: Tự rạch tay chân, đua xe nguy hiểm, dùng chất kích thích. Người trẻ nếu dùng những hành động gây sốc, quậy phá, “show hàng” rồi tung lên mạng, bất chấp những lời chế giễu, đả kích, giận dữ của công đồng mạng chỉ để làm "nổi" mình có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, gây tổn hại cho chính bản thân và người khác, nhiều khả năng còn có thể bị xử lý theo luật”.

TS Khuất Thu Hồng – Viện trư

img

ởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội:Ảo tưởng bản thân có thể đánh đổi tính mạng

“Hiện tượng sống ảo tạo ra từ sức ép về mặt tinh thần và việc định hình giá trị sống bị sai lệch. Nhiều người cứ nghĩ có tiếng rồi có tiền, tìm kiếm sự nổi tiếng một cách bất chấp danh dự, tính mạng và dù “bị chửi” cũng coi là thành công. Nhưng khái niệm thành công này được hiểu một cách sai lệch, từ đó sẽ dẫn đến sai lệch trong việc định hình nhân cách, rồi kết giao bạn bè sai lệch, hành xử sai lệch, ảo tưởng về sức mạnh bản thân… Điều này có thể dẫn tới hành vi gây nguy hại cho bản thân và mọi người”.

img

TS Trịnh Hòa Bình - Gđ Trung tâm Điều tra dư luận xã hội: Hành vi lệch chuẩn từ nhu cầu sống ảo

“Những người trẻ thường ít kinh nghiệm sống, họ sống vội,  nên ít suy nghĩ về hậu quả những việc mình làm. Thêm vào đó, với sự cổ súy từ cư dân mạng, những hành động sống ảo, câu like  giúp người ta dễ nổi tiếng trên mạng và thậm chí giúp họ có nhiều tiền nhờ những lượt like. Vì vậy, đôi khi họ bất chấp nguy hiểm của bản thân, thậm chí là của người khác và thực hiện những hành vi lệch chuẩn”.

Thùy Anh (ghi)