Ông là Đinh Văn En (69 tuổi), hiện ở Dốc Mốc, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Cuộc vượt trại cùng 20 viên đá lửa
Như rất nhiều thanh niên Hre thời chống Mỹ, đến tuổi “quân dịch”, đa số đều bị bắt đi lính (ngụy), ông Đinh Văn En cũng vậy. Ông đi lính bảo an, ở đồn Ba Vì, cách thị trấn Ba Tơ ngày nay khoảng 20km theo quốc lộ 24 đi Kon Tum. Sau gần 10 năm lính nhưng En cũng chỉ lên đến cấp bậc thượng sĩ, bù lại, đám lính bảo an ở đồn Ba Vì ngày ấy, tất thảy đều sợ En một phép. Họ đồn ông En có bùa ngải. Đồng bào Hre mà nghe ai có bùa ngải là sợ lắm.
Hàng ngày, ông En đi làm thuê kiếm sống. |
Cầm đồ thuốc độc là một hủ tục của người Hre. Người ta đồn rằng, hễ ai có “đồ”, chỉ cần dùng “đồ” ấy “yểm” vào nhà người nào thì người đó sẽ chết hoặc tan gia bại sản.
Theo quan niệm của người Hre thì “đồ” được hình thành từ chiếc ria mép của con hổ cái, đem gói chung với một loại lá cây đặc biệt rồi mang chôn ngoài rừng. Đúng ngày , “đồ” được lấy lên và mang theo người để “yểm” vào ai mà mình muốn. “Đồ” ở đây là một dạng của bùa ngải mà ông En từng sở hữu- dĩ nhiên là theo lời đồn thổi của đám lính bảo an.
Thượng sĩ “già” Đinh Văn En không thèm cải chính về lời đồn thổi nọ, trái lại, ông lấy chuyện đó để “phòng thân”. Chả đứa nào dám đụng vào En, từ tên đại đội trưởng đến những tay lính lác bợm nhậu. Mỗi khi đám lính ăn nhậu tưng bừng, hễ thấy En liếc mắt một cái, cả bọn rã đám ngay. Cái “uy” ấy đến giờ vẫn còn truyền tụng trong dân làng Dốc Mốc.
Anh Phạm Văn Don, hàng xóm ông En ra chiều hiểu biết về “người rừng” này: “Ổng ghê lắm, đạn của du kích bắn ổng biết mấy mà có thủng đâu, vậy nên ổng mới sống đến giờ chớ!”. Nghe ông hàng xóm “tán” vậy, Đinh Văn En cười hiền khô, thay cho lời đính chính: “Nếu mà đạn bắn không thủng, tui đâu có trốn trại để thành người rừng làm gì!”.
Ngày giải phóng (1975), En lẩn vào đám tàn quân chạy trốn nhưng giữa đường bị quân giải phóng bắt làm tù binh. Ông được dẫn giải về trại cải tạo Kim Sơn huyện An Lão, Bình Định.
Một buổi sáng của năm 1979, Đinh Văn En cùng những bạn tù đi chặt cây rừng. Đám bạn tù, đa số là sĩ quan rỉ tai nhau nhưng cố để En nghe được: “Thượng sĩ già như thằng En này, chắc là có nợ máu với dân nên mới bóc lịch lâu đến vậy. Trước sau gì cách mạng cũng “xử” những thằng như hắn thôi”.
Lo sợ trước cái tin trời búa nọ, En bàn với 3 bạn tù nữa, cũng người Hre cùng quê, quyết định trốn trại. Trại cải tạo Kim Sơn thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định nhưng tiếp giáp với huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Những năm sau giải phóng, rừng còn rậm rạp lắm, thú dữ cũng còn rất nhiều. En và 3 bạn tù người Hre không biết được quãng đường mà mình sẽ đi ấy bao xa nhưng điều này thì họ biết: Nguy hiểm đang chờ họ trong những ngày sắp tới.
Tìm hướng để băng rừng đối với người Hre là chuyện vặt, sợ nhất là lấy đâu ra lương thảo để ăn dọc đường? “Tôi đã xin trong anh em của trại tổng cộng 20 viên đá lửa làm hành trang cùng chiếc soong nhỏ rồi lên đường. Chúng tôi sẽ nấu củ và rau rừng bằng chiếc soong ấy” - ông En nhớ lại.
Tôi hỏi ông: “Các ông có nghĩ đến việc khi về quê, chính quyền cách mạng sẽ hỏi giấy “hoàn thành cải tạo” thì trả lời sao không?”. Ông En nói rằng, nếu mà nghĩ được như vậy thì sẽ không có chuyện mắc kẹt trong rừng 19 năm sau đó! Ông chỉ nghĩ đơn giản là thoát ra khỏi trại Kim Sơn để tránh một cuộc hành quyết sắp tới thôi.
