Đưa Yang Hri xuống đồng
Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam liệt truyện chính biên” nhị tập có một đoạn ghi chép về vùng đất “Hỏa Xá” qua “báo cáo” của đoàn quan chức tỉnh Phú Yên vào năm Minh Mạng thứ 21 (1841): “Đất ấy đều là cánh đồng rộng, không có núi sông hiểm trở…
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. |
Trong vùng dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi; cách sinh nhai thì đào đất trồng cấy, không có cày bừa...”. Vùng đất “Hỏa Xá” nơi đây chính là thung lũng A Yun Pa (Phú Thiện, Gia Lai) ngày nay và người gọi là “Quốc vương” Hỏa Xá không ai khác là “Vua Lửa”...
Trước khi trở thành Chủ tịch thị trấn Phú Thiện, đôi chân Rơ Ma Ét đã chai sần với đồng đất quê mình. Mơ ước một ngày dân làng có đủ hạt gạo để ăn, ông không thể nghĩ là có một ngày điều đó trở thành hiện thực. Nhưng để có hiện thực đó, Rơ Ma Ét đã không thể ngờ phải tiến hành một “cuộc cách mạng” vô cùng gian nan...
Cho mãi đến năm 1995, phóng tầm mắt ra bốn phía, A Yun Hạ vẫn chỉ mênh mang một màu thảo dã... Bấy giờ trên cử một cán bộ có cái tên rất đáng nhớ là Ngô Quyết Thù về dạy bà con cày bằng bò và trồng lúa nước.
Được trả công bằng lúa nên người ta chịu đi chứ cả hai việc mới nghe đã thấy trái tai rồi. Yang Hri (Thần lúa) từ đời ông bà vẫn ở trên rẫy. Bắt xuống nước, Yang sẽ chết đuối, đói chỉ càng thêm đói. Còn con bò, xưa nay chỉ để cúng Yang. Bắt nó làm công việc cực khổ, Yang sẽ cho sét đánh chết...
Tội cho ông Thù, công việc chỉ từng li từng tí rồi đích thân đứng ra làm mà có biết đâu người ta nghe như nước đổ lá môn... Thương ông Thù mà cũng bực thay cho sự lạc hậu của dân mình, Rơ Ma Ét đứng ra nhận luôn 1ha.
Nhưng chính là người trong nhà lại chống Ét hăng nhất. Hôm dắt bò ra cày, ông cậu ruột nghe tin đã ngay lập tức hộc tốc chạy đến. “Thằng Ét kia, ông bà bao đời cuốc đất có sao mà giờ mày nghe người ta hành hạ con bò cho tội nó? Đồ lười biếng. Coi chừng mà mày gây tội cho cả họ này”. Vừa bực, vừa tức cười mà Ét vẫn cố nén: “Nếu tôi mà làm Yang giận thì sét chỉ đánh chết mình tôi thôi. Cậu về đi”.
Mùa về trên cánh đồng A Yun Hạ. |
Không thấy Yang cho sét đánh chết Ét nhưng vụ mùa năm ấy, thấy lúa thu được thua xa làm rẫy, người ta lãng chuyện bắt bò cày đi. “Xem thằng Ét suốt cả mùa lấm như con trâu tắm bùn nên Yang thương mà cho nó lúa nhiều hơn mình (!)”. Có gì đâu, vụ đầu do đất chưa thục, Ét lại chưa thạo hết kỹ thuật. Biết được lý do rồi, đến vụ thứ 3 lúa của Ét vọt lên 1,2 tấn/sào (12 tấn/ha ).
“Thằng Ét nói láo để khỏi bị cười nữa đó thôi. Làm một mà bằng người ta 12, xúc cả đất vào mà cân à?”. Nhưng rõ ràng là đống lúa đang lù lù trước sân nhà Ét. Ông cậu lúc đầu nghe chỉ cười nửa miệng nhưng rồi thấy người ta xôn xao quá cũng phải đến coi… Bắt Yang Hri xuống nước, bắt bò cày đất – toàn những chuyện từ đời ông bà chẳng ai dám làm mà không sao cả. Thật là Yang cũng đã hết thiêng rồi !
“Cá ma” trên hồ A Yun
Con đập thủy lợi biến dòng sông A Yun thành một biển hồ với diện tích mặt nước lên đến 3.700ha. Cựu chiến binh Trần Anh Kiệt trúng thầu khai thác cá từ lúc hồ khởi thủy kể rằng với hai chục lao động, mỗi năm ông đánh bắt được trên 200 tấn. Cá mè, cá chép là hai thứ đặc sản ở đây.
Có những đêm ông bủa lưới được cả tấn. Cá mè 10 - 15kg là chuyện thường gặp ở hồ này. “Khủng” nhất là năm 1997, ông đánh được một con cá mè nặng tới 35kg. Nhìn “cụ” cá ngả màu rêu với những chiếc vảy to như vỏ nghêu, ai cũng cho là “cá ma”. Bán không ai dám mua, ông đành xẻ thịt biếu bạn bè…
Còn cá chép, ở đây cũng từng được phong “cá ma” với những “cụ” nặng tới 7 kg... Những năm mùa lụt cá ế, ông Kiệt phải rong ruổi xuống Bình Định, ra tận Đà Nẵng, Thanh Hóa để bán cá; vừa bán vừa tiếp thị bằng việc biểu diễn cách chế biến những món đặc biệt để giữ hương vị cá hồ A Yun... Từ nguồn cá trên hồ, những năm gần đây phong trào nuôi thủy sản đã phát triển ra khắp ba huyện. Cùng với cá, những thử nghiệm nuôi ếch Nam Mỹ, ba ba cũng đang được nhìn nhận là những mô hình thủy sản đầy triển vọng để phá thế độc canh...
... Ngồi trên thủy tạ giữa mặt ao lộng gió của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện Rơ Mah Dương, phóng tầm mắt ra bốn phía chỉ thấy ngút một biển lúa vàng rừng rực. Khói đốt đồng từng đụn lơ lửng dưới vòm trời xanh ngắt. Nghe đậm đặc trong khứu giác mùi bùn, mùi rạ rơm nồng ấm mà cứ ngỡ mình như đang ở đồng bằng. Bạn tôi bảo giá mà ở thành phố thì nơi đây trở thành khu du lịch. Cá tươi ngoay ngoảy đánh dưới ao un lửa rơm mới nhấm nháp với rượu cần giữa không gian bốn bề là bức tranh siêu thực... Cổ tích trên cánh đồng người xưa có lẽ chỉ còn một điều này, nhưng tôi tin rồi nó cũng sẽ là hiện thực...
Ngọc Tấn