Năm nay, đó là giấc mơ về một người đàn bà biểu trưng cho hình ảnh quật cường của Người Mẹ Việt, đã sinh thành, nuôi dưỡng và chở che cho ngàn vạn cánh đồng, đến lúc nhắm mắt vẫn chưa nguôi khát vọng sinh sôi nảy nở. Bà chúa ấy chưa bao giờ khuất bóng, cứ mỗi heo may, bà lại tìm về với cánh đồng như con chim ngói tháng Mười bay về với mùa màng muôn thuở... Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn Đỗ Chu |
***
Cứ như các cụ truyền lại thoạt kỳ thủy đồng làng ta được gọi là đồng bà chúa. Thuở ấy làng thưa vắng lắm trên dưới vài mươi nóc nhà, nhà nào cũng chỉ tranh tre mành liếp, phần lớn ruộng vườn là của bà chúa cả. Ruộng bà miên man từ núi ra soi từ soi qua bãi từ bãi vào đê. Một miền đất lần lần thành trù phú, theo năm tháng con cháu cứ đông đàn dài lũ, nhà lên san sát chen chúc nhau mà sống. Đình to chùa miếu đẹp, cây cối xanh tươi, khách xa đến thăm không ai là không bày tỏ mến mộ.
Nói thế là để nhớ đến những bậc tiền nhân đã dày công vun đắp nên làng, là để nhớ đến người đàn bà đã một mình đi tiên phong mở mang, nếm trải nhiều vất vả và đã được tổ tiên kính cẩn tôn làm thành hoàng. Làng nào có thành hoàng làng ấy, miền này chỉ riêng làng ta có thành hoàng nữ, dễ thường như thế vẫn chưa đủ để những ai sống có ý tứ phải dừng chân ngẫm nghĩ hay sao.
Quanh vùng có nhiều miền đất rộng, rộng nhất là vùng đất phong của Đức Thánh Trần, nhưng đất Ngài là do vua ban, chứ đất bà chúa là do bà tự tay khai phá lấy.
Các nhà trong làng thường vài năm mới một lần ra chợ mua sắm sửa chữa cuốc cày nông cụ, riêng nhà bà năm một lần, mà mua nhiều, mỗi thứ hai ba cái. Lưỡi cuốc lưỡi cào liềm hái dao dựa bỏ đi được ném cả vào một đống to như đống rơm trong góc vườn.
Bà thường tha thẩn suốt ngày suốt tháng ngoài đồng, thân hình cao lớn như ông hộ pháp, sức lực hơn người, sự khôn ngoan hơn người, tâm tính càng hơn người. Người được thế hiếm lắm. Ra đồng gặp chỗ nào còn hoang hóa bà liền lội vào cắm đầu cuốc, có khi cuốc thông đêm, cuốc xong nếu có ai yếu đuối không bằng anh bằng em ngang qua bà vẫy lại bảo, tôi vỡ giúp vợ chồng nhà anh chỗ này, mai mang mấy hạt ngô hạt đậu ra gieo, không khéo tính toán đến kỳ giáp hạt đói đấy.
Gặp ngày mưa đường đất có đoạn lầy trơn, bà dừng lại lấy bàn chân gạt bùn chỉ một chốc đã sạch. Trưa hè đổ lửa lũ trẻ con xúm xít nấp vào sau lưng bà tìm bóng mát. Những vết chân bà để lại khắp đồng ai cũng dễ nhận ra. Bà sống một mình không chồng không con, đám đàn ông chê bà cao lớn quá khổ, bà chê lại họ thấp bé quá khổ.
Chỉ biết bà là người lắm trâu nhiều ruộng, đã nhiều ruộng phải lắm thóc, lắm thóc thì lắm bạc. Bạc của bà đầy chum đầy vại. Và bà sống hào phóng. Năm nào tết ra bà cũng mời bô lão trong làng tới nhà ăn cỗ bàn chuyện mở hội làng. Hội hè vùng ta xét cho kỹ tuy nhiều nhưng thường tủn mủn đơn điệu lại ít màu sắc riêng, quanh quẩn vài trò vặt, cây đu, bơi sải, chèo thuyền thúng bắt vịt, đánh cờ, chọi gà... nhiều đấy mà vẫn không thể lớn. Bà chúa là người lớn hiểu theo nhiều nghĩa. Một tết bà bảo xuân này ta phải làm một hội làng sao cho thật tưng bừng, treo giải to gọi các đô thiên hạ. Các cụ vào kinh mời cho bằng được ông trạng vật về để làng một lần được gặp, ông ấy cũng là người sang của nước đấy. Năm nay tôi bước vào tuổi năm mươi, thế là lên lão rồi, tôi muốn làng làm hội đủ ba ngày, ngày nào cũng phải đông vui, khách thập phương phải nhiều, cỗ bàn trân trọng, già trẻ ai cũng có khăn áo mới. Nghe thế khắp làng từ hôm đó đã như vào hội.
Thuở ấy nước nhà có đủ các thứ trạng, đã có trạng văn còn có trạng võ rồi trạng vật trạng lợn. Cho mãi đến thời Nguyễn mới có lệnh bãi việc tuyển trạng chứ tính ra suốt từ Lý qua Trần tới Lê phải có vài trăm ông chứ không ít. Nhiều nhất vẫn là trạng văn thứ đến trạng võ trạng vật, duy nhất một ông trạng lợn. Sử sách ghi chép rất sơ sài, nhiều thời vừa ghi vừa đốt. Mỗi lúc nói một khác, sử thời sau xóa sử thời xưa, cũng không ai còn nhớ trạng lợn tên họ là gì quê xứ nào, chỉ nghe kể đó là một anh hoạn lợn, một hôm ngang qua cổng thành thấy trong cung đang cháy lớn, quan quân bỏ chạy lung tung bèn đánh bạo nhảy vào ghé vai cõng một lúc mấy chục người đang khóc gào thảm thiết mang cả ra ngoài sân rồng. Trong đám người nhếch nhác ấy hóa ra có vua. Bình tâm nhà vua mới hỏi, ngươi từ đâu đến kinh thành? Thưa kẻ nghèo hèn làm nghề thiến lợn, lang thang đây đó, thấy cháy nhảy vào cứu được ai thì cứu. Người có công cứu giá nay ta muốn ban thưởng vậy người ước điều gì? Kẻ tôi đòi văn dốt võ dát một chữ bẻ đôi chẳng có chắc không làm nổi việc gì ngoài thiến lợn, từ bé chỉ ước ao giá mà mình được gọi là trạng thôi.
