Phạt… cho có
Vụ việc quấy rối tình dục ầm ĩ mới đây nhất xảy ra vào tối 12.3, khi chị P.H.V (20 tuổi) sau khi đi dạo với người quen về đã vào thang máy của tòa chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để lên phòng thì bị một người đàn ông lạ mặt giở trò sàm sỡ.
Theo hình ảnh trích xuất từ camera trong thang máy tòa nhà, khi chỉ còn 2 người, người đàn ông ăn mặc lịch sự tiến lại gần chị P.H.V rồi có những hành động như ôm, ghì chặt… mặc cho chị V không đồng ý. Vụ việc diễn ra trong chốc lát, sau đó chị V cố gắng thoát ra khỏi thang máy nhưng người đàn ông kia vẫn cố tình tóm lấy tay chị giữ lại.
Ngày hôm sau, chị V đã đến trình báo với Công an quận Thanh Xuân. Tối 15.3, mặc dù được công an yêu cầu nhưng người đàn ông giở trò sàm sỡ trong thang máy tên Đỗ Mạnh Hùng đã không đến buổi xin lỗi tại chung cư. Sau đó, người này lại hẹn với gia đình chị V 9 giờ sáng 16.3 sẽ có mặt tại trụ sở Công an quận Thanh Xuân để giải quyết, nhưng cuối cùng cũng không đến.
Lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định xử phạt đối với Đỗ Mạnh Hùng. Tuy nhiên, căn cứ vào Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 100.000- 300.000 đồng. Chính bởi vậy, sau khi Công an quận Thanh Xuân trao đổi và thống nhất với VKSND cùng cấp, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt Đỗ Mạnh Hùng 200.000 đồng.
Trước đó, ngày 24.7.2018, Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xử phạt Nguyễn Bình Triệu (SN 1979, trú tại Khu phố 2, phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị), chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong 200.000 đồng vì hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nữ đồng nghiệp.
Chị P.H.V bị đối tượng Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ trong thang máy. Ảnh cắt từ clip
Cụ thể, Công an huyện Triệu Phong xác định ông Triệu dùng sức mạnh ôm, giữ nữ đồng nghiệp, sau đó hôn, cắn vào vùng môi của nữ đồng nghiệp, dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm” khiến nạn nhân bị hoảng loạn tinh thần, nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với người này, chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ việc được phát giác liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng và bị xử lý theo kiểu “cho có”.
Tạo tiền lệ xấu
Sau hàng loạt vụ việc quấy rối tình dục bị xử nhẹ, xử như không, nhiều người đã bức xúc đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra?
Xem xét toàn bộ diễn tiến cũng như cách xử lý các vụ việc liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đánh giá việc này “như trò hề”, thể hiện sự bất lực của những người thực thi pháp luật, trong trường hợp vụ quấy rối, sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm là Công an quận Thanh Xuân.
“Công an mời người đang bị tố cáo là phạm tội đến hòa giải nhưng anh ta không đến cũng chẳng làm gì được.
87% phụ nữ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng |
Sau đó, lại đưa ra mức xử phạt 200.000 đồng... rất bôi bác!” - TS Hồng bức xúc nói.
Bà Hồng cũng cho rằng, dù hành vi đó được áp dụng phạt theo nghị định nhưng không phù hợp với thực tế, bởi những vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em thì càng ngày càng nhiều, khiến xã hội càng ngày càng bức xúc, mà vẫn áp dụng một nghị định không cập nhật thì rất ít tác dụng.
Bà Hồng phân tích: “Nó khiến cho người ta có cảm giác thà đừng phạt còn hơn. Phạt xong đưa lên như thế này chẳng khác gì trò cười, như là một sự nhạo báng, làm nhục phụ nữ thêm một lần nữa. Đây không phải chỉ là một cá nhân, một cô gái đấy mà rõ ràng đây là đối với phụ nữ nói chung. Chứng tỏ xã hội vẫn chẳng coi trọng phẩm hạnh phụ nữ bao nhiêu. Tất cả những câu chuyện trong thời gian gần đây thể hiện điều đấy, thể hiện sự thiếu quan tâm đến phụ nữ. Chẳng hạn như vụ việc ở Bắc Giang, thầy giáo dâm ô sờ đùi, sờ mông thì bảo đó là hành động “yêu quý” trẻ, xâm hại trẻ em đến rách màng trinh, trẻ bị tổn thương gẫy răng, gẫy tay thì lại kết luận “ít nghiêm trọng…” - bà Hồng bày tỏ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: “Những câu chuyện này khiến cho mọi người có cảm giác luật pháp không xử lý được và những người thực thi pháp luật gần như không làm được gì với những tội ấy. Đây là điều đáng phải suy nghĩ”.
Bà Hồng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sửa đổi pháp luật cụ thể hơn làm sao để pháp luật phải thực sự là công cụ để trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em. Những người thực thi pháp luật cũng cần được nâng cao nhận thức để làm công việc này tốt hơn.