Ngày 18.3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã đưa ra mức xử phạt cho hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn cô gái trong thang máy của Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, quê quán Hải Phòng) số tiền 200.000 đồng. Điều này đã khiến cho dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi về mức xử phạt này có phù hợp với hành vi của Hùng gây ra cho cô gái?
Hình ảnh Hùng thực hiện hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy. Ảnh: Dân Việt
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Cơ quan Công an đưa ra mức xử phạt này chiếu theo quy định tại Nghị định 167 vi phạm hành chính đối với một số hành vi diễn ra nơi công cộng trong thang máy hoặc ngoài tòa nhà.
Cụ thể trong trường hợp này là vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” mức phạt sẽ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu như không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì sẽ phạt ở mức chung là 200.000 đồng”.
Việc xử phạt nêu trên đang gây tranh cãi rất nhiều trong dư luận, theo luật sư có nguyên nhân ở chỗ: Việt Nam chưa phân biệt được hành vi như thế nào là quấy rối tình dục.
“Thực ra bản chất của những hành vi sờ đùi, sờ ngực, sờ mông hay cưỡng hôn phải đưa vào hành vi quấy rối tình dục và có mức xử lý nghiêm khắc hơn. Bởi vì những hành vi quấy rối tình dục ngoài việc xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm thì nó còn xâm phạm rất lớn đến tâm lý những người bị xâm phạm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa làm rõ được như thế nào là hành vi quấy rối tình dục, đến nay chúng ta mới chỉ xây dựng được bộ quy tắc ứng xử quấy rối tình dục nơi công sở , cơ quan còn tất cả các hành vi còn lại ngoài xã hội lại đang bị điều chỉnh bởi Nghị định 167” – Luật sư Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo luật sư, việc xin lỗi công khai trong các buổi họp công khai phụ thuộc vào sự tự nguyện của đối tượng, trong xử lý vi phạm hạnh chính đối với hành vi dùng lời lẽ cử chỉ trêu ghẹo, xúc phạm không có hình phạt bổ sung và buộc phải xin lỗi công khai.
Vị luật sư này cũng cho biết thêm, nếu như sau khi về, đối tượng tiếp tục có những lời lẽ đe dọa, xúc phạm tiếp thì những lời lẽ này là một hành vi vi phạm hành chính khác. Nếu như người tố cáo có đầy đủ chứng cứ về những đe dọa, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý vi phạm hành chính. Việc xử lý hành chính lần thứ 2 bị coi là hành vi tái phạm, là tình tiết tăng nặng trong vi phạm hành chính. Nếu có tình tiết tăng nặng, mức xử phạt tối đa là 300.000 đồng.
“Vấn đề cốt lõi ở đây là hành vi này chưa được coi là quấy rối tình dục. Nếu như Việt Nam xây dựng được một bộ quy phạm pháp luật liên quan riêng biệt cho hành vi quấy rối tình dục, tất cả hành vi động chạm đến cơ thể con người ở một số bộ phận nhất định được thể chế hóa mức phạt nhất định sẽ nặng hơn.
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam nên xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính chuyên biệt cho lĩnh vực quấy rối tình dục” – Luật sư Tuấn Anh bày tỏ.
Ngày 4.3, một nữ sinh 20 tuổi vào thang máy để lên căn hộ ở phường Nhân Chính thì bị đối tượng Đỗ Mạnh Hùng buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại nhưng nữ sinh này từ chối. Ngay sau đó, cô gái bị gã này dồn vào góc thang máy, ôm và hôn. Sau khi sự việc xảy ra, nữ sinh này đã tới trình báo tại cơ quan công an. Tại buổi làm việc chung anh ta đã đồng ý xin lỗi công khai trước sự chứng kiến của cư dân, ban quản lý tòa nhà, tổ dân phố, Công an quận, phường... Tuy nhiên, các buổi gặp sau đó anh ta liên tục vắng mặt. |