Nhà vua nghe xong thì ngần ngừ một lát, rồi mỉm cười, được, vậy ngươi sẽ là trạng. Sắp tới có khoa thi tiến sĩ đợi đến ngày yết bảng ngươi nhớ phải đến cổng ngọ môn. Ngày thi sĩ tử bốn phương lều chõng ùn ùn kéo về, lúc họ bó gối làm bài trạng lợn léng phéng đi thiến lợn ở các làng, đến buổi tuyên chiếu anh ta vác cái thòng lọng chen văng mạng vào chỗ treo bảng vàng, nhờ một học trò đứng gần tìm giúp tên mình. Quả là có, đúng là mình, trạng nguyên thật rồi.
Đám sĩ tử thấy thế thì kinh hãi ra mặt, hỏi sao lại có sự thể này, như thế này liệu đã phải là làm nhục quốc sỉ hay chưa? Chuyện đến tai nhà vua, lúc ấy vua đang ngồi trong hậu cung uống rượu quê nhai chân chó mới ậm ừ bảo, quốc sỉ quốc siếc đếch gì, sao lúc cháy trẫm không thấy bóng ai trong số họ nhảy vào lửa cõng trẫm, cõng cả nhà trẫm? Ra bảo họ quốc trước hết là của trẫm chứ đâu đã là của họ mà cứ rối cả lên.
Người đời thường nói phàm cái gì đã hiếm thì đều quý, trạng lợn là một trường hợp rất hi hữu, nhưng có là quý hay chưa lại còn phải tùy vào cách bàn của mỗi người. Những chuyện tương tự như vậy vẫn thường thấy có ở mọi thời, ở mọi cuộc tuyển hiền cắt cử, gọi chung là ân trạng ân cống, ân nghè. Nghĩ cũng chả có gì mà phải tị, mà cũng chả nên lấy thế làm lạ.
Trở lại với mấy ngày hội làng. Mùa xuân năm ấy sau tết các cụ vào kinh rước được ông trạng vật đúng như sở nguyện của bà chúa. Trạng ngồi kiệu son, mũ cánh chuồn áo sa đỏ chân xỏ hia nom lụng thà lụng thụng như từ trong pho tuồng cổ bước ra. Hôm đầu ông còn ngồi bên bà chúa cùng làng xóm xem cuộc đấu loại của các đô trong vùng. Mỗi đô mạnh một cách không ai chịu ai, họ quẳng nhau huỳnh huỵch, nắm tóc giật khố chẹn cổ bẻ lưng, ra miếng thượng vào miếng hạ, rất nhiều đòn hiểm, rất nhiều võ bẩn, trọng tài nhảy vòng quanh nhắc nhở luôn mồm, sân vật chẳng bao lâu đã lầy lên như vũng trâu đằm, bùn vẩy tung tóe khiến đám đông vừa chạy vừa kêu inh ỏi. Một vài người đứng vòng trong la ó vì không tìm được đường thoát thân, họ đưa mắt nhìn về phía bà chúa và quan trạng như muốn để xin cầu cứu thì thấy cả hai vẫn điềm nhiên như không.
Hôm sau đến lượt ông trạng vào sới vật, chưa gì mà cả làng đã ngấp ngó bồn chồn làm như sắp có bụt hiện. Nhìn ông ung dung bước trên thảm cỏ mới uy nghi làm sao, ai đời vào sới mà nhàn nhã cứ như đi dạo, chả vất vả tẹo nào. Hồi trống giục nổi lên náo nức, ông tươi cười nắm lấy tay người trai làng cùng nhau đi một điệu múa lên đài theo lệ để chào tứ phía. Trống chuyển làn, cuộc đấu bắt đầu.
Tưởng là sẽ có một cuộc kịch chiến bậc nhất nhưng không phải, đây chỉ là một cuộc gặp gỡ hoàn toàn không cân sức, người ta nhanh chóng hiểu ngay rằng những gì mình thấy ngày hôm trước bất quá chỉ nên coi là trò trẻ ranh mà thôi. Giờ đây những gì họ đợi đã không đến, cái đến là một buổi đầy ắp những trận cười vỡ bụng, đầy ắp những câu kêu trời gọi đất bởi quá kinh ngạc trước những gì họ đang được thấy.
Sau mấy miếng dứ thông thường, nhanh như chớp ông trạng đã tóm gọn đối thủ nhấc bổng lên hoặc vác trên vai đi một vòng rồi mang ra quẳng tõm xuống ao đình. Mặt trời còn lâu mới lên tới đỉnh vậy mà trong ao đã thấy lóp ngóp không đếm nổi là bao nhiêu cái đầu đen.
Tiếng trống trận càng dồn dập. Đám đông tha hồ mà gào thét. Như một thói quen đậm đà tính di truyền, vui vẻ cũng hú hét bực bội cũng hú hét, ngày ấy người ở đây chưa biết đến khái niệm vỗ tay, chỉ quen chắp tay, hoặc khoanh tay mà thôi. Cứ hò hét thế suốt năm này qua năm khác, suốt thời này qua thời khác, vua mới phế vua cũ, quan mới truất quan cũ, mày vua tao vua, mày quan tao quan, đám đông đông mãi lên, đám đông ùn ùn mà đi, đi để được gì nhỉ, để được hò hét.
