Điêu Thuyền, một nhân vật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa vốn nổi tiếng với nhan sắc “khiến mặt trăng phải xấu hổ mà giấu mình đi” cùng tài năng ca múa thuộc hàng thượng đẳng.
Dù không tìm thấy bất cứ ghi chép nào về xuất thân của mỹ nữ lừng danh này, song nhiều truyền thuyết dân gian lại cho rằng Điêu Thuyền vốn họ Nhậm, tên là Hồng Xương. Theo một số tài liệu sử, nàng là con nuôi trong nhà của Tư đồ Vương Doãn, và cũng chịu số phận éo le giống Tây Thi.
Nhan sắc của Điêu Thuyền được ví là “Bế nguyệt”, khiến mặt trăng phải xấu hổ mà giấu mình đi. (Ảnh minh họa).
Trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa xưa, người Tây Thi yêu nhất trong cuộc đời là Phạm Lãi. Mỹ nhân Vương Chiêu Quân có lẽ thật lòng với Hô Hàn Tà. Quý phi Dương Ngọc Hoàn nổi tiếng với mối tình khắc cốt ghi tâm cùng Đường Huyền Tông.
Vậy còn đối với Điêu Thuyền, người đàn ông nàng yêu thật lòng rốt cục là ai?
Điêu Thuyền có thật lòng thương yêu Lữ Bố?
Tạo hình Điêu Thuyền và Lữ Bố trên mản ảnh.
Tạo hình Điêu Thuyền và Lữ Bố trên mản ảnh.Nói tới Điêu Thuyền, độc giả của Tam quốc diễn nghĩa đều biết, nàng là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn và được ông hết mực yêu chiều. Trong thời gian này, Đổng Trác với sự giúp đỡ của Lữ Bố đã thâu tóm hết binh quyền, ám hại công thần và ăn chơi trác táng. Đứng trước tình thế ấy, Vương Doãn cùng Điêu Thuyền liền bày kế ly gián thâm sâu nhằm lật đổ Đổng Trác. Ông hứa gả nàng cho Lã Bố nhưng sau đó lại hiến luôn cho Đổng Trác.
Điêu Thuyền bèn lợi dụng cơ hội nói với Lữ Bố rằng mình bị Đổng Trác cưỡng bức, rồi mặt khác lại khóc lóc nỉ non với Đổng Trác vì Lữ Bố dám sàm sỡ nàng. Việc này khiến hai bố con nghi ngờ lẫn nhau, dẫn tới việc Lữ Bố giết chết người con trai nuôi của mình.
Thật không ngờ, một cô gái bình thường như Điêu Thuyền lại có thể dùng trí thông minh tuyệt vời để Lữ Bố phải nổi cơn ghen tuông, dùng kích đuổi theo mà sát hại Đổng Trác, làm náo loạn Phụng Nghi Đình. Thời đại Tam quốc phân tranh cũng bắt đầu từ đó.
Thế nhưng, trong chương hồi nói về liên hoàn kế, Tam quốc diễn nghĩa không hề nhắc tới việc Điêu Thuyền thật tâm yêu người nào. Có lẽ trong tác phẩm này, vai trò của vị mỹ nhân kia chỉ là một gián điệp, dùng nhan sắc trời ban của mình để ly gián Đổng Trác - Lữ Bố.
Không ít người cho rằng, sau khi Lữ Bố hạ sát cha nuôi, Điêu Thuyền vẫn một mực bên cạnh Lữ Bố. Thậm chí đến khi Hạ Bì rơi vào tay giặc, Lữ Bố đầu hàng Tào Tháo, vị mỹ nữ này vẫn không rời đi.
Từ đó, nhiều ý kiến khẳng định Điêu Thuyền thật tâm thích Lữ Bố. Nếu không, nàng hoàn toàn có thể lựa chọn rời bỏ người đàn ông này.
Giả thuyết của Lỗ Tấn về người đàn ông thực sự trong lòng Điêu Thuyền
Nhà văn Lỗ Tấn.
