Dân Việt

Ngây ngất ngắm hoa gạo nhuộm đỏ làng quê xứ Thanh

Trịnh Xuân Lục 18/03/2019 16:45 GMT+7
Hoa gạo đi vào thơ văn và vào miền ký ức tuổi thơ thanh bình của những người con xa xứ bởi sự xuất hiện của nó ở những nơi lưu dấu kỷ niệm quê nhà. Cũng như nhiều địa phương khác, thời điểm này các vùng quê xứ Thanh như bừng sáng bởi sắc đỏ của hoa gạo – loài hoa mộc mạc, giản dị mà khó quên.

Hoa gạo gắn liền với mùa xuân làng quê xứ Bắc. Vào tháng 2 cây thường rụng hết là và trở nên trơ trụi đầu làng để rồi tháng 3 về với tiết trời nồm ẩm mưa xuân, những cánh hoa đỏ thắm bung nở nhuộm đỏ một góc trời. Hoa gạo có nhiều tên gọi gắn với từng miền quê của Việt Nam như hoa mộc miên, cổ bối, đồng bào Tây Nguyên lại gọi là hoa pơ lang.

Trong truyện ngắn Hoa gạo đỏ viết năm 1979, nhà văn Ma Văn Kháng đã mô tả vẻ đẹp của những bông hoa gạo trên vùng rẻo cao Bát Xát của tỉnh Lào Cai, nơi thung thổ rộng, thích hợp với những cây gạo cổ thụ như lời ông kể: “Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa có cung màu đẹp tuyệt như ở đây.

Ở đây, trời xanh trong văn vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người nhìn được vào tận cõi vô cùng. Ở đây, sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày. Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp...”.

Còn được gọi với cái tên “mộc miên” đầy tính văn học, hoa gạo có sự tích ra đời buồn và lãng mạn. Truyền thuyết dân gian kể rằng ngày xưa có đôi uyên ương chuẩn bị hôn lễ thì gặp mưa to lũ lớn, cuốn trôi hết lễ vật của họ nhà trai. Chàng bèn lên trời khiếu nại, chẳng dè Ngọc Hoàng giữ lại làm thần mưa nhằm điều tiết lượng mưa, nàng ở lại dưới trần ngày đêm vò võ trông đợi.

Một ngày tháng 3, Ngọc Hoàng thương xót cho nàng một điều ước, nàng xin được biến thành một loài cây có rễ bám thật sâu vào lòng đất, thân to, vươn lên trời cao để nàng có thể nhìn thấy chàng, đặc biệt cây có hoa đỏ tươi năm cánh là hình ảnh của kỷ vật hẹn thề chàng trao tặng. Điều ước toại nguyện, từ đó hằng năm vào tháng 3 mộc miên trổ hoa đỏ thắm thôn làng.

Hoa gạo không chỉ làm đẹp các bản làng vùng cao mà còn nở rộ trên những cánh đồng trung du và miền xuôi, báo hiệu vào mùa cấy.

Trên con đường làng, dưới bóng những cây gạo mãn khai, đám học trò nô đùa, trẻ mục đồng thảnh thơi ngồi nghỉ. Màu hoa lộng lẫy quyến rũ bầy sáo đá, chim ruồi và đám ong vây quanh, đồng thời lôi cuốn cả những kẻ săn ảnh lãng du.

img

Năm nay hoa gạo nở sớm, ra Tết chừng 2 tuần hoa gạo đã nhuộm đỏ các vùng quê. Màu hoa gạo không giống màu đỏ rực rỡ của hoa phượng, hoa gạo dịu nhẹ quyến rũ và đầy mê hoặc bởi cánh hoa, nhụy hoa và cuống hoa mang màu thời gian.

img

Cứ nhìn thấy bóng cây gạo người ta biết đó là đầu làng bởi trước đây hầu như ngôi làng nào cũng có một gốc gạo cổ thụ.

img

Những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở mỗi làng quê, nếp nhà Việt thì mỗi mùa hoa gạo về đều mang lại những cảm xúc bồi hồi, lắng đọng, nhung nhớ, căng tròn.

img

Hoa gạo đi vào thơ văn và vào miền ký ức tuổi thơ thanh bình của những người dân quê và cả những người con xa xứ bởi hoa gạo có mặt ở những nơi lưu dấu kỷ niệm với sắc màu rực rỡ nhuộm đỏ dọc bờ sông, trên bến sông, nơi quán nước giữa cánh đồng nơi nghỉ của những người nông dân…

img

Người dân trong làng ví hoa gạo là biểu tượng cho sức sống an lành bình yên nối từ quá khứ với hiện tại đến tương lai. Và mỗi năm hoa gạo nở là thêm một lần chứng kiến biết bao vui buồn, cuộc sống của người dân quê tôi.

img

Với lũ trẻ, hoa gạo là một món đồ chơi thú vị. Ngày nay, mùa hoa gạo là mùa "check-in" của giới trẻ và là lúc các nhiếp ảnh gia xách máy lên đường tìm cho mình cảm hứng sáng tác với những khuôn hình mới. 

img

Với người nông dân, hoa gạo còn là chỉ dấu thời điểm để tiến hành một số hoạt động nhà nông như câu thành ngữ: "Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng" hay "Bao giờ cho đến tháng ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn"…