Càng về cuối buổi ông trạng say máu càng muốn phô diễn thêm những miếng cao siêu, mặt ông vẫn tươi tỉnh sức lực vẫn sung mãn, chỉ riêng có đôi mắt là sáng rực vằn lên những tia máu.
Hai cụ cao niên nói nhỏ vào tai nhau, quan ngài lúc ra đòn nom dữ, quả là có tướng cọp vồ. Tôi lại nghĩ khác, nhìn cách ra vào của ngài là đủ thấy, ra là hổ bay vào là rồng cuộn, như vậy cụ bảo là thế gì, oai nghiêm đệ nhất đấy, nó chính là thế rồng cuộn hổ ngồi, thế vững như bàn thạch của người và đất kinh kỳ. Tôi chắp tay xin chịu cụ.
Nguyên một buổi sớm ngài đã dọn sạch một sân đô, toàn là những ông đô lừng danh, họ đi vật để lấy mâm lấy đỉnh chứ đâu có phải vừa. Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa, ai nghe cũng lắc đầu thán phục, người đâu có người ghê gớm đến thế.
Ngày hội chót người làng vẫn đông đủ, nhưng khách thập phương thì tản mát các ngả. Một phần vì hội kéo dài quá, đã mấy làng dám đứng ra mở hội ba ngày. Một phần nữa bởi ai cũng cho rằng làm gì còn người dám đấu, ông trạng hết đối thủ, biết đấu với ai.
Ngẫm mới thấy cái sự hơn người tưởng hay mà hóa ra cũng lắm sự lôi thôi. Nó dễ dẫn người ta đến chỗ bẽ bàng. Cho nên càng thi thố càng nhiều buồn tủi, cái buồn nhất là cảnh hiu hắt lúc về già. Có câu anh hùng độc lập anh hùng khốn là thế.
Ngay từ sớm ra nghe chừng hội hè đã xào xạc, ngang trưa càng vắng, bà chúa thở dài ghé tai quan trạng, tôi xin phép ra ngoài thay cái áo dài rồi ta cùng vào sân với nhau. Ông trạng nghe thì ngẩn ra rồi hỏi lại, bà bảo sao, bà định rủ tôi ra vật thật ư?
Bà chúa nhìn ông mỉm một nụ cười khó hiểu. Người làng thì thào, chưa bao giờ họ thấy bà cười duyên dáng làm vậy. Lát sau bà quay lại, nom thật gọn gàng, khỏe và xinh tươi như đấy là một ai khác vừa từ đâu đến. Một mảnh yếm sồi trắng che ngực, một chiếc váy lửng để lộ hai cẳng chân dài chắc, ngang lưng phơ phất dải lụa hồng đào và một mái tóc cuốn thành búi bồng bềnh sau gáy.
Bầu vú đàn bà nhìn chung là một vẻ đẹp đến thần thánh cũng phải kính nể. Nếu cần dùng những từ to tát chẳng hạn như hai từ vĩ đại và cao quý thì hơn hết thảy mọi thứ được gọi là cao quý vĩ đại ở đời, bầu vú đàn bà vẫn cứ là số một.
Theo cách nhìn của các nhà thống kê thì vú đàn bà lắm kiểu khác nhau lắm, họ phân loại vú theo hình của nó, vú nấm sò, vú bánh giầy, vú măng, vú sừng bò... nói đến vú mướp phải nhớ ngay vú bà Triệu Ấu, mỗi lần cưỡi voi ra trận là một lần bà lại phải vắt vú buộc sau lưng cho đỡ vướng. Còn nếu ai muốn hỏi đến một bầu vú to thì cũng xin thưa sẽ không có một bầu vú nào to hơn bầu vú bà chúa làng chúng tôi. Đó là một đôi vú bình vôi, hai củ bình vôi thây lẩy sau mảnh yếm sồi hờ hững.
Trong lúc bà chúa khoan thai dắt tay ông trạng vật bước ra sân thì ngài lại lúng ta lúng túng như gà mắc tóc khiến mọi người nhìn vào lấy làm ái ngại thay. Ông nói vào tai bà chúa, tôi van bà, bà tha cho tôi có được không? Thay vì phải nói không được, bà nắm thật chặt cánh tay ông lôi đi xềnh xệch.
Trước trăm họ bà oai vệ hất hàm ra hiệu lệnh nổi trống. Chính nhờ có tiếng trống thúc mà ông trạng định thần lại, ông chợt hiểu ra ý tứ của bà và lập tức đứng ưỡn ngực mặt ngẩng cao hiên ngang khiến bà một lần nữa phải liếc nhìn sang ông thật trìu mến. Họ cùng xòe rộng tay bước vào một vũ điệu tuyệt vời say mê làm đám đông nhảy lên như phải bỏng. Người ta hò hét gọi nhau í a í ới chấn động khắp làng trên xóm dưới. Thiên hạ ùn ùn quay lại. Bóng người đen đen đỏ đỏ hiện ra khắp cánh đồng sau vụ gặt hái.
Nhịp trống dào dạt như gió chạy trên lúa. Phút chốc họ hóa thành đôi chim lạc gù nhau trong mùa động đực.
Con mái đi trước con đực bám sau. Con mái xòe cánh chổng mông chổng tĩ lên trời gọi bạn tình nhưng khi bạn tình vừa đến thì nó bất ngờ liệng nghiêng một vòng khéo léo để né tránh và bỏ chạy. Đôi chim làm náo loạn đám hội. Con mái chỉ chịu nằm phủ phục trên cỏ khi nghe tiếng trống chuyển làn sang một nhịp mà trong nghề gọi là nhịp sóng biển xuân, ấy là lúc con đực ấp mình phủ kín lưng con cái. Rất mạnh mẽ con đực ôm chặt bờ vai con cái bắt ngẩng dậy.
Gương mặt ngời sáng của một người đàn bà có nước da bánh mật. Cái cổ kiêu sa và vầng ngực trần rộng rãi dướn lên phập phồng như đất đai đang thở.
