Dân Việt

Giám sát thực phẩm vào bếp ăn trường học: Phụ huynh phải vào cuộc!

Hà My 21/03/2019 06:10 GMT+7
Những vụ việc đáng tiếc có liên quan tới thực phẩm bẩn trong trường học thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc buông lỏng giám sát an toàn bếp ăn trường học. Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh cần được trực tiếp tham gia vào quá trình kiểm tra nguồn thực phẩm con mình dùng tại trường.

Cần thêm nhiều “cửa”

Thời gian vừa qua, dư luận sửng sốt trước sự việc xảy ra tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nhiều phụ huynh phát hiện ra thịt lợn mà con em mình ăn hàng ngày có nhiều hạch trắng, nghi là sán lợn. 2.000 trẻ em tại Thuận Thành đã được phụ huynh đưa đi xét nghiệm, 209 trẻ phát hiện dương tính với ấu trùng sán lợn.

img

Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành,  Bắc Ninh) nơi có 209 trẻ xét nghiệm dương tính
với ấu trùng sán lợn.  Ảnh: I.T  

Trong khi đó, báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành (đơn vị cấp thực phẩm cho nhiều trường trên địa bàn huyện Thuận Thành trong đó có Trường Mầm non Thanh Khương) lấy thịt lợn từ hộ kinh doanh ở xã Trí Quả (Thuận Thành) và một hộ ở xã Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội). Hộ ở xã Trí Quả mua của một hộ khác cùng xã, cả hai hộ này đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp.

Có thể thấy, nguồn gốc của thực phẩm cung cấp cho Trường Mầm non Thanh Khương khá rõ ràng, các đơn vị cung cấp thực phẩm cũng có đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp. Thế nhưng, việc thịt lợn nổi nhiều hạch trắng được đưa vào bếp ăn là có thật. Vấn đề cần được đặt câu hỏi chính là khâu kiểm tra, giám sát trước khi thực phẩm được đưa vào trường học đang bị buông lỏng?

Theo thống kê của Bộ Y tế, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông. Hơn nữa, các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì vậy, những vụ việc liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm học đường luôn gây lo lắng, bức xúc cho dư luận.

Để đảm bảo con mình được “ăn sạch” tại trường, chị Hoàng Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng các phụ huynh trong lớp đã phải luân phiên nhau cùng nhà trường kiểm tra chất lượng thức ăn hàng tuần. “Sáng sớm hàng ngày, chúng tôi chia nhau dậy sớm để nhận thức ăn đưa vào trường cùng với các cô giáo. Vừa là để tăng sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh, vừa là để đảm bảo được chất lượng thực phẩm đầu vào, trước khi chế biến cho các con”. Chị Mai cho biết không phải phụ huynh không có niềm tin với nhà trường mà chỉ muốn tăng thêm một “cửa” để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. 

Tuy nhiên, việc phụ huynh được ra vào, kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn của con mình chỉ dễ dàng thực hiện ở một số trường tư, còn rất hiếm trường công lập làm được điều này. Chị Trần Phương Hà - Phủ Cừ (Hưng Yên) có con học tại một trường mầm non công lập chia sẻ: “Trường con tôi quy định 8 giờ sáng là đóng cổng không đón trẻ nữa, 4 giờ chiều mới mở cổng trả trẻ. Trong suốt thời gian đó, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu có việc gì thì gọi điện thoại cô ra tận cổng trao đổi. Thế thì giám sát thực phẩm vào trường kiểu gì?”.

Chị Hà cũng cho biết, trong nhiều cuộc họp phụ huynh, chị cũng đã đề xuất Ban đại diện cha mẹ học sinh được quyền giám sát thực phẩm vào bếp ăn trường học, tuy nhiên chưa bao giờ đề xuất đó được giáo viên và trường lưu tâm.

Kiểm tra định kỳ, đột xuất

Ngày 19.3, Bộ GDĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, Bộ nhấn mạnh tới vai trò phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. "Ngành giáo dục, ngành y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục" - công văn nêu rõ.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh và ban chỉ đạo. Đặc biệt lưu ý kiểm tra tới nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của đơn vị cung cấp thực phẩm. Phó Giám đốc Sở GDĐT khẳng định, yêu cầu được giám sát bếp ăn trường học của phụ huynh là chính đáng. Các trường đều có nhiệm vụ phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để mọi thông tin được công khai.

Còn theo PGS - TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trong đó có các trường học cần nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể như: Yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh; làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác giám sát ATTP trong trường học. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo đối với các trường học, đề nghị các trường thành lập ban giám sát ATTP, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung thì cho rằng, để đảm bảo được khâu ATTP bếp ăn học đường thì nhất định cần có sự phối hợp của 3 đơn vị: Đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường và phụ huynh. Doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cần phải có thẩm định của cơ quan chức năng. Nhà trường lựa chọn doanh nghiệp phải có thông báo tới phụ huynh công khai, ngoài ra cần phải có khâu hậu kiểm, truy xuất rõ nguồn gốc thực phẩm. Phụ huynh cần phải có những buổi kiểm tra bếp ăn định kỳ, đột xuất.