Trước đó, chiều 18.3, trong cuộc họp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương về vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn diễn ra tại Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã khẳng định, tỉ lệ nhiễm sán lợn của Bắc Ninh nằm trong bình quân chung của Việt Nam là 11%, tương đương 55 tỉnh, không có gì bất thường.
Ông Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nói người dân không nên hoang mang, lo lắng, cho trẻ đi xét nghiệm ồ ạt. Ảnh: I.T
Ông Chiến trích lời của Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho rằng, đây không phải ngộ độc thực phẩm như “cháy nhà chết người ngay lập tức”. Các cháu đi khám vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây cũng không phải dịch bệnh cấp tính. Sán lá gan mật chữa được trong từ 1 - 15 ngày.
“Vì thế, chúng ta yên tâm, không hoang mang, không dao động, không có gì bất thường”, ông Chiến nói.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, không nên đổ tội cho cơ sở nào vì chưa có kết luận chính thức. Ban An toàn thực phẩm, các cơ quan liên quan làm việc với thái độ trung thực, không bao che, tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
Khác với những phản ứng trái chiều của dư luận về phát ngôn của ông Chiến, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng đây là phát ngôn đúng. Người dân không nên quá lo lắng, hoang mang cho con đi khám gây quá tải. Ông Khanh cho biết, kể cả khi con có kết quả xét nghiệm dương tính thì điều này cũng chưa rõ nguyên nhân.
“Xét nghiệm này là không cần thiết vì không thể xác định chính xác trẻ đang nhiễm loại sán nào. Nếu trẻ đã từng nhiễm loại sán này, nay đã hết hoặc đang nhiễm cũng đều cho kết quả dương tính. Hầu hết các loại sán đều có thể được điều trị bằng cách đơn giản là uống thuốc xổ giun”, BS Khanh khẳng định.
BS Trương Hữu Khanh khẳng định phát ngôn của ông Nguyễn Nhân Chiến là chính xác và người dân không nên hoang mang. Ảnh: I.T
Theo BS Trương Hữu Khanh, nếu không có triệu chứng gì thì không cần đi xét nghiệm, không nên dùng xét nghiệm Elisa để chẩn đoán có nhiễm sán hay không. Xét nghiệm này vẫn cho kết quả dương tính khi bệnh nhân từng bị nhiễm sán, nay đã hết hay nhiễm con sán này lại xét nghiệm ra con sán khác, hoặc chỉ nhiễm loại sán thông thường. Xét nghiệm này đòi hỏi lý luận lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm chuyên sâu khác mới có thể khẳng định chính xác.
Ngoài ra, tất cả sán khi xâm nhập cơ thể đòi hỏi phải có thời gian ủ bệnh, xâm nhập vào máu theo chu trình, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chứ không thể "ăn hôm nay thì ngày mai có kháng thể liền", có loại mấy tháng sau mới có kháng thể. Do đó, xét nghiệm có âm tính thì cũng không thể chắc chắn trẻ chưa bị nhiễm sán.
“Chú ý các dấu hiệu của trẻ khi nhiễm sán lợn thường là đi ra sán có thể nhìn thấy hoặc nếu bị nhiễm sán lâu rồi, trẻ có thể bị sụt cân, suy dinh dưỡng, còn sán chui lên não có thể gây co giật, hôn mê. Nếu nghi ngờ trẻ nhiễm sán thì chỉ cần cho uống thuốc xổ giun”, BS. Trương Hữu Khanh cho biết. |