Đấy là vũ điệu xa xăm nhất của tộc lạc Việt có lúc tưởng đã bị mai một.
* * *
Tan hội xem ý biết trạng vật còn lưu luyến, vừa ngồi sàng gạo dưới nhà ngang bà chúa vừa hỏi ướm:
- Ngày rộng tháng dài đi đâu mà vội, tôi muốn giữ ông ở lại ít hôm thăm thú chỗ này chỗ nọ.
- Hiềm một nỗi tôi trót có cái hẹn với mấy lò bên xứ Đông.
- Đây qua đó chỉ ngồi một đêm đò dọc, đi lúc nào nên lúc ấy - bà ngoảnh sang ông với một nụ cười tinh quái - mà ông định cứ đi tóm cổ thiên hạ ném xuống ao xuống chuôm đến già ư?
- Là tôi đang dạy họ đấy chứ.
- Ông định dắt con người ta đến đâu, ở đời phải biết dạy nhau sống nhũn nhặn mới bền, chả ai khỏe mãi được, tôi cũng đang muốn xem ông khỏe đến mức nào.
Ngẩng lên cắn thử một hạt gạo bà nhìn ông có ý chờ đợi, hai tay buông thõng trên đùi. Ông trạng ngồi thụp xuống trước bà, tay trong tay, thôi thì tôi ở lại.
Bà chúa vui ra mặt, sai đầy tớ chạy ra đình mời cánh phu kiệu vào nhà để thưa chuyện. Sau tuần trà bà bảo họ, các bác cứ về trước, tôi giữ quan trạng ở lại ít ngày, xin biếu mỗi bác một thoi bạc đi đường.
Từ đêm đó họ ăn ở với nhau như vợ chồng. Người đàn bà vào tuổi năm mươi, người đàn ông ba mươi bảy. Một đô vật khỏe nhất nước và một cô gái già quá lứa lỡ thì. Đây cũng là một cuộc chiến nảy lửa, nhiều dồn nén và bùng nổ. Mươi hôm đầu hai bên tỏ ra cân tài cân sức, rú rít rên rỉ khiếp lắm, nhưng về sau quan trạng cứ yếu dần, bà càng phấn khích thèm khát thì ông lại càng bối rối lo lắng, thế và lực nghiêng hẳn về phía bà.
Vào khoảng cuối tháng ba khi hoa gạo nở tưng bừng ngoài đường làng, mây trời xanh ngắt, trạng nhìn ra bỗng thấy chói mắt vì nắng mới khó chịu. Sớm dậy quan ngài thấy đau ê ẩm quanh thắt lưng, nhói buốt như kim châm dọc cột sống, tiếng đang vang trong nay trầm đục như có đờm trong cổ họng. Bụng nghĩ, không khéo bà ta hút hết tủy mình rồi. Người hay quỷ thế không biết, bỏ mẹ thật! Loanh quanh nhìn sang bên lại đã thấy bà lặng lẽ đứng đó từ lúc nào. Chột dạ ngài liền hỏi, tưởng bà ra đồng, đi đứng thế nào mà nhanh thế. Tôi chạy ù ra đồng nhổ mấy cây rau, cũng vừa về. Mấy hôm nay trở giời, tôi cũng thấy mỏi nhừ khắp người, đầu óc thì bồn chồn váng vất. Bà cứ như đi guốc trong bụng người ta, quả là tôi sắp ốm. Thì ngần ấy năm tập tành khổ luyện như ông, có tuổi ốm một chút đã vần gì. Lát nữa tôi cho người chạy sang làng bên mua ít cao hổ cốt nhà cụ lang Quần mới nấu, cao của cụ là cao tin được. Quan trạng vội xua tay, thôi chả cần, đằng nào hôm nay tôi cũng phải ngồi đò qua xứ Đông, chắc là anh em bên ấy nhắc nhiều quá làm tôi sốt ruột. Cả đêm qua tôi đã có lời xin phép bà rồi mà.
- Ông đã quyết thì tôi chả giữ nổi, mấy tháng qua đầu gối tay ấp, tôi được ông yêu quý, thật không muốn rời xa.
- Chắc bà cũng hiểu cho lòng tôi, thời gian gần gụi nhau tuy ngắn ngủi nhưng cái tình là rất dài, tôi hẹn với bà sớm muộn gì tôi cũng trở lại.
- Ông hứa rồi đấy nhé.
Cơm sáng xong bà tiễn chân ông xuống bến, người giúp việc trong nhà ôm gói đồ theo sau. Đợi thuyền khuất vào mảnh rừng ngoài soi, bà mới quay về. Vừa về tới cổng đứa đầy tớ hớt hải chạy ra thưa, bà ơi chỗ bạc bà bảo con nhét vào túi đồ của ông con đã làm đúng, vậy mà ông lấy ra đặt dưới chân bàn từ lúc nào con không biết. Con thật ngốc quá bà ạ. Bà nghe thì bùi ngùi, lát sau buồn bã bảo, thế là ông ấy chả quay lại nữa đâu.
Hạ qua đông lại buồn nhớ quá bà chúa đâm đổ bệnh, biếng ăn hằng đêm mất ngủ, vóc dáng võ vàng, hai bờ vai mới hôm nào còn sáng như vai mấy đứa con gái nay rũ xuống mất sắc, duy chỉ còn đôi vú mang trước vùng ngực là vẫn mạnh mẽ vắt đi vắt lại. Và giọng nói vẫn trầm vang đon đả, của một người hiền.
