Dân Việt

Kiểm soát than lậu: Đăng ký, xác định rõ vị trí cảng xuất than

Hải Long 20/03/2019 11:23 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống cảng, bến được cấp phép hoạt động xuất than hoặc chủ trương xuất than; xây dựng lộ trình phát triển cụ thể cho từng cảng, bến, vùng than.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 24 cảng bến được cấp phép hoạt động xuất than hoặc chủ trương xuất than nằm tại 5 vùng than của tỉnh, gồm: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả. Trên tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1268/QĐ-UBND tỉnh ngày 12.5.2015 về việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than giai đoạn đến năm 2020.

img

Nhiều cảng bến than trái phép bị phát hiện tại cảm Km6, TP.Cẩm Phả vào năm 2018.

Theo đó, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, đã cơ bản ngăn chặn hoạt động than trái phép, tăng cường đảm bảo ATGT, ANTT và môi trường sống khu dân cư. Quyết định cũng là cơ sở quan trọng để các đơn vị ngành Than hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, triển khai các công trình hạ tầng đồng bộ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, tiêu thụ than.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong quá trình hình thành cảng bến đã xuất hiện các cảng bến xen kẹp, nhỏ lẻ xác định là bến cảng hàng hóa (trừ than); công tác vận chuyển dù được đầu tư đường chuyên dụng, đường băng tải… song chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện xuất hiện nhu cầu mới về nhập khẩu than, nhu cầu phối trộn giữa các chủng loại than khác… Một số vị trí quy hoạch của ngành Than phải điều chỉnh do mỏ hết trữ lượng, khai thác mỏ mới dẫn đến mốt số cảng, bến, tuyến đường đầu tư đến nay không còn phù hợp. Do đó, để đáp ứng yêu cầu mục tiêu phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn hiện tại, rất cần được rà soát, điều chỉnh, cập nhật, sắp xếp lại các cảng, bến, đường vận chuyển than trên địa bàn tỉnh.

img

Công tác quản lý cảng, bến than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều bất cập.

Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề xuất cụ thể đối với từng khu vực cảng trên quan điểm giảm bớt các cảng, bến cho thuê tiêu thụ than. Đối với các cảng, bến không còn phù hợp, cần có lộ trình kết thúc hợp đồng, giải phóng than tồn và kết thúc hoạt động. Các đơn vị ngành Than cũng cần đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng, bến phù hợp với thực tế để hoạt động lâu dài. Đối với đường vận chuyển sẽ tăng cường vận tải đường thủy, cho phép các cảng, bến đủ điều kiện được nhập khẩu than. Việc phối trộn than, phải thực hiện trong các khu vực kín và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; giao trách nhiệm quản lý hoạt động về than trên địa bàn cho chính quyền các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 1268/QĐ-UBND tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch phát triển dài hạn của tỉnh. Qua đó, tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống cảng, bến được cấp phép hoạt động xuất than hoặc chủ trương xuất than; xây dựng lộ trình phát triển cụ thể cho từng cảng, bến, vùng than.

Đối với nhu cầu mới về nhập khẩu than, nhu cầu phối trộn giữa các chủng loại than khác, đồng chí yêu cầu chỉ có 2 đơn vị là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc được thực hiện nhập than trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về cảng, bến nhập phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có giải pháp thu gom nước thải, bụi phát tán, bảo vệ môi trường.

Trong lộ trình thời gian tới, cần yêu cầu các đơn vị ngành Than đăng ký cảng xuất than, xác định rõ các vị trí, không để dàn trải như hiện nay. Sở TN&MT tham mưu cho tỉnh về hợp đồng thuê đất, gia hạn hợp đồng thuê đất của các cảng, bến có hoạt động xuất, nhập than.

“Cần phải sớm thực hiện việc rà soát quy hoạch các bến, cảng thủy nội địa có liên quan đến vận chuyển than trên địa bàn tỉnh, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trong khu vực. Trong đó, đặc biệt phải siết chặt các doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh than” - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh nói.