Quan điểm về tội danh khác nhau
VKSND TP.Hà Nội cho rằng hành vi của Trình có dấu hiệu phạm vào tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, là loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Chương Mỹ khởi tố Trình về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là chưa đánh giá đúng bản chất vụ án, dẫn đến không tạm giam bị can, khiến cho dư luận bất bình và gây bức xúc cho gia đình người bị hại. Vì thế, VKS đã đề nghị chuyển vụ án lên.
Trong khi giải thích về việc này, ông Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ, cho biết suốt quá trình đấu tranh, dù rất quyết liệt nhưng Trình chỉ khai nhận dùng tay sờ mó cháu bé. Sau chín ngày tạm giữ, do chưa có đủ căn cứ để khẳng định Trình hiếp dâm nên công an đã thống nhất với VKS huyện trước mắt khởi tố về tội dâm ô.
Cũng theo ông Dũng, cái khó khác là Điều 142 BLHS 2015 quy định về hành vi “quan hệ tình dục khác” nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. “Khác ở đây là những hành vi gì? Vì chưa có hướng dẫn nên chúng tôi không thể vận dụng bừa được. Với ý thức chủ quan mà khởi tố và bắt giam về tội hiếp dâm trong khi chưa đủ chứng cứ, nếu bị can có chuyện gì thì chúng tôi là người phải chịu trách nhiệm” - ông Dũng nói.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng pháp luật cần phải minh định rõ và chi tiết thế nào là hành vi dâm ô, thế nào là hiếp dâm và đặc biệt là hành vi quan hệ tình dục khác trong các tội xâm phạm tình dục từ Điều 141 đến Điều 146 BLHS.
Bị can Nguyễn Trọng Trình trong vụ bé gái 10 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội bị xâm hại. Ảnh: ANTĐ
Rất khó mô tả chi tiết
Theo bà Lê Thị Hòa (Phó phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp), hiện nay mức hình phạt đối với các loại tội trực tiếp xâm hại tình dục trẻ em đã rất nghiêm khắc. Hình phạt duy nhất áp dụng là phạt tù, trong đó có mức án tù chung thân hoặc cao hơn là tử hình.
Bà Hòa nói: “Tôi là người trực tiếp tham gia quá trình xây dựng BLHS năm 2015, trong đó có tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Ban đầu chúng tôi cũng đánh giá liệu có thể mô tả cụ thể các hành vi quan hệ tình dục khác là gì hay không. Chúng tôi đã thử dựng lên các quy định như vậy, ví dụ như hành vi dùng dụng cụ để xâm hại tình dục, xâm hại tình dục bằng đường miệng… Tuy nhiên, những cách này có vẻ chưa phù hợp với kỹ thuật lập pháp hình sự. Ngoài ra, trong Nghị quyết thi hành BLHS số 41 đã giao cho Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định cụ thể các điều luật mà có thể tạo ra các cách hiểu khác nhau hoặc chưa rõ ràng”.
Bà Hòa cho biết đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cấu thành tội phạm mô tả rất rõ hai hành vi. Một là giao cấu theo truyền thống, tức là sự tương tác giữa các bộ phận sinh dục. Hai là hành vi quan hệ tình dục khác, đây là một cái túi để chúng ta có thể đựngvà xử lý một số hành vi phù hợp với thực tiễn mà trước đây BLHS 1999 chưa thể xử lý được (ví dụ việc hiếp dâm bằng các dụng cụ tình dục).
Đối với tội dâm ô người dưới 16 tuổi, trước đây liên ngành TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch 04/2008 hướng dẫn về dấu hiệu của hành vi dâm ô này là sờ, nắn, bóp các bộ phận cơ thể có sự kích thích tình dục. Đến đây, một khái niệm mới xuất hiện là “bộ phận kích thích tình dục”, vậy nó là gì? Ví dụ cha mẹ tét vào mông đứa trẻ với mục đích răn đe thì không thể là dâm ô, nhưng nếu với mục đích tạo ra kích thích tình dục thì đó là dâm ô. Cùng một hành vi nhưng phải căn cứ vào mục đích của người thực hiện để đánh giá khách quan.
Cũng theo bà Hòa, về kỹ thuật lập pháp, rất khó để mô tả chi tiết từng bộ phận hay hành vi trong BLHS, tuy nhiên chúng ta đã có những văn bản quy định cụ thể để áp dụng. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng muốn một bộ luật hoặc văn bản quy định thật chi tiết về vấn đề đó thì lại rất dễ dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Nhưng nếu đánh giá dựa trên hành vi khách quan thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không chỉ Việt Nam, trên thế giới cũng đều cho phép cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá dựa trên hành vi khách quan mà không cần phải có văn bản quy định chi tiết. Cán bộ điều tra, truy tố, xét xử không dựa vào điều luật có mô tả chi tiết hành vi đó hay không mà sẽ đánh giá trên cơ sở hành vi, điều kiện khách quan.