Thằng ở được lệnh lên làng mời cụ lang Quần xuống xem mạch bốc thuốc và nhân đó bà cháu còn muốn bàn với cụ chuyện gì ấy. Ông cụ gạt đi, tao biết bệnh bà mày rồi, uống thì cứ uống chứ không thuốc nào chữa nổi bệnh ấy đâu. Nó là bệnh phong tình từ tâm mà ra xưa các cụ thường gửi vào chùa nếu con cái phải chứng này, nhưng bà mày sắp lên lão rồi, chùa người ta cũng chả dám chứa. Lạ thật ông ạ, sao bà cháu dạo này lắm lúc đứng lừ lừ trước cửa buồng, mặt dài ra, hai tròng mắt lồi, một mảng tóc suốt từ trước trán chạy ra sau gáy hóa trắng phớ bông gạo. Thế là đã lộ tướng rồi đấy, bà mày tuổi ngựa mà, trông thoáng có nhang nhác như con ngựa hàng mã không? Cháu cũng giật mình thỉnh thoảng thấy giống. Cái lọn tóc ấy chính là bờm con ngựa thần, bà mày là vị khách từ sao thiên mã xuống trần, nay mai lại bay về trời. Cũng đã là sắp sửa qua một kiếp, bà ấy bị đầy xuống đây để âu yếm miền đất này, làm lụng quần quật, suốt đời chịu thương chịu khó, đã được sung sướng lúc nào, nay đến tuổi nghỉ ngơi an nhàn thì đi, gọi đi là phải đi, có vậy thôi. Vậy ông sẽ xuống nhà cho bà con được thưa chuyện chứ ạ, bà con tin và quý trọng ông lắm, bà thường dặn chúng con là ở vùng ta chỉ có ông là ở bậc hiểu biết hơn người. Mày cũng là đứa được bà ấy cho một chút nghĩ ngợi khôn ngoan nên ăn nói khá. Này, không có mấy con vật mẫn tiệp bằng con ngựa đâu đấy. Thôi ta đi nhỉ.
Một già một trẻ trên đồng nắng, lúc qua mấy cái gò thấy có bóng râm mát của lùm cây tròi cổ thụ ông già đòi nghỉ chân. Rồi ông cụ thiếp vào giấc lúc nào không biết. Gió từng cơn nhẹ nhàng làm tóc ông lòa xòa phơ phất, đầu ông gối lên khúc rễ cây lồi cao. Còn gì bằng một giấc ngủ trưa giữa đồng, xung quanh thanh vắng, cây cỏ đám tươi, đám héo, chỗ xanh chỗ vàng, một ngày chớm đông nhưng thiếu gió bấc nên không lạnh.
Thằng nhỏ khẽ bóp bàn chân khô khốc già nua của ông, nó gọi ông ơi, hay là cháu cõng ông một đoạn. Ông già rung rinh cười mỉm sau chòm râu bạc, thây kệ tao, tao vẫn đang ngủ. Ông ngủ sao còn nói chuyện được? Thì vừa ngủ vừa nói, vừa nghĩ, tao còn biết cả việc bà mày sắp mang ra bàn. Thế thì ông cũng là người thần như bà cháu rồi. Ông cười đầy bí hiểm, nhưng tao là hầu thần, cầm tinh khỉ, ở rừng ra chứ không từ sao nào đến như bà mày. Những chuyện ông kể là thật cả đấy ông nhỉ? Biết tin thì là thật mà không biết tin thì là giả, thế mới gọi là thực thực hư hư.
Ai như bóng bà cháu đang hiện ra đằng kia. Bà mày nóng gan nóng ruột nên ra đón đấy. Ông cháu mình cứ đợi ở đây, bàn chuyện gì cũng là bàn ở đây. Chuyện của người mà cũng là chuyện trời đất. Chuyện thuộc về trời đất hãy bàn giữa trời đất, đừng mang vào những chỗ tối tăm ăn xó mó niêu. Mai sau khi chúng tôi đã đi, nơi này vẫn còn mãi, nó là của các anh rồi của con cháu chắt chút, phải sống làm sao cho đàng hoàng ra giống người, cố gắng giữ lấy minh bạch, làm gì cũng phải nghĩ đến sự bồi đắp cho trường tồn, nói những điều xa xôi mà khi làm lại nghĩ ngắn, thế là bất cập, thành dối giả ráo cả với nhau, đấy là cái cách của một lũ ăn xổi ở thì, không thể xem là những bậc trượng phu vương giả được. Dạ thưa vâng ạ.
Dưới bóng rợp cây tròi cao ngất, bà chúa ngồi chuyện trò với cụ lang Quần. Thằng bé ngồi lui đằng sau, tựa lưng vào gốc cây nó ngủ gà ngủ vịt. Cũng có thể nó vừa ngủ vừa dỏng tai nghe người lớn nói chuyện. Mà cũng có thể cả cây tròi cũng đang lẳng lặng nghe hóng. Không sao cả vì đây là câu chuyện không cần giữ kín, chẳng còn lâu nữa cả làng đều sẽ biết, làng xa xóm gần đều biết và nó sẽ trở thành một truyền thuyết gửi lại cho muôn đời sau.
Năm bà chúa ngược thuyền từ cửa biển lên đây bà đã trông thấy cây tròi này từ rất xa, nó như một lời vẫy gọi đối với bà và bà đã một mình xăm xăm băng qua cánh đồng lăn lác lầy lội để bước lên vùng gò đống này. Mấy năm đầu khai khẩn, bà đã chọn gốc cây này là chỗ dựng lều ăn ở. Ngày đó bà tròn mười lăm tuổi, là tuổi thằng nhỏ bây giờ. Nó là đứa bé bị bỏ rơi gói trong tã, bà nhặt mang về từ ngoài cống sông. Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống mảnh đất này là để đánh bật các gốc cây gai lồm bồm, đào bật rễ những gốc cỏ tranh lút đầu. Làm đến đâu xếp lại thành từng đống ngổn ngang đợi khô thì châm lửa đốt. Lửa lan suốt đêm, tiếng nổ lép bép, những cột khói bốc cao che kín một khoảng trời. Đàn chim đập cánh chao liệng hốt hoảng, dơi bay vật vã rơi vùi xuống bãi tro, những con rắn cạp nong cạp nia trườn bò sợ hãi. Trong buổi hoang mang ấy, bà chỉ có một cây tròi là bạn quý, những năm gần đây thêm một bạn quý nữa, đấy là thằng bé ngồi kia. Bà thương cây tròi và nó thế nào thì cây tròi và nó cũng thương bà như vậy.
