Ngày 19.3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Thuận Thành tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Bá Mạnh (SN 1987, trú tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) về hành vi Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật Hình sự. Mạnh đã đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội về sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại trường Mầm non Ngũ Thái, gây hoang mang dư luận. Bước đầu, Mạnh thừa nhận hành vi này.
Cùng với đó, đơn vị này đang củng cố chứng cứ, tài liệu để khởi tố vụ án.
Nam thanh niên cho biết, đã tải hai hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên internet rồi đăng lên tài khoản Facebook cá nhân, kèm theo nội dung bịa đặt là “Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán...".
Mạnh thừa nhận hành vi vi phạm trước cơ quan điều tra.
Sau khi phát hiện sự việc, Công an huyện Thuận thành đã yêu cầu Mạnh gỡ bỏ nội dung thông tin sai sự thật và thông tin đính chính, xin lỗi trên mạng xã hội.
Với hành vi của Mạnh, căn cứ Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Công an huyện Thuận Thành đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Bá Mạnh về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (theo điểm a, khoản 3, điều 64, Nghị định 174). ra quyết định tạm giữ hình sự, củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Bá Mạnh sau khi nhận ra hành vi vi phạm đã đăng tải thông tin đính chính, xin lỗi cộng đồng về hành vi của mình. Ảnh chụp màn hình FB của Mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề pháp lý trong vụ việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với một hành vi vi phạm, đối tượng chỉ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
“Hành chính thì không hình sự, cơ quan chức năng phải huỷ bỏ quyết định xử phạt hành chính thì mới khởi tố được”, luật sư Cường nói.
Liên quan đến vụ trẻ nhiễm sán ở Bắc Ninh, chiều qua (19.3), ông Lê Văn Nho - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết, ngoài việc đình chỉ công tác với bà Cao Thị Hòe (Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương), ngày 18.3, UBND huyện tiếp tục ra quyết định đình chỉ thêm một Hiệu phó của trường là bà Nguyễn Thị Minh Tuân và một số cán bộ có liên quan.
Bà Nguyễn Thị Mây, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương, cho biết, hiện nay quản lý bếp ăn Trường mầm non Thanh Khương và một loạt cán bộ bị đình chỉ công tác. Trong thời gian này, bà Mây được điều động thay thế, chịu trách nhiệm bữa ăn trường học.
Viện dẫn quy định của pháp luật, luật sư Cường cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, xử phạt vi phạm hành chính được định nghĩa như sau: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. |