Ngoài ra, chúng ta đã có quy định về án lệ, đây cũng là một hướng mở cho cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng các vụ việc chưa được quy định cụ thể trong BLHS hoặc chưa có văn bản hướng dẫn. “Theo tôi được biết, hiện Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang soạn thảo một nghị quyết để hướng dẫn các quy định của BLHS về các loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em” - bà Hòa thông tin.
Vẫn cần liệt kê cụ thể Từ vụ bé gái 10 tuổi bị xâm hại, cần phải quy định theo hướng liệt kê rõ những hành vi, hình thức nào là dâm ô, hiếp dâm. Tôi rất bất ngờ vì với những dấu hiệu tổn thương của cháu bé như vậy nhưng cơ quan tố tụng huyện lại kết luận là hành vi dâm ô và cho bị can tại ngoại. Sau đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã làm công văn đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can, Cục Trẻ em cũng có thông tin chính thức không đồng ý với cách xử lý của công an huyện. Hiện nay Công an TP Hà Nội đã vào cuộc, bắt tạm giam bị can, tôi cho rằng phải tiếp tục điều tra làm rõ dấu hiệu hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tôi đã đi học tập và thực tế ở rất nhiều quốc gia, họ liệt kê rất rõ hành vi nào là dâm ô. Chẳng hạn ở Thái Lan hay Philippines, luật quy định dâm ô là những hành vi sờ mó, hôn hít vào các bộ phận sinh dục và những nơi nhạy cảm trên cơ thể (có liệt kê nơi nào là nhạy cảm); tàng trữ hình ảnh khỏa thân của trẻ trong máy tính cá nhân; kể chuyện, gợi mở các hành vi dâm ô, xem phim khiêu dâm… Ông Nguyễn Trọng An, cựu Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH Các khả năng sẽ xảy ra đối với bị can Trình Vì hiện nay việc điều tra vụ án xâm phạm tình dục cháu Q đang tiến hành nên chưa thể chắc chắn định tội danh nào với bị can Trình mà chỉ có thể đưa ra các khả năng sẽ xảy ra. Thứ nhất, Trình chỉ thực hiện hành vi dâm ô đối với cháu Q, hiện nay bị can đã có dấu hiệu rõ của tội này. Nhưng điều kiện để được xử lý tội này là Trình phải không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với cháu Q. Việc gây thương tích cho cháu Q có thể xử lý tội cố ý gây thương tích (đợi kết quả giám định thương tích của cháu Q). Thứ hai, Trình tự ý nửa chừng chấm dứt việc hiếp dâm cháu Q. Tức là lúc đầu Trình có ý định hiếp dâm nhưng khi định thực hiện thì cháu Q. sợ, la hét và chống cự nên Trình từ bỏ ý định. Trường hợp này là Trình đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội do chủ quan và có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các hành vi trước đó của Trình lại có đủ các dấu hiệu của tội dâm ô người dưới 16 tuổi hoặc tội cố ý gây thương tích nên kiểu gì Trình cũng phải chịu trách nhiệm về hai tội hoặc một trong hai tội này. Thứ ba, Trình đã thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với cháu Q. Lúc này thì đã có đầy đủ dấu hiệu của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và không cần xử lý thêm tội dâm ô hoặc tội cố ý gây thương tích. Bởi lúc này, hai hành vi trên đã thuộc nội hàm của cấu thành tội hiếp dâm. Muốn vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập chứng cứ như giám định cơ thể cháu Q, lời khai của Trình và cháu Q. Ban đầu Công an huyện Chương Mỹ khởi tố Trình để điều tra làm rõ hành vi dâm ô cũng là hợp lý, bởi lúc đó hành vi này là rõ nhất. Trên cơ sở khởi tố thì điều tra để xác định tiếp Trình có phạm tội hiếp dâm hay không, lúc đó chuyển tội danh vẫn kịp và hợp lý. Cần nhớ rằng khi tiến hành tố tụng phải đảm bảo yêu cầu của nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13 BLTTHS 2015). Việc nhanh chóng tìm ra sự thật của vụ án là thuộc năng lực của cơ quan tiến hành tố tụng cụ thể. TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM T.Phan (ghi) |