Trở thành “người rừng”
Chiều hôm ông En đào thoát, cán bộ quản giáo trại Kim Sơn kiểm tra quân số và thấy vắng 4 người. Họ biết các trại viên người Hre đã trốn. Một cuộc truy lùng ráo riết, nhằm hướng Ba Tơ trực chỉ. Ông En kể: “Chúng tôi chỉ ngủ cùng nhau một đêm đầu tiên, khi biết bị truy đuổi, chúng tôi tự giải tán và đi riêng lẻ. Đến giờ tôi cũng không rõ số phận của 3 người kia thế nào, chỉ biết rằng, sau hơn một tháng, tôi mới đặt chân về đến vùng rừng huyện Sơn Hà, quê vợ tôi”.
“Nếu không bị ngã gãy cánh tay này thì khó mà bắt được tôi!”. |
Về đến Sơn Hà, ông En nhận tin buồn: Người vợ của ông sau 4 năm chờ đợi, cứ tưởng ông chết, bà đi bước nữa. Và rồi ông chọn cánh rừng Sơn Nham của huyện Sơn Hà để “định cư”. Hàng ngày, En mò ra các rẫy lúa của đồng bào Hre để “ăn cắp” những thứ có trong rẫy, lúc thì trái bắp, khi thì quả bí, quả bầu. Tối lại, ông chui vào các hang đá để qua đêm, nếu mùa mưa, ông chọn những thân cây to, có ba chạc để “ngủ úp” trên đó nhằm tránh thú dữ.
Chỉ qua một mùa mưa, bộ quần áo tù mà En mang theo đã rách tả tơi. Ông lại ra rẫy đồng bào, lấy áo rách của “bù nhìn” mà dân dùng để đuổi chim để mặc. 20 viên đá lửa mà ông mang theo, sau 1 năm là hết nhẵn. “Mùa khô thì tui dùng hai viên đá để “ghè”, lấy con cúi làm mồi lửa, sang mùa mưa thì đành ăn… sống!” - ông En cho biết.
Có một dạo, dân Sơn Nham đồn ầm lên về việc xuất hiện “người rừng”, đồng bào đi rẫy tận mắt nhìn thấy có một người tóc rất dài, trên người không một mảnh vải… Chỉ cần nghe tiếng động là “người rừng” ấy biến rất nhanh. Công an và kiểm lâm đã nhiều lần mai phục nhưng không bắt được. Cho đến một hôm…
Mùa mưa năm 1998, hay tin có một nhóm lâm tặc đang chặt cây tại vùng Sơn Nham, Kiểm lâm huyện Sơn Hà đã xuống hiện trường. Họ đi rất khẽ nên tình cờ phát hiện “người rừng”. Ông En nhanh chóng biến ngay vào rừng rậm nhưng chẳng may bị vấp ngã gãy tay và bị bắt. Ông được đưa về huyện Sơn Hà để “thẩm vấn” nhưng sau gần 20 năm ở rừng, En gần như quên hết tiếng người! Phải mất cả buổi, tiếng người mới dần hồi phục trong ông.
“Tôi biết một cái tết trôi qua là khi leo lên cây và nghe tiếng nổ của pháo dưới thị xã Quảng Ngãi. Thế nhưng, có một thời gian dài, tôi không nghe tiếng pháo nữa, dù hoa dại đã nở trắng rừng, biết tết cũng vừa qua. Sau này tôi mới biết, năm ấy nước mình cấm đốt pháo (1994)”.
Điều kỳ lạ là từng ấy năm ăn sống nuốt tươi nhưng ông En chưa một lần bị ốm! Ông chỉ “ốm” sau khi công an đưa ông về Ba Tơ, cho ông ăn uống thật “sướng” thôi. “Ăn sống quen rồi, giờ ăn đồ chín mà đau bụng mới kỳ cho chứ!”. Ông En cười xòa.
Những tưởng bà con Hre sẽ “làm tội làm tình” ông, hóa ra họ đón ông En bằng tất cả tình thương đối với đứa con lỡ dại lạc loài. Ông bây giờ ở một mình trong ngôi nhà “đại đoàn kết” mà chính quyền xây cho. Sắp 70 tuổi rồi mà Đinh Văn En vẫn làm quần quật, không nghỉ ngày nào. “Mỗi ngày tui kiếm được 70-80 ngàn”. Ông khoe với khách rồi cười hồn nhiên như chưa từng trải qua những bi kịch của đời mình.
Trần Đăng