Ngân hàng TMCP Nam Á dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông vào thứ 7 tuần sau, ngày 23.3 (Ảnh: IT)
Có gì ở đại hội cổ đông NamABank 2019?
Theo dự kiến, đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) sẽ diễn ra vào thứ 7 tuần sau ( ngày 23.3), tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Một loạt các tài liệu phục vụ đại hội cổ đông sắp tới của NamABank được công bố cho thấy, NamABank đang có những “điểm nhấn” quan trọng trong hoạt động kinh doanh năm 2019. Nổi bật đầu tiên, ngân hàng sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành của Ngân hàng Nam Á tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), chứ không giao dịch trên UPCoM như dự định hồi năm 2018. Cùng với đó, dự kiến HĐQT sẽ là người thực hiện tất cả các thủ tục và ký kết các giấy tờ có liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Còn nhớ trước đó, năm 2018 ngân hàng cũng “rầm rộ” thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng kí giao dịch trên UPCoM (vào ngày 24.10.2018), khiến cổ phiếu NamABank được “săn lùng” khá sôi nổi trên sàn OTC (săn mua với mức giá 10.000 đồng/CP), nhưng sau đó không lâu quá trình này lại bị hoãn lại.
Một điểm nhấn tại đại hội cổ đông lần này là việc tăng vốn điều lệ năm 2019. Tuy nhiên, trên website của NamABank, hiện ngân hàng chưa công bố tờ trình phương án tăng vốn điều lệ này. Còn nhớ, trong đại hội cổ đông năm 2018, NamABank cũng đã trình đại hội về chủ trương tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu phổ thông mới. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, ngân hàng mới chỉ thực hiện được một phần tăng vốn từ 3.021 tỷ đồng lên 3.353 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, NamABank cũng chưa công bố Tờ trình phân phối lợi nhuận; Tờ trình về ngân sách hoạt động và thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (bao gồm cả Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Nam Á) trong năm tài chính 2019.
Cũng tại đại hội này, HĐQT cũng trình đại hội đồng cổ đông về chủ trương tiếp tục mở mới các điểm giao dịch trong năm 2019. Còn nhớ trước đó vào tháng 10.2018, NamABank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở mới 35 điểm giao dịch trên cả nước (gồm 5 chi nhánh và 30 phòng giao dịch), nâng số lượng các điểm giao dịch lên 103 điểm. Tuy nhiên, đến hết tháng 2.2019, tổng số điểm giao dịch của NamABank trên toàn quốc mới chỉ là 78 điểm, nên trong năm này ngân hàng được tiếp tục mở thêm 25 điểm giao dịch.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, NamABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 800 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Tổng tài sản đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018; dư nợ cho vay đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 18%; huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 27%. Đặc biệt, Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lọt Top 17 ngân hàng mạnh tại Việt Nam.
“Sức khỏe” Nam Á Bank thế nào?
Tính đến hết năm 2018 (31.12.2018), quy mô tổng tài sản của NamABank đạt 75.059 tỷ đồng, tăng 20.619 tỷ đồng (tương ứng tăng trưởng 38% so với cuối năm 2017), đạt 114% so với kế hoạch năm 2018. Tỷ trọng tài sản có sinh lời trên tổng tài sản đạt 92%. Về huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá trong năm 2018 đạt 56.793 tỷ đồng, tăng 15.040 tỷ đồng (tăng trưởng 36% so với đầu năm) và đạt 103% kế hoạch năm 2018.
Các chỉ tiêu an toàn vốn của Nam Á Bank năm 2018 (Ảnh: Tờ trình của NamA Bank)
Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế đạt 50.815 tỷ đồng, tăng 14.469 tỷ đồng, đạt 121% kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được NamABank kiểm soát đến cuối năm 2018 khá chặt chẽ với tỷ lệ 1,54%.
Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NamABank đạt 743 tỷ đồng, tăng 147% so với cuối năm 2017 và đạt tới 232% so với kế hoạch năm 2018. Đặc biệt, các tỷ lệ và giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng được giám sát khá chặt chẽ với các chỉ tiêu như: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,15%; Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 19,3%; Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 16,74%; Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 75,23%...