Dân Việt

Thái Lan chính thức gia nhập CPTPP, Việt Nam có mất lợi thế?

Quốc Hải 15/03/2019 14:01 GMT+7
Chỉ vài ngày nữa, Thái Lan sẽ chính thức gia nhập CPTPP. Sự kiện này làm dấy lên mối lo ngại khi “đối thủ đáng gờm” trong khối ASEAN này nếu tiếp tục "bước chân" vào CPTPP sẽ tạo ra thách thức không nhỏ với Việt Nam khi ngành nông nghiệp của 2 nước có quá nhiều điểm tương đồng.

Năm 2018, thương mại hai chiều của Thái Lan với 11 quốc gia thành viên CPTPP đã lên tới 48,7 tỷ USD, với xuất khẩu từ Thái Lan đóng góp 77 tỷ USD, tương đương 30,5% tổng xuất khẩu của nước này, thặng dư thương mại trị giá 5,3 tỷ USD. Vì vậy, việc Thái Lan chính thức gia nhập CPTPP là một “áp lực” không nhỏ với Việt Nam khi 2 nước có khá nhiều điểm tương đồng về trái cây, nông sản, hàng điện tử…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì đây cũng là một “động lực” để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải cải thiện mình.

img

Luật sư ThS. Vũ Xuân Hưng, Trọng tài viên, Phó trưởng Phòng Pháp chế Trọng tài VCCI HCM (Ảnh: Quốc Hải)

Theo Luật sư ThS. Vũ Xuân Hưng, Trọng tài viên, Phó trưởng Phòng Pháp chế Trọng tài VCCI HCM, cho rằng, khi tham gia CPTPP, các DN Việt Nam có được các cơ hội như: Hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết, tăng lợi thế cạnh tranh; tham gia chuỗi cung ứng nội khối và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp khi được áp dụng cơ chế tự tuyên bố xuất xứ. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức không nhỏ với các DN Việt như: Hàng nhập khẩu thuế thấp, áp lực cho hàng cùng loại sản xuất trong nước; các DN không vận dụng được ưu đãi do không  hiểu (hoặc chưa hiểu hết) các điều kiện cần đáp ứng để hưởng ưu đãi (như điều kiện vận chuyển trực tiếp, danh sách nguồn cung thiếu hụt cho hàng dệt may, quy tắc xuất xứ và các ngoại lệ khác,…); Đặc biệt là khả năng tham gia CPTPP của các quốc gia khác có lợi thế về điều kiện ngành hàng như dệt may, nông sản,…

Cũng theo ông Hưng, trường hợp Thái Lan sắp tới sẽ tham gia CPTPP, do Thái Lan có chung những mặt hàng lợi thế với Việt Nam như trái cây, nông sản, hàng điện tử… nên khi nước này tham gia CPTPP và mang theo những mặt hàng đó chiếm lĩnh thị trường thì hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh. Từ đó, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam phải được tạo điều kiện tốt nhất để cải tiến chất lượng cũng như tạo được ưu thế giá cả.

“Nói thật, có khoảng hơn 600 nghìn DN hiện chưa nắm rõ về CPTPP nên khách hàng yêu cầu gì thì làm đó. Tôi cho rằng các DN nên gấp rút tìm hiểu các vấn đề về miễn giảm thuế và chứng chỉ xuất xứ hàng hóa. Rồi sau đó khi làm việc với khách hàng, nếu so sánh với các hiệp định thương mại đã ký kết và xem xét C/O (Certificate of Origin – Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) nào có lợi thì sử dụng chứ không nhất thiết phải dựa vào CPTPP”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, ông David Thanh Giang, Việt kiều Canada, chuyên gia tư vấn về CPTPP, cho rằng: Khoảng 10 ngày nữa, Thái Lan sẽ có chính thức gia nhập CPTPP và dù “đến sau” nhưng Thái Lan sẽ là “đối thủ” có cạnh tranh lớn với Việt Nam về các phương diện đầu tư nước ngoài, về xuất khẩu nông thủy sản và công nghiệp xe hơi.

img

Ông David Thanh Giang, Việt kiều Canada, chuyên gia tư vấn về CPTPP (Ảnh: Quốc Hải)

“Theo tôi, thiệt thòi lớn nhất của Việt Nam khi có sự xuất hiện của Thái Lan trong khối CPTPP không phải ở mảng nông thủy sản mà là ở mảng liên quan đến mảng sản xuất xe ô tô. Bởi, xét về giá trị gia tăng mang về cho nền kinh tế thì công nghiệp ô tô lớn hơn rất nhiều so với nông nghiệp chế biến. Theo đó, Thái Lan đã có nền công nghiệp nặng chắc chắn, đặc biệt, nền công nghiệp ô tô với sự hậu thuẫn của hơn 10.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ. Chính lực lượng các nhà sản xuất này đang cung ứng từ ổ cứng vi tính đến các linh kiện lắp ráp ô tô cho Thái và xuất khẩu ra nhiều thị trường trong và ngoài khối. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn bớt các khoản chi phí liên quan đến ngành công nghiệp ô tô thì sẽ rót đầu tư mạnh vào Thái Lan chứ không phải Việt Nam bởi  nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn… bèo bọt”, ông David Thanh Giang, cho biết.

Còn theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín, thì đánh giá việc Thái Lan gia nhập CPTPP sẽ làm quy mô hoạt động tốt hơn, thị trường sẽ mở rộng hơn.

“Theo tôi thấy thì vấn đề cạnh tranh, vấn đề thị trường phải phát triển mới được. Cứ hình dung ‘miếng bánh’ để nhiều người ăn được nhiều hơn thì có nhiều cách, trong đó trước hết thì miếng bánh phải mở rộng ra, sau đó là các thành viên trong miếng bánh đó, tức là các thành viên của CPTPP phải có những giải pháp để nâng tính cạnh tranh lên, giành được nhiều thị phần, tìm kiếm khách hàng ở trong đó. Vì vậy, theo tôi thì bản thân nội tại các doanh nghiệp phải nâng năng lực của mình lên, chứ thực sự mà nói nếu Đài Loan không tham gia hay sắp tới Mỹ có thể sẽ tham gia CPTPP, hay các nước khác có tính cạnh tranh về hàng hóa hơn tham gia thì cũng chưa hẳn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam, mà mấu chốt là các DN của Việt Nam phải mạnh, sự hỗ trợ của Nhà nước phải tốt, thị trường phát triển ra… Chứ bản thân DN Việt mà yếu thì dù đối thủ không vô mình cũng chết chứ không phải nhiều thanh viên tham gia là mình chết”, ông Tín chia sẻ.

Được biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 30.12.2018 với sự tham gia của 11 quốc gia (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam). Theo đó, CPTPP chiếm khoảng 13% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và cung cấp quyền tiếp cập vào khối kinh tế 500 triệu người.

CPTPP được thiết kế để cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, giảm bớt các hạn chế đầu tư và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Nếu Thái Lan muốn gia nhập CPTPP thì phải được hơn phân nửa các thành viên (6/11) đồng ý.