Dân Việt

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Hạn chế ra vào các trang trại lớn

Đình Thắng 16/03/2019 10:07 GMT+7
Đó là lo ngại của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khi nhận định về tình hình dịch bệnh tại cuộc họp bàn với 17 địa phương để tìm giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thời tiết thuận lợi cho dịch bùng phát mạnh

Đến nay, DTLCP đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Theo Cục Thú y, trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của DTLCP có xu hướng chậm lại. Các địa phương đã và đang quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo hướng dẫn của Bộ NNPTNT cùng các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp đồng bộ ngăn chặn dịch bệnh này lây lan.

img

Dịch tả lợn châu Phi nguy cơ lây lan sang 3 vùng trọng điểm đó là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, khu vực miền núi phía bắc, và các tỉnh phía Nam. Ảnh: T.L

"Hà Nam ý thức rõ hậu quả xảy ra cho đàn lợn nếu dịch bùng phát lây lan trên diện rộng vì tỉnh có xấp xỉ 500.000 con lợn. Bởi vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc theo đúng chỉ đạo. Về cơ chế hỗ trợ, ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho người dân 32.000 đồng/kg tiêu huỷ, với lợn nái thì tăng gấp 1,5 lần”.

Ông Trương Minh Hiến -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, thời tiết sắp tới thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. An toàn sinh học, công tác phòng trừ điều kiện rủi ro sẽ là rất khó, rất phức tạp. Nguy cơ nhãn tiền là DTLCP lây lan với tốc độ nhanh.

Đánh giá cụ thể tình hình DTLCP, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho hay, bệnh này xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; hiện chưa xuất hiện DTLCP tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đàn lớn nhất phải tiêu huỷ là 587 con tại Hải Phòng.

Theo ông Đông, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân dịch xuất hiện ở các địa phương do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh ở phạm vi rộng.

Virus DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Chủ động hỗ trợ, dân sẽ không giấu dịch

Về công tác phòng chống dịch trong những ngày qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt. Từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn cho tới các công tác khác, đã được thực hiện tốt theo Chỉ thị 04 của Chính phủ.

“Chưa có chiến dịch nào được làm đồng bộ, thuận lợi như lần này. Khâu truyền thông, báo chí cũng đã vào cuộc thông tin kịp thời để người dân hiểu, nắm rõ tình hình” – Bộ trưởng đánh giá.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: “Trung Quốc đang kiểm soát chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mông Cổ cũng làm rất chặt. Tôi đặt ra vấn đề là tại sao chỉ xảy ra ở hộ nhỏ lẻ. Nếu không giải quyết cặn kẽ an toàn sinh học thì rất khó kiểm soát. Ngoài vôi bột, ở các trang trại lớn người ta còn phun thuốc sát trùng. Rõ ràng ở 17 tỉnh vừa rồi, nơi nào ra quân đồng bộ, chặt chẽ thì dịch được khống chế tốt”.  

Để phòng chống dịch hiệu quả, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần phát hiện sớm, tiêu hủy ngay từ đầu; tăng cường tiêu độc khử trùng, lập nhiều chốt nhằm kiểm soát giấy tờ kiểm dịch, kiểm soát lâm sàng bệnh.

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch bệnh, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết khi có dịch, tỉnh lập tức trích nguồn ngân sách để hỗ trợ, chính vì thế dân không giấu dịch. Đồng thời, chú ý xem xét các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi hiện nay chưa phát sinh dịch ở các hộ chăn nuôi lớn.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng DTLCP nguy cơ lây lan sang 3 vùng chăn nuôi trọng điểm, đó là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, khu vực miền núi phía Bắc, và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, trên tinh thần kế hoạch của Bộ NNPTNT, các địa phương cần rà soát lại phương án phòng chống DTLCP dựa trên thực tiễn địa phương mình, rà soát từ kế hoạch, biện pháp thực hiện, kế hoạch hỗ trợ.

“Giải pháp an toàn sinh học là biện pháp quan trọng nhất đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ; xử lý môi trường phải bắt đầu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đi ra, cần rắc vôi bột thường xuyên liên tục. Thứ hai là xử lý thức ăn triệt để; thứ ba, xử lý an toàn sinh học ngay cả đối với người chăn nuôi. Đối với nhóm trang trại lớn, yêu cầu quán triệt bằng điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan. Phải áp dụng hình thức thông tin gián tiếp một cách hiệu quả.  Về quy trình xử lý dịch, cần rà soát lại để bổ sung một cách hoàn thiện nhất, từ khâu lấy mẫu phù hợp thực tiễn, phân tích, trả lời kết quả” - Bộ trưởng nói.