Nhân viên an ninh Trung Quốc đứng cạnh xe bọc thép ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Trung Quốc đang đối mặt với nhiều chỉ trích quốc tế về các chính sách ở khu vực Tân Cương, nơi mà các nhóm nhân quyền cho hay có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong các trại cải huấn.
Đáp lại, hôm 18.3, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng phản bác cáo buộc trên. Trong bản Sách trắng, Bắc Kinh nói rằng Tân Cương là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ lâu nhưng "các lực lượng khủng bố và cực đoan" đã thúc đẩy phong trào ly khai bằng cách "làm sai lệch" lịch sử khu vực.
Sách Trắng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc kiên quyết chống lại mọi hình thức khủng bố và cực đoan, không ngừng đấu tranh, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, chống mọi hành vi ủng hộ khủng bố và cực đoan, cũng như bất kỳ hành động nào liên quan đến việc tổ chức, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động khủng bố, hoặc xâm phạm quyền con người của các công dân.
"Từ năm 2014, Tân Cương đã tiêu diệt 1.588 băng đảng khủng bố và bạo lực, bắt giam 12.995 phần tử khủng bố, thu giữ 2.052 thiết bị nổ, trừng phạt 30.645 người vì tiến hành 4.858 hoạt động tôn giáo trái phép, tịch thu 345.229 tài liệu tuyên truyền trái phép", trích Sách trắng. "Công cuộc chống khủng bố và đấu tranh chống cực đoan ở Tân Cương luôn được thực hiện theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, tài liệu trên nhanh chóng bị một nhóm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ phản bác. Tân Cương, khu vực chung biên giới với một số quốc gia bao gồm Pakistan và Afghanistan, từ lâu lâm vào tình trạng bất ổn. Trung Quốc tuyên bố nguyên nhân do phong trào khủng bố có tổ chức đang muốn giành độc lập cho khu vực này.
Bắc Kinh phủ nhận có trại cải huấn tại khu vực này, nhưng cho biết ở đây có "trung tâm giáo dục nghề nghiệp" giống các trường nội trú, nơi học sinh tự nguyện đăng ký.
"Các biện pháp phòng ngừa" đã đem lại "hiệu quả rõ rệt" trong khu vực, người dân "có ý thức mạnh hơn về an ninh, hạnh phúc và lòng thỏa mãn", trích Sách trắng.
Những tháng gần đây, Trung Quốc công khai hoạt động ở khu vực này, đưa nhà báo và các nhà ngoại giao đi thăm Tân Cương và những trung tâm giáo dục tại đây.