Dân Việt

Đề nghị bổ sung và tăng nặng hình phạt

Nguyệt Tạ (thực hiện) 22/03/2019 06:22 GMT+7
Liên quan tới vụ việc quấy rối tình dục nơi công cộng bị xử phạt còn quá nhẹ, cần phải thay đổi mức phạt cũng như cách xử phạt, PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) về vấn đề này.

Ông có bình luận gì về mức xử phạt các vụ quấy rối tình dục nơi công cộng, gần đây nhất là vụ việc đối tượng quấy rối, sàm sỡ cô gái trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng?

- Thực sự mức xử phạt các hành vi về quấy rối tình dục nơi công cộng, công sở… hay xâm hại tình dục ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Qua các vụ việc đã được xử lý, có thể thấy mức xử phạt còn rất thấp, chỉ xử phạt hành chính là chưa phù hợp. Chính bởi vậy mà dư luận cảm thấy rất bức xúc, không thể thuyết phục, không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo tôi cơ quan quản lý địa phương cũng khó có thể có cách xử phạt khác, bởi hiện nay chúng ta chưa có khái niệm cụ thể xử phạt về hành vi đó, nên mới chỉ đưa ra những khung hình phạt chung chung theo các quy định về xử phạt hành chính theo điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100.000-300.000 đồng).

img

Cần tăng mức phạt đối với hành vi quấy rối tình dục. Ảnh mInh họa

Không phải bây giờ vụ việc mới xảy ra, trước đó có nhiều vụ việc xâm hại tình dục và quấy rối tình dục nơi công cộng cũng khiến dư luận rất bức xúc vì mức xử phạt thấp? Đâu là nguyên nhân khiến việc xử phạt chưa hợp lý, thưa ông?

- Đây đúng là một hạn chế về chính sách mà chúng ta đã nhận thấy từ khá lâu. Thực tế chúng ta đã trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi một số nội dung Luật Bình đẳng giới, điều này cũng đã được đưa ra để lấy ý kiến. Tuy nhiên, trong khi chờ luật thay đổi thì việc xử lý các hành vi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài việc chính sách, pháp luật quy định chưa cụ thể, hình thức xử phạt còn nhẹ thì cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý còn nương tay, chưa quyết liệt. Ví dụ như, căn cứ quyết định xử phạt Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100.000 - 300.000 đồng) thì cơ quan chức năng địa phương chọn mức ở giữa là 200.000 đồng thay vì chọn mức 300.000 đồng. Điều này có nghĩa là họ thấy hành vi đó là bình thường nên cũng chọn cách xử phạt theo kiểu trung bình.

Cách đây chục năm, khi xây dựng luật xử lý nạn quấy rối tình dục nơi làm việc, chúng ta đã đưa ra mức phạt từ 25-45 triệu đồng, nhưng vì không cắt nghĩa được các từ ngữ để làm rõ tính chất nghiêm trọng của hành vi nên đề xuất tăng nặng hình phạt đã bị loại bỏ.

Ông có kiến nghị hay đề xuất gì về vấn đề này không?

- Hiện nay Vụ Bình đẳng giới đang triển khai một số phần việc của Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, Vụ đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao năng lực bình đẳng giới, từ đó nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành hiểu được tác hại, nhằm thay đổi nhận thức trong việc ban hành chính sách, thực thi chính sách. Bên cạnh đó cũng thí hiểm thực hiện mô hình thực hiện theo hướng xây dựng chính sách phù hợp để cho các địa phương thực hiện được.

Trước mắt, Vụ Bình đẳng giới đang phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các thành phố an toàn với phụ nữ, trẻ em gái, xây dựng điểm xe bus an toàn… Về lâu dài, Vụ Bình đẳng giới cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng lấy ý kiến đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Luật Bình đẳng giới và cả các văn bản dưới luật liên quan xử lý các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục nơi công cộng.

Xin cảm ơn ông!