Trong khi đó, đại văn hào Lỗ Tấn lại nghĩ theo một hướng khác. Sau khi đọc xong Tam Quốc diễn nghĩa, Lỗ Tấn đã để lại một lời bình luận chỉ ra người đàn ông Điêu Thuyền yêu thật lòng nhất:
“Điêu Thuyền giả vờ đối tốt với Ôn hầu (chỉ Lữ Bố), kỳ thực trong lòng nàng chỉ có duy nhất một người là Vương Doãn”.
Nhà văn Lỗ Tấn là người đầu tiên đặt ra giả thuyết về việc Điêu Thuyền nảy sinh tình cảm nam nữ với Vương Doãn.
Lời bình của nhà văn họ Lỗ đã từng bị nhiều người đánh giá là hồ đồ. Bởi nếu Điêu Thuyền thật lòng yêu vị tư đồ già cả ấy, vì sao sau khi Lữ Bố giết Đổng Trác, nàng không trở về bên Vương Doãn?
Những người ủng hộ giả thuyết của Lỗ Tấn đã đưa ra hai lý do giải thích cho nghi vấn trên như sau:
Thứ nhất, Lữ Bố bấy giờ quyền cao thế lớn, nhưng lại hữu dũng vô mưu. Vương Doãn muốn dùng Điêu Thuyền để khống chế Lữ Bố nhằm thực hiện mục đích phục hưng Hán thất.
Hơn nữa, Lữ Bố lại vô cùng yêu mến Điêu Thuyền. Nếu Điêu Thuyền về bên Vương Doãn, vị tư đồ này rất có thể sẽ bị giết.
Thứ hai, Vương Doãn mất sớm, Điêu Thuyền không còn nơi để trở về, chỉ có Lữ Bố thật lòng yêu thương nàng. Vì vậy nàng đành lựa chọn đi theo Lữ Bố.
Vậy xét cho cùng, Điêu Thuyền có khả năng yêu Vương Doãn hay không? Theo đánh giá thẳng thắn của những nhà phê bình, khả năng này là rất cao.
Bởi Điêu Thuyền từ sớm đã được Vương Doãn nhận nuôi, cầm kỳ thi họa đều do vị tư đồ này truyền dạy.
Vương Doãn là người chính trực, một lòng trung thành với Hán thất, lại yêu nước thương dân. Chỉ riêng việc dám lập kế ám sát Đổng Trác đã cho thấy trí dũng của vị quan này. Người như Vương Doãn rất đáng để cho vị mỹ nhân này sùng bái và đem lòng yêu thương.
Nhiều giả thuyết về số phận của Điêu Thuyền
Số phận của một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa có nhiều dị bản khác nhau. Một số giả thuyết cho rằng, Quan Vũ đã đem Điêu Thuyền giấu đi, bị Tào Tháo phát hiện và đuổi theo bắt giữ nên dùng kiếm tự sát. Tuy nhiên, nhiều người lại đồn Điêu Thuyền được trở về cố hương theo sự sắp xếp của Quan Vũ. Hoặc nàng quyết định xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật nơi quê nhà cho tới khi qua đời.
Số phận của Điêu Thuyền vẫn là dấu chấm hỏi cho tới tận bây giờ.
Một điển tích khác còn viết sau khi đánh bại Lã Bố và cướp được người đẹp, Tào Tháo tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ song lại ngầm gả nàng cho Lưu Bị nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Lưu và Quan. Biết được mưu đồ ấy, Quan Vũ liền ra tay giết chết mỹ nhân này.
Cũng có tài liệu ghi chép rằng: “Từ lúc Lữ Bố chết, Điêu Thuyền được Tào Tháo mang về Hứa Xương làm tì nữ trong phủ Thừa tướng. Vào thời điểm Tào Tháo dâng 10 mỹ nữ cho Quan Vũ, trong đó có Điêu Thuyền thì Quan Vũ bèn nhắm mắt làm ngơ. Nàng quyết định về phòng tự sát vì thừa hiểu rõ ý định từ bậc vương quyền”.