Dân Việt

Cục Thú y bác khuyến nghị của FAO về ban bố tình trạng khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi

A.T (tổng hợp) 21/03/2019 09:16 GMT+7
Cục Thú y (Bộ NNPTNT) vừa lên tiếng về thông tin FAO khuyến nghị Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, cơ quan thú y cao nhất Việt Nam khẳng định, không có cơ sở và không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia dịch tả lợn châu Phi, bởi đây không phải là bệnh lây sang người.

Liên quan đến việc một số hãng tin nước ngoài đưa tin với nội dung "FAO khuyến nghị Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn châu Phi", về vấn đề này, ngày 20/3 đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, thông tin trên là không chính xác.

img

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng ngày 2/3/2019.

Thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận được khuyến cáo nào từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam về vấn đề này.

Đại diện Cục Thú y cho biết thêm, Việt Nam đã có quy định về việc khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong khi đó, trên thế giới chưa có nước nào phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn châu Phi. Ngay tại Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát, buộc phải tiêu hủy hơn 1 triệu con lợn mắc bệnh, nhưng cũng không phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

"Đặc biệt, dịch bệnh này không lây qua người, do đó càng không có cơ sở phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia" - đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.

Thực tế, hiện các đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương của Việt Nam đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn và khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, FAO cũng đưa ra khuyến cáo dành cho người chăn nuôi cần khai báo bất kỳ trường hợp nghi ngờ lợn nhiễm bệnh cho cơ quan thú y; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ, phương tiện vận chuyển. Đồng thời, không cho khách tới thăm khu vực nuôi, tiếp xúc với đàn lợn; không tặng hoặc bán lợn chết và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật; không vận chuyển lợn hoặc sản phẩm lợn có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng ra, vào vùng có dịch.

Đối với người dân, FAO cũng khuyến cáo như: nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn chết.

img

Cục Thú y khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, không nguy hiểm đến sức khỏe con người nên không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia như khuyến nghị của FAO.

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2018, FAO đã hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Thú y để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia Việt Nam về đáp ứng và kiểm soát khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tiến hành đánh giá nguy cơ và tổ chức diễn tập đáp ứng dịch khẩn cấp ở tỉnh Lào Cai.

FAO cũng tổ chức hội thảo khu vực về chuẩn bị phòng chống dịch tả lợn châu Phi cho các cán bộ thú y từ Việt Nam, Lào, Myanmar và Trung Quốc để tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Đông Nam Á.

Theo ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc cho biết, hiện nay FAO đều có các quy trình hướng dẫn về kỹ thuật rất cụ thể và mong muốn chia sẻ với Việt Nam.

Những tài liệu này đều có trên trang thông tin điện tử của FAO và Việt Nam hoàn toàn có thể lấy để tham khảo và xử lý cho các tình huống của mình. FAO sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các biện pháp kỹ thuật giúp cho Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh này.

Phó Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới (OIE) bà Laure Weber-Vintzel cho biết, với nhiệm vụ minh bạch hóa tình hình thú y của các nước thành viên, triển khai công tác thú y trên toàn cầu OIE cũng thu thập và chia sẻ thông tin với các nước thành viên để các quốc gia có thể chủ động ứng phó và xử lý diễn biến dịch bệnh trên gia súc gia cầm nói chung, dịch bệnh tả lợn châu Phi nói riêng.

Cơ quan này đã thiết kế 1 trang web đưa thông tin kỹ thuật, dịch bệnh cho các nước tham khảo, với 3 phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới hiện nay, OIE sẵn sàng trợ giúp Việt Nam các giải pháp kỹ thuật phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

“OIE luôn mong chờ các nước thành viên chia sẻ thông tin để có thể kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật. Chúng tôi cũng dựa vào thông tin này để phân tích và cập nhật tình hình dịch tễ toàn cầu, điều này rất có ích cho các nước thành viên trong chủ động ngăn chặn và ứng phó dịch tả lợn châu Phi” - bà Laure Weber-Vintzel nói.

Trước đó, thông tin về việc FAO khuyến nghị Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia xuất phát từ một thông cáo báo chí của Cơ quan đại diện FAO tại Việt Nam gửi thư riêng đến các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, chính phía Bộ NNPTNT, Cục Thú y lại cho biết, chưa nhận được thông tin chính thức của FAO gửi và FAO cũng chưa làm việc với Cục Thú y, Bộ NNPTNT về nội dung này.

Được biết, trước đây FAO cũng từng khuyến nghị, Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch cúm gia cầm. Song phía Việt Nam đã bác yêu cầu này và trên thực tế, những năm sau đó Việt Nam đã làm rất tốt và khống chế được dịch cúm gia cầm mà không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Cục Thú y, tính đến 19 giờ ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và gần đây nhất là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các ban ngành chức năng đã phải tiêu hủy 34.774 con lợn./.