Bà nói với cụ lang:
- Tôi cho cháu nó lên đón cụ xuống là cốt để được chào cụ tôi đi. Phận tôi xong rồi, ngày ấy của tôi sắp đến rồi.
- Con người ta nào có mấy ai sướng, nhưng đều thèm sống, bà cứ tĩnh tâm sống thêm lấy mươi năm, làm sao phải vội vàng thế.
- Chẳng phải tôi giận gì đời mà đòi đi sớm, là thấy đã đến ngày đi thì đi. Cụ là người mà tôi ngưỡng vọng, vậy xin làm ơn giúp cho tôi được chết một cách như tôi ao ước.
- Đi trong thanh thản chăng?
- Không, tôi muốn đi trong vui sướng. Làm sao để lúc ấy tôi cảm thấy vui sướng. Liệu cụ có thể giúp được kẻ khốn khổ này không?
- Tôi giúp được, bà cứ yên tâm.
- Trăm sự nhờ cậy cả ở cụ.
- Vậy bà cũng nên có lời sớm với các cụ trong làng cho họ biết để tôi còn lo liệu, hơn một tháng nữa đến ngày đông chí, chọn ngày ấy đi là thuận. Mọi việc cứ để tôi sắp xếp.
Bà chúa đứng dậy chào bái biệt. Bà khóc không thành tiếng, hai dòng nước mắt tuôn tràn mặt.
Thằng bé lưỡng lự vừa muốn đuổi theo bà lại vừa lo cho đường về của cụ lang. Nó bảo, hay là con cõng ông một đoạn. Cụ lang xua tay, cảm ơn cậu, tôi còn lê chân được. Cậu mau về với bà ấy, xem có việc gì đỡ đần được thì làm.
Nó cắm đầu chạy luôn, vừa về đến nhà đã có việc ngay. Bà chúa sai gia nhân bắt gà làm mâm cơm thật thịnh soạn, rồi quay lại dặn nó tới từng nhà mời mấy cụ cao tuổi đến uống rượu cho bà cháu thưa chuyện. Nó ba chân bốn cẳng đi liền. Có cụ nghe được mời đến uống rượu thì vui nhưng còn hỏi gặng, chuyện gì nhỉ, đã tết đâu mà bàn mở hội, mày có biết bà định bàn chuyện gì không? Là chuyện vui sướng cháu chỉ biết thế thôi. Tông môn mày, ăn nói cứ lấp la lấp lửng, đến bố tao cũng không đoán nổi. Bà thuốc thang ra sao mà thần tình, ốm nửa năm nay không buồn ra cổng, giờ làm cỗ mời chúng tao đến để bàn vui sướng, đúng là hay thật. Tao chỉ mới nghe cũng đã thấy đủ vui rồi.
Vẫn như mọi lần bà chúa ân cần tiến đến bên bàn rót rượu vào từng chén tống mời khách. Đợi họ dùng cơm xong ra ngoài hiên ngồi chiếu uống trà, bà mới lựa lời thưa. Bệnh tôi chỉ tôi biết, nay còn mai mất, đang lo khó vượt qua đông chí chứ chả mong còn được ăn tết với các cụ. Tôi ăn ở ra sao làng nước thấy cả, nay sắp đi để lòng được yên tôi cho mời các cụ tới nhà dặn mấy việc, tôi mất rồi các cụ cứ thế mà làm.
Ruộng bãi vườn tược, tôi để lại tất cả, chia ra làm ba phần, một phần tôi giữ cho mấy cháu lâu nay sống cùng tôi, một phần làm ruộng chung của làng, hàng năm nhiều việc cần chi tiêu lắm. Còn một phần nữa các cụ đứng ra chia đều cho mọi nhà, chia thịt giữa làng thế nào thì cũng chia ruộng như vậy, cốt nhất là phải công bằng. Phòng một mai, có ai cơ nhỡ dạt tới đây các cụ nhớ đưa tay đón đỡ, cắt cho ít ruộng công để họ làm kế sinh nhai. Ấy một khi xem đất quá quan trọng thì người sẽ bị rẻ rúng. Buôn gì thì buôn chứ quay ra buôn đất là lúc nhà đã kém phúc, đến một ngày vàng nổi lên đâu cũng thấy là lúc nên sợ sắp không còn chỗ mà sống. Cho nên phải biết quý lấy người.
- Anh em chúng tôi xin thay mặt làng cảm ơn ân đức bà để lại. Câu chuyện bà nói cứ như không mà chúng tôi nghe thì bàng hoàng. Bà cũng nên cho chúng tôi biết hướng lo tang lễ thế nào phòng khi bà nằm xuống chúng tôi đỡ lúng túng.
- Việc đó tôi đã có lời nhờ cậy cụ lang Quần, ông cụ bảo sao các cụ làm vậy, nhất nhất đừng mỗi người một ý. Đến bản thân tôi cũng còn chả dám hỏi ông cụ định thế nào nữa là.
Tiễn các cụ ra về, đến ngoài ngõ, bà còn muốn đi thêm một đoạn khiến các cụ phải giục, thôi bà về nghỉ ngơi, mặc chúng tôi, mắt mũi già nua nhưng chưa đến nỗi nào.
Bà chắp tay vái nhẹ một vái, các cụ lại nhà, rồi đứng nhìn theo mấy bóng người lờ mờ lẫn vào những cây gạo đen đúa.
Đêm làng eo óc sương bay lảng vảng rặng khúc tần, bà chúa khẽ run vai nghe trời đang chuyển heo may. Đã bao nhiêu heo may, ta lặn ngụp chốn này, một thân một bóng tìm đến đất này như con chim ngói tháng mười bay về với mùa màng và ở đây ta đã gieo trồng gặt hái, rồi đến một ngày bỗng giật mình nhận ra mình là kẻ chưa sống, thèm sống.
