Dân Việt

Hòa Bình: Đập nước thủy điện So Lo "treo" trên đầu, người dân lo lắng

Minh Bạch 23/03/2019 09:35 GMT+7
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt nhận được phản ánh về việc 2 thủy điện So Lo 1, So Lo 2 đang hoạt động trên địa bàn xã Phúc Sạn (huyện huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) gây ảnh hướng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ông Bùi Văn Thành, Trưởng bản Sạn, xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), bức xúc: "Người dân chúng tôi sinh sống ở dưới đập tích nước của 2 nhà máy thủy điện So Lo 1, 2 rất khổ sở.  Khổ nhất là vào mùa mưa lũ, thủy điện xả nước từ trên đập xuống làm xói mòn, sạt lở đến đường đi và cả nền nhà của một số hộ dân sinh sống ven suối như: Gia đình ông Bùi Văn Dương, Lò Văn Thuận, Hà Văn Anh, Đinh Văn Bích, Đinh Thị Thu, Hà Thị Hải và 1 số hộ dưới trường học cũng đều bị ảnh hưởng".

Hiện trong bản có 66 hộ sinh sống, người dân rất sợ bị vỡ đập vì đập tích nước ở trên đầu nguồn, cách bản có vài trăm mét.

"Đáng lẽ, khi xây dựng thủy điện, những hộ nào gần suối phải bố trí di dời cho dân đi ở chỗ khác nhưng thủy điện và cơ quan chức năng không bàn đến. Qua nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã kiến nghị nói lên nỗi sợ và nguyện vọng của bà con là xây kè chống xói mòn cho dân nhưng không được giải quyết" - ông Thành nói.

img

Nhà máy thủy điện So Lo 2 nằm sát khu dân cư bản Sạn. Theo phản ánh của người dân, mỗi khi thủy điện xả nước đã gây xói mòn nền nhà của người dân.

Ngoài thủy điện So Lo 2 xây dựng năm 2016 làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản Sạn, còn có thủy điện So Lo 1 cũng nằm trên cùng con suối đó, cách thủy điện So Lo 2 không xa. Bà con sinh sống ở bản So Lo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi nước dâng cao gây ngập nhà vào mùa mưa lũ.

img

Thủy điện So Lo 2 được xây dựng năm 2016.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Dương, bản So Lo bức xúc kể: "Khi nhà máy thủy điện So Lo 1 bắt đầu xây dựng năm 2007, họ chỉ đền bù cây luồng trên đất, còn đất của chúng tôi không được đền bù. Mặc dù trước đó, gia đình tôi và 12 hộ dân trong bản được Nhà nước giao diện tích đất trồng rừng phòng hộ nhiều năm, được cấp sổ xanh đàng hoàng, bỏ công sức hàng năm chăm sóc, cải tạo nhưng không được đền bù thỏa đáng. Chúng tôi đã làm đơn lên xã, lên huyện nhiều lần"

img

img

Theo phản ánh của người dân: Vào mùa mưa lũ, thủy điện So Lo 1 không kịp xả nước gây ngập lụt nhiều nhà dân ở bản So Lo.

“Chúng tôi thấy khi thủy điện So Lo 2 xây dựng năm 2016, nhiều hộ trong bản Sạn cũng nằm trong hoàn cảnh  như 13 hộ ở bản chúng tôi năm 2007 nhưng lại được thủy điện đền bù cả cây, cả đất, ruộng. Vậy tại sao chúng tôi lại không được hưởng lợi như thế? Tôi thương nhất là ông Đinh Văn Phùng. Ông Phùng đã cầm đơn đi khiếu nại khắp nơi, đến khi qua đời cũng không được ai giải quyết thỏa đáng”, ông Dương cho biết thêm.

img

 Người dân cho biết: Do đập chứa nước nằm sát khu dân cư bản Sạn, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, vào mùa mưa nước thường hay tràn xuống rất mạnh khiến nhiều người dân bị ảnh hưởng.

Anh Hà Văn Hiểu, Trưởng bản So Lo, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, cho hay: Bản So Lo có 67 hộ, 255 nhân khẩu, vào thời điểm trời mưa nước ở suối dâng cao làm ngập lụt 2 bên suối. Tháng 10. 2017, nhiều nhà dân ở ven suối đều bị ngập đến cột nhà.

Nước ngập đã gây sạt lở sói mòn dần nền nhà, làm ảnh hưởng đến tài sản của người dân nhưng không được đền bù... Nguy hiểm hơn là trên đầu nguồn của bản, thủy điện So Lo 1 còn xây thêm 1 đập tích nước để xả vào nhà máy, hiện đập đã xuống cấp. Người dân trong bản ai cũng lo sợ vào mùa mưa sẽ có nguy cơ vỡ đập. 

img

Theo anh Hà Văn Hiểu, Trưởng bản So Lo: Ở trên đầu nguồn của bản, thủy điện So Lo 1 còn xây thêm 1 đập tích nước để xả vào nhà máy, hiện đập đã xuống cấp không được chắc chắn.

img

Người dân có yêu cầu thủy điện xây kè để chống xói mòn, sạt lở nền nhà của dân nhưng không được thực hiện.

Phóng viên Dân Việt đã làm việc với xã, ông Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Ông Hanh cho biết: Khi thủy điện So Lo 1 xây đập tích nước ở đầu nguồn bản So Lo, chính quyền địa phương không nắm được thông tin gì. Từ khi đập đi vào hoạt động đến tận bây giờ vẫn không có ai trực ở đó để xả nước trong đập khi mưa lũ ập đến bất ngờ.

Đến đập chính của thủy điện So Lo 1 cũng là do bên doanh nghiệp thủy điện tự nâng cấp phai chứa nước và từ đó nước mới dâng lên cao, làm ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân ở bản So Lo.

"Khi đến mùa mưa, lượng nước lũ kéo đến quá lớn họ xả nước ra, gây thiệt hại cho người dân bản Sạn sinh sống ở dưới hạ lưu, làm sạt lở đất và xói mòn nền nhà của bà con. Những lúc người dân bị ảnh hưởng thì thủy điện cũng không tổ chức thăm hỏi hoặc đền bù gì cả" - ông Hanh thông tin.

img

Dưới hạ lưu thủy điện So Lo 2, nhiều nhà dân ở bản Sạn bị xói mòn, sạt lở nền nhà do thủy điện gây ra.

“Vào mùa mưa lũ, cán bộ thủy điện thiếu quan tâm đến mặt đập đầy hay tràn nước, chỉ đến khi không kiểm soát được thì họ xả nước liên tục. Lúc xảy ra thiệt hại thì họ thoái thác do thiên tai chứ không phải do thủy điện. Người dân có yêu cầu thủy điện xây kè để đỡ làm xói mòn, sạt lở nền nhà nhưng không thực hiện được.

Đặc biệt là thủy điện có hứa khi xả nước sẽ có còi thông báo đến toàn dân biết để tránh nhưng hàng chục năm nay không thông báo gì. Sợ nhất là bà con đi làm nương qua suối và trẻ con nghịch ở suối sẽ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Chúng tôi đã kiến nghị với huyện về vấn đề thủy điện nhiều lần rồi, nhưng chưa được giải quyết”- ông Đinh Công Hanh nói.

img

Người dân sinh sống ở bản Sạn, So Lo nhiều năm rất bức xúc về thủy điện So Lo 1, So Lo 2.

Phóng viên Dân Việt sẽ tiếp tục đưa tin về nội dung này đến bạn đọc.