Trao đổi với Dân Việt về đề xuất “xén” đất Công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe, trung tâm thương mại đang gây xôn xao dư luận gần đây, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng: Đây là 1 đề xuất nên xem xét, nếu phê duyệt thì cần có cách làm thận trọng.
“Cần phải kiểm tra, trong công viên này đã xác định được có bãi đỗ xe ngầm hay không. Bây giờ đặt ra vấn đề bãi đỗ xe ngầm mới thì việc điều chỉnh, bổ sung phải có ý kiến cơ quan quản lý. Nhưng đặc biệt phải có ý kiến của cộng đồng - người dân khu vực có bị ảnh hưởng có đồng ý hay không. Bài học từ nhiều dự án khác, nếu không có sự đồng thuận của dân thì chỉ là quy hoạch trên giấy’, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Nhiều chuyên cho rằng, cần thận trọng trong việc phê duyệt chuyển đổi đất công viên thành bãi đỗ xe, trung tâm thương mại.
Cũng theo ông Nghiêm, bãi đỗ xe là 1 vấn đề rất nan giải đối với Hà Nội và hết sức phức tạp. Bởi nó phải được diễn ra tại đô thị có dân số tăng ngoài mức dự kiến và chưa kiểm soát được phân bố dân số.
Bên cạnh việc mở đường, Nhà nước đã áp dụng rất nhiều hình thức xã hội hoá. Bãi đỗ xe hiện nay, cũng là lĩnh vực đang được nghiên cứu, chú trọng và áp dụng đa dạng hình thức huy động nguồn lực. Nhưng có thể thấy, gần đây càng khó khăn và thách thức hơn.
Nhiều cư dân phường Dịch Vọng tỏ ra bức xúc với việc chủ đầu tư đã lấy ý kiến người dân không đúng quy trình và báo cáo chính quyền sai sự thật. Tại một số tòa người dân nhận thức được vấn đề như N10, N04 B1-B2, B6, Hà Đô, Park View… đã tổ chức họp cư dân lại và nghiên cứu rất kỹ dự án. Khi triển khai lấy ý kiến, các ban quản trị đã thống nhất quan điểm phản đối. Có những tòa, quan điểm phản đối là 90-100%. Ông Lê Phi Phụng, trưởng ban quản trị nhà N10, cho biết hiện tại đã có khoảng gần 1.000 hộ dân ký vào đơn phản đối dự án. Vị này bác bỏ việc chủ đầu tư báo cáo “đa số” cư dân ủng hộ dự án. Số lượng cư dân phản đối dự án vẫn còn đang tăng lên. |
“Từ năm 2004, Hà Nội đã quy hoạch bến bãi đỗ xe nhưng không thực hiện được. Lúc đó Hà Nội đã đặt vấn đề cần có nhiều bãi đỗ xe, đặc biệt thời điểm đó đã đặt ra vấn đề phải có bãi đỗ xe ngầm. Rất nhiều dự án bến bãi đỗ xe từ nhà nước, tới doanh nghiệp đặt ra nhưng rất tiếc không thực hiện thành công. Ví dụ như bãi đỗ xe Hàng Đậu, trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Công viên Thống Nhất… đều không thành công”, ông Nghiêm dẫn chứng.
Ngoài ra, vị chuyên gia quy hoạch này cũng cho biết, dự kiến, Hà Nội cần khoảng 1.700ha đất làm bãi đỗ xe. Trong diện tích bãi đỗ xe này phải ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm và bãi đỗ xe cao tầng. Quỹ đất giành cho ngầm 5%, trên cao là 30-40%, còn lại trên đất.
“Trong bãi đỗ xe ngầm, phải xác định vị trí cụ thể. Đối với vị trí trong công viên thì cho phép làm bãi đỗ xe ngầm, nhưng yêu cầu phải kết nối với mạng lưới giao thông để không ùn tắc. Đặc biệt, việc triển khai bãi đỗ xe ngầm trong công viên không được kết hợp sử dụng khai thác các dịch vụ thương mại”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo ông Nghiêm, muốn có quy hoạch bãi đỗ xe ngầm cần có quy hoạch không gian ngầm. Hiện nay, có thể nói tất cả các đô thị chưa có quy hoạch không gian ngầm. Hà Nội đã có quy định nghiên cứu không gian ngầm nhưng chưa được duyệt. Rất lúng túng lựa chọn dự kiến vị trí không gian ngầm.
“Hiện nay, còn có hiện tượng tự phát chọn không gian ngầm. Nếu làm bãi đỗ xe sẽ phải giải phóng mặt bằng, điều này làm mất cân đối đất cây xanh. Bãi đỗ xe ngầm cần xác định vị trí, Hà Nội thiếu dữ liệu hạ tầng kỹ thuật ngầm”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Người dân khu vực không đồng tính với đề xuất "xén" đất công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe, trung tâm thương mại.
Liên quan tới đề xuất chuyển đất công viên Cầu Giấy để làm bãi đỗ xe ngầm và trung tâm thương mại, KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ sự không đồng tình với chủ trương này. "Chủ trương này tương tự như dự án xây bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại tại công viên Thống Nhất. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, công viên không có chức năng gì khác ngoài chức năng phục vụ người dân, phục vụ cộng đồng”.
Ông Đức cũng nhận định, bãi đỗ xe ngầm và trung tâm thương mại cần phân tích rạch ròi vấn đề sử dụng đất công, tránh làm thất thoát tài sản nhà nước.
Cũng theo ông Đức, tính pháp lý tại những dự án này rất lỏng lẻo, không có tính bền vững, rất khó để quản lý đối với những công trình xây dựng trên đất công. Thực tế, nhiều công trình công tác quản lý rất yếu kém, của công rồi lại thành của tư.
"Không ai dám đảm bảo chắc chắn, xây trung tâm thương mại, làm bãi đỗ xe rồi chủ đầu tư sẽ không từng bước thôn tính, độc quyền khai thác cả công viên", ông Đức thẳng thắn.
Theo ông đối với dự án xây bãi đỗ xe ngầm và trung tâm thương mại tại công viên Cầu Giấy cần có sự tính toán thêm, lên kế hoạch thấu đáo. Không thể quyết định vội vàng để rồi dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ vừa đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu “xén” 1,45ha đất tại Công viên Cầu Giấy để thực hiện dự án gồm các hạng mục bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ... với tổng vốn đầu tư 565 tỷ đồng. Hạng mục bãi đỗ xe ngầm có 3 tầng hầm. Trong đó hai hầm dưới cùng dự kiến có diện tích 24.000 m2, làm chỗ đỗ cho khoảng 874 ôtô. Ở hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại với rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, trung tâm thương mại... |