* * *
Ông lang Quần mất một đêm thao thức. Đời ông chưa bao giờ gặp một thách thức ghê gớm đến thế này. Những tưởng suốt đời chỉ phải lo cái việc cầm dao cầu cứu người, gặp những bệnh hiểm nghèo không dùng thuốc này thì bốc thuốc khác, loay hoay rồi cũng sống cả, ai ngờ lần này lại phải lo làm sao để cho bà ấy chết được mà còn phải được chết trong sự vui sướng. Đây không phải là công việc của một ông thầy thuốc, nhưng lại cũng không dễ chối từ, bởi vì ông hiểu bà ấy, ông thương bà ấy, ai chứ người ấy mà đã định là nghĩ kỹ lắm và khó khuyên can. Suy cho đến cùng nếu sống mà lột quần lột áo dở điên dở dại chạy lông nhông ngoài đường ngoài bãi thì cũng đến tội. Chao ôi, không có bệnh gì nhục bằng cái bệnh động tình, nó hành hạ con người ta âm ỉ mà dai dẳng, nó chất chứa trong tâm người ta những đắng cay thất vọng, những khát khao tội lỗi không cách nào giải thoát. Thuốc thang cúng bái khuyên nhủ dỗ dành đều không xong, ông đã từng biết có nhà chị thất tình nhảy xuống sông mà chết, lại có chị nhảy xuống sông không chết về sau bỏ làng đi đâu không rõ, chắc là rồi cũng chết bờ chết bụi thôi. Vậy là ông sẽ phải tính giúp bà ấy một cách đi cho thật khác thường mà lại dễ dàng để bà ấy vui trong lúc còn đang tỉnh táo mong mỏi trút được nợ đời, cái gánh ấy mà cất lên vai thì nhọc nhằn khôn tả.
Ông Quần nghĩ suốt đêm, tảng sáng thì tìm ra mẹo, cái mẹo này làm thì không những bà ấy được chết trong vui sướng như ao ước mà bà ấy sẽ thành thánh để làng nước lập đền lập miếu mà thờ. Rằm mùng một con cháu phải thắp hương hoa trái, hàng năm làng phải mở hội tưởng nhớ và hơn thế nữa bà ấy phải được tôn làm thành hoàng mới xứng. Ông lấy làm đắc ý bởi mình đã tìm ra được cái mẹo ấy và ông như trút được một gánh nặng trong lòng, ông tự hỏi sao ông giời lại bắt mình phải gặp một việc oái oăm thế này, không rõ kiếp trước mình có nợ nần gì bà ấy mà bà ấy lại tìm mình để trao một việc kỳ quái làm vậy.
Sáng ra ông lang cho người lên chợ phủ đón anh thợ hàng mã về nhà để bàn công việc. Tôi đặt anh làm cho tôi một con ngựa bạch lớn bằng ngựa thật, vững chãi để cả chục người nhảy lên vẫn không sập. Nó là một con ngựa cái, chỗ âm hộ của nó anh để ngỏ, trong bụng ngựa, anh làm một cái ghế cũng thật cứng cáp cho một người đàn bà chui vào nằm ngửa được, làm sao âm hộ chị ta sẽ bịt đúng chỗ ấy. Anh có hiểu không? Con nghe thì thấy phải bàn kỹ với ông việc này. Muốn hỏi ông định cho con ngựa đực thật nhảy con ngựa cái giả có phải không ạ. Đúng rồi. Cái người đàn bà nằm trong đó to nhỏ như thế nào ạ. Bà ta nặng cả tạ, cao lớn phốp pháp và gan dạ. Thưa ông con ngựa đực thật sẽ không chịu nhảy lên con ngựa cái giả, đấy là một điều chắc chắn con có thể cam đoan. Trước khi nhảy ngựa đực bao giờ cũng có động thái ngửi đít ngựa cái, đây là một điều bí mật, chỉ con mới lừa nổi nó vì nhà con mấy năm nay đang nuôi một con ngựa dái rất mạnh, con biết đường đi nước bước của nó. Anh khá, nghe nói đã biết là anh khá. Vậy hãy giúp làng làm thế nào để con ngựa đực của anh nó chịu nhảy thì làm. Nhưng thưa cụ, làm thế bà ta có thể chết. Thì người ta đang mong được chết cơ mà. Vậy thì dễ rồi, con phải tìm mồ hôi và nước giải của một con ngựa cái đang ở kỳ động đực bôi quanh vùng đít con ngựa giả, ông có hiểu không? Tôi hiểu, tôi rất mừng đã gặp được anh. Tôi giao cho anh lo mọi việc lớn nhỏ, đến trưa ngày đông chí anh đem cả ngựa thật ngựa giả đến đây cho tôi. Anh có cần tôi ứng trước cho một ít bạc không? Dạ thưa không cần, để mọi việc xong xuôi con sẽ ngồi tính toán với ông một thể.
Đến trước đông chí một ngày, anh ta quay lại kể là đã xong con ngựa như ông đặt và cũng đã bắt cô vợ to béo của mình chui vào nằm thử trong bụng ngựa. Lúc đầu cô ta không chịu, sau biết đây là việc cụ lang sai làm thì cô ấy đành chui vào. Cô ấy bảo con mình năm ngoái bị thương hàn không có ông cụ kịp cho uống thuốc thì chết rồi, giờ là việc của cụ bảo không thích cũng phải làm. Xin nói để ông yên tâm, cháu cũng đã cho con ngựa dái nhảy thử, mọi việc rất trôi chảy ông ạ. Chỉ có điều trong bụng ngựa giả chưa có người nên ngựa nhà cháu vừa nhảy lên đã xuống ngay. Anh giỏi đấy, bây giờ tôi nói cho anh biết ngày mai người nằm trong đó sẽ là ai, đấy là bà chúa cánh đồng, giờ ta sẽ sang thăm bà, ông con mình hãy làm một cái lễ tạ bà lúc bà còn sống. Anh thừa hiểu cũng không sung sướng gì cái việc này đâu anh nhá.
