Dân Việt

FAO: Dịch tả lợn châu Phi KHÔNG đe dọa trực tiếp sức khỏe con người

Anh Thơ 20/03/2019 10:17 GMT+7
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã tổ chức một đoàn đánh giá khẩn cấp nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 11 - 15/3/2019, FAO phối hợp với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thực hiện đánh giá khẩn cấp tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng đáp ứng và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi (ASF). Đoàn đánh giá bao gồm các chuyên gia về ASF, quản lý khẩn cấp, tiêu hủy, tiêu độc và khử trùng, chuyên gia về ngành chăn nuôi lợn và cán bộ kĩ thuật thuộc Cục Thú y Việt Nam (DAH) và FAO Việt Nam.

Mục tiêu của đoàn nhằm tư vấn cho Bộ NN&PTNT về các biện pháp tốt nhất để xử lý và tiêu hủy lợn; tư vấn để sử dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút ASF trong bối cảnh địa phương; đề xuất các hành động ngay lập tức, ngắn hạn và trung hạn.

img

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Ninh. Ảnh: I.T

“Cục Chăn nuôi ước tính hiện có hơn 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Do vậy, khi đàn lợn buộc phải tiêu hủy vì ASF và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ dẫn tới gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn. Cùng với các đối tác quốc tế khác, FAO sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đối phó với dịch bệnh này và giảm thiểu hậu quả” - ông Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết

Sau khi kiểm tra các hộ chăn nuôi lợn có ổ dịch ASF và không có ổ dịch, các khu chôn xác lợn và một lò mổ lợn ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình, thu thập thông tin về dịch tễ bệnh và quan sát việc giết lợn, tiêu hủy, tiêu độc và khử trùng, đoàn công tác của FAO nhận định, sử dụng thức ăn thừa từ nhà bêp là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan.

Theo đánh giá của FAO, mặc dù chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyện, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn tại các xã có ổ dịch, huy động nguồn lực địa phương để tiêu hủy và xử lý ổ dịch, tuy nhiên các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, thực hiện an toàn sinh học thấp và sử dụng nguồn thức ăn thừa từ nhà bếp là các yếu tố tạo điều kiện cho dịch lan rộng. 

img

Theo FAO, muốn chống dịch tả lợn châu Phi, cần khoanh vùng dập dịch, thực hiện tốt an toàn sinh học. Ảnh: I.T

“Việc các phương tiện truyền thông đưa tin chính xác về thực trạng ASF tới công chúng là rất quan trọng. ASF là bệnh rất dễ lây truyền trong đàn lợn và KHÔNG đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học là yếu tố quan trọng để bảo vệ lợn an toàn khỏi ASF. Lợn bị nhiễm bệnh và phơi nhiễm phải bị tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan” - ông Ian Dacre, Trưởng đoàn kiểm tra của FAO đánh giá.

Để tăng cường năng lực đáp ứng ASF và ngăn chặn sự lan rộng hơn nữa, đoàn đánh giá đã đề xuất các hành động ngay lập tức, ngắn hạn và trung hạn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Một số hành động được khuyến nghị, bao gồm áp dụng phương pháp phân vùng để ngăn chặn sự lây lan ASF theo diện rộng/ khoảng cách xa và phát triển các quy trình thực hành chuẩn về giết lợn và tiêu hủy thân thịt.

Theo FAO, Dịch tả lợn châu Phi KHÔNG lây sang người và gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, vi rút ASF gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Bệnh này trước kia chỉ giới hạn ở khu vực châu Phi với một vài ổ dịch từng xảy ra ở châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 1997, châu Âu đã có một ổ dịch mới và dịch tiếp tục lây lan chậm nhưng liên tục từ Đông Âu sang châu Á trong 12 năm qua.

Vào ngày 19/2/2019, Việt Nam đã công bố đợt bùng phát ASF đầu tiên tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Tính đến ngày 20/3/2019, Cục Thú y xác nhận có 20 tỉnh có dịch, hơn 30.000 con lợn đã bị tiêu hủy.