Dân Việt

"Thỉnh vong" chữa ung thư là trục lợi trên cơ thể, niềm tin người bệnh

Thảo Anh 22/03/2019 11:06 GMT+7
Dước góc độ y khoa, các bác sĩ cho rằng "thỉnh vong" "vòi" tiền, người 5 triệu, kẻ mấy chục triệu chữa từ đau xương khớp cho đến ung thư vú là lừa gạt, trục lợi trên cơ thể và niềm tin của người bệnh.

Bách bệnh "tuỳ vong"

Những phương thuốc "thần kì", bách bệnh "tuỳ vong" được truyền bá cho nhiều người dân ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra.

PV báo Lao Động đã ghi lại những câu chuyện dị thường. Một phụ nữ đau xương khớp, do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.

Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng.

Những “phương thuốc thánh" ở chùa Ba Vàng, kèm luôn cái giá, số người gọi hồn tại đây bị “vong” đòi 5 triệu thì ít là toàn 7-15 triệu thì nhiều.

Phương pháp chữa bệnh này khiến dư luận hoang mang. Trao đổi với PV Lao Động dưới góc độ y khoa, GS.TS Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho rằng, bệnh được lý giải từ chuyện "kiếp trước" là duy tâm.

Trong khi đó, bệnh tật ở "kiếp này" thì phải nhìn trực diện từ nhiều nguyên nhân yếu tố trong đời sống hiện tại chứ không thể lấy "kiếp trước" ra để lý giải.

"Bản thân tôi không tán thành cách lý giải như vậy. "Thỉnh vong" để chữa trị hoàn toàn phản khoa học. Không những không chữa được bệnh mà còn có nguy cơ khiến những người mắc bệnh bỏ qua giai đoạn sớm mà nhẽ ra y học, khoa học có thể chữa được. Nhất là với bệnh nhân ung thư, phương pháp này đẩy người bệnh đến giai đoạn muộn màng, tước đi cơ hội may mắn để có thể chữa bệnh

Có thể nói, "thỉnh vong" đòi tiền là lừa gạt, mang tính chất trục lợi trên niềm tin và cơ thể của người bệnh" - GS.TS Bá Đức nêu quan điểm.

"Vái tứ phương" nhưng không mê muội

img

PGS.TS Lê Văn Quảng. Ảnh: Viẹtnamnet.vn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Quảng - Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng chữa bệnh phải có minh chứng khoa học. Điều trị các bệnh nhất là ung thư chỉ có thể khỏi bằng phương pháp xạ trị, hoá chất đã được nghiên cứu. Trường hợp cúng bái "thỉnh vong" trị bách bệnh như thế không bao giờ có.

"Người ta truyền tai nhau người này chữa được rồi người có bệnh vái tứ phương theo nhau đi chữa nhưng ai là người đã chữa được thì không rõ ở đâu. Kể cả có người đứng ra nhận đã chữa khỏi, phải hỏi ngược lại rằng người đó được chẩn đoán ở đâu, bệnh như thế nào?" - Bác sĩ Lê Văn Quảng phân tích.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Đức, điều vô lý không phải điều trị  bệnh bằng tâm linh. Bởi điều trị tâm linh cũng tính là một cách để người bệnh an tâm, bằng lòng, coi cái chết nhẹ nhàng không đau đớn về tinh thần. Nhưng "thỉnh vong" đòi tiền của người bệnh để thoát tai ương lại là một chuyện phi lý.

"Dùng giáo lý nhà Phật giúp người ta nhẹ nhàng thảnh thơi, không bị dằn vặt đau khổ khác việc "dán mác" giá tiền chữa từng bệnh,  từng "nghiệp". Mê tín dị đoan không có khả năng chữa bệnh, đẩy người bệnh đến nguy cơ chết sớm một cách oan uổng. Lúc đó có vào bệnh viện cũng chỉ còn có thể chăm sóc giảm nhẹ, kéo dài sự sống, mọi cơ hội hoàn toàn mất đi" - bác sĩ Bá Đức kiến giải.

Dưới góc độ y khoa, các bác sĩ đều khuyến cáo những người có bệnh phải đến đúng chuyên khoa bệnh đó để chẩn đoán ra bệnh, đưa ra hướng điều trị kịp thời và hợp lý nhất.