Họ đến nhà bà chúa vào buổi chiều, bà đon đả đón khách, mặc sẵn áo dài tứ thân, thắt bao màu hoa đào nom xinh như cô Tấm sắp lên chùa. Nghe tin mọi việc đã xếp đặt đâu vào đấy, bà mừng lắm, có lời cảm ơn, rồi bà ngồi thờ ơ như người đãng trí không nói gì nữa, cụ lang Quần và anh hàng mã phủ phục xuống nền nhà vái bà ba vái thật kính cẩn, bà cũng để yên. Thế là bà đã nhập thiền mất rồi.
Lúc họ sắp ra về bà sực tỉnh sai chú đầy tớ ôm cái hũ sành trong buồng ra, bà kéo trong hũ ra một gói bạc nén ngoài bọc lụa vàng. Bà bảo, gói này tôi cho người ta nhưng người ta để lại, nay tôi giao cho vợ chồng anh mang về làm vốn buôn bán nuôi con. Anh hàng mã lại quỳ xuống hai tay đưa lên nhận bạc.
Sáng hôm sau từ tinh mơ anh ta đã dắt hai con ngựa một thật một giả, ngựa giả đặt lên giá chở có bánh xe, ngựa thật kéo xe chạy bước một trên đường xuống làng.
Buổi lễ đưa bà chúa về Tây Trúc tiến hành ở cái gò cây tròi giữa đồng. Non trưa thì bắt đầu. Kèn sáo réo rắt, đoàn các bà các cô áo dài váy đen khăn vuông mỏ quạ đi vòng tròn quanh con ngựa giả, tay cầm những nén hương thơm nghi ngút khói, miệng đồng thanh hát một bài kệ siêu linh tịnh ngộ đưa người qua bến mê sông lú. Sau đó là một bài văn tế sống bà chúa do cụ lang Quần chuẩn bị sẵn để cụ già cao tuổi nhất làng đứng ra đọc thống thiết.
Một hồi trống nổi lên. Một hồi thanh la não bạt nổi lên. Kèn đám ma dìu dặt.
Anh hàng mã mặc bộ quần áo đen nai nịt gọn như lính giám mã dắt con ngựa dái đi vòng quanh con ngựa giả. Vừa đi anh ta vừa cầm cái lọ vẩy thứ nước gì không ai đoán nổi. Con ngựa nghểnh đầu ngó nghiêng như muốn tìm kiếm bạn tình ở đâu đó. Nó húc mũi vào đít con ngựa giả ngửi ngửi rồi lùi ra mấy bước nó nhảy chồm lên, hai chân trước quỳ trên lưng ngựa giả hai chân sau đạp duỗi thẳng.
Từ trong bụng con ngựa giả có tiếng người đàn bà kêu lên thất thanh ối giời ơi... Cũng không biết đó là tiếng kêu hạnh phúc hay đau đớn. Con ngựa dái vào cuộc quá hăng hái khiến con ngựa giả lung lay mấy nhịp rồi sập đổ bộ gọng tre gãy nát. Người ta vội vàng lôi bà chúa ra, mặt bà hồng tươi thiếu nữ, áo quần rách bươm để lộ mảng vai mảng ngực với nước da bánh mật khỏe khoắn. Cụ lang lật đật đến gần ghé sát tai mình vào đôi môi đang mấp máy của bà, cụ chỉ nghe phảng phất một tiếng sướng như hơi gió thoảng qua. Và bà chúa tắt thở.
Đám đông bắt đầu khóc lóc gọi bà. Người ta vừa khóc vừa kể lể công ơn để lại và những buồn vui một kiếp người. Đống lửa bùng cháy, mùi củi rừng thơm tỏa khắp cánh đồng. Xác bà hóa tàn tro bay lên theo gió.
* * *
Vĩ thanh
Bà chúa từ đó được dân làng gọi là bà chúa ngựa. Thờ bà là một cái miếu gạch nho nhỏ đặt dưới gốc cây tròi. Một hôm nọ có người đàn ông từ xa hiện về lọ mọ ngồi bên miếu bà cả chiều, khuôn mặt vô hồn như nặn bằng sáp, mắt nháy lên tục, bàn tay run bắn. Lũ trẻ nhận ra đấy là ông trạng ngày nào. Chúng reo lên vui mừng hỏi, tết này ông có về làng cháu vật nữa không, ông ta nghe thờ ơ, lạnh nhạt hỏi lại, vật à, có ai trông thấy vật nào đâu?
Trăm năm sau có trận lụt sóng nước đẩy một hòn đá cực lớn từ đâu lên đỉnh gò, đó là hòn đá nổi. Đá nổi mang dáng mông ngựa. Người ta lấy nó làm bia tưởng nhớ bà chúa. Nhiều trăm năm sau, có một viên quan hai đồn binh Pháp họ Đờ một hôm sau khi nghe viên thông ngôn kể sự tích bà chúa đã chụp một bức ảnh hòn đá nổi đứng chơ vơ giữa trời. Lúc đó cây tròi chết đã từ bao giờ cũng không ai còn nhớ.
Viên sĩ quan học rộng tài hoa ấy một lần ra sông bơi bị hai ông già trong làng quăng câu bắt sống đưa ra Việt Bắc. Sau chiến tranh có cuộc trao trả tù binh, anh ta trở về đoàn tụ gia đình. Tại Paris anh ngồi viết sách kể chuyện Đông Dương.
Trong cuốn phiêu lưu ký dày cộp ấy có một bài kể về miền đất này với cái tên rất khơi gợi, miền cổ tích, kèm theo là bức ảnh ngày nào chính anh đã chụp. Không hiểu bằng cách nào bức ảnh đó đã tìm được đường về với chủ của nó. Dưới bức ảnh là một dòng chú thích ngắn: Đá nổi tưởng niệm một người đàn bà Việt quật cường.
Hà Nội, mùa đông 2011
Truyện ngắn của Đỗ Chu