Trên đường Hoàng Diệu (Hà Nội), những tán cây cổ thụ xanh mát, xe đi tấp nập. Ngôi nhà số 34 của ông Trịnh Văn Bô trầm mặc, trước cửa có mấy lẵng hoa chúc mừng vị doanh nhân yêu nước quá cố Trịnh Văn Bô, người vừa được khắc tên trên một con đường ở Hà Nội ngày 14.3 vừa qua.
"Vinh quang thì cũng có đấy, nhưng đắng cay cũng nhiều. Người mong mỏi điều này nhất là mẹ tôi thì giờ bà đã đi xa. Sự hân hoan của con cháu cũng vơi đi phần nào", ông Trịnh Cần Chính (70 tuổi, con trai thứ của ông Bô) rơm rớm nói.
Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) cùng vợ Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017) là chủ hãng tơ, lụa, vải, sợi nổi tiếng Trịnh Phúc Lợi trước năm 1945. Một buổi sáng tháng 6.1945, có nhiều nhà cách mạng đến dò hỏi và đề nghị nhờ ngôi nhà của ông ở 48 Hàng Ngang làm nơi bí mật nuôi đoàn cán bộ cách mạng từ chiến khu trở về. Từ nơi này, chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thống nhất đất nước vào ngày 2.9.1945.
"Mẹ kể những đêm Bác Hồ gõ máy chữ, bố tôi - người xưa nay chỉ có gia nhân phục vụ - lại cặm cụi nấu vây cá mập tẩm bổ cho cán bộ, để đảm bảo sự bí mật. Thời gian đó, dù không biết đến Bác, nhưng bố vẫn chu đáo hết sức có thể, vì thấy người làm kháng chiến gầy gò, đen nhẻm", ông Cần Chính tâm sự, tay phủi nhẹ lớp bụi trên chiếc giường ngày xưa Bác Hồ nằm, giờ vẫn được đặt trang trọng trong phòng khách.
Cũng từ ngày đó, gia đình ông Bô bắt đầu đóng góp cho cách mạng. "Bố tôi rất thật thà, nghe lời cha mẹ răm rắp, nên hết lòng phục vụ cách mạng, có bao nhiêu tiền của đều chi không tiếc. Hết tiền thì đi vay hàng xóm đóng góp, Quỹ độc lập, tuần lễ vàng, hỗ trợ thương binh liệt sĩ..., không có khoản nào mà ông phớt lờ", ông Chính kể về cha mình.
Cuốn "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng" của Bộ Tài chính cho biết, sau 1945, số tiền gia đình ông Bô đóng góp cho nhà nước rơi vào khoảng 5.147 lượng vàng. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang về sau cũng được gia đình tặng cho Nhà nước để làm di tích lịch sử.
Ông Trịnh Văn Bô và vợ, bà Hoàng Thị Minh Hồ năm 1955.
Năm 1988, ông Trịnh Văn Bô mất, tròn 43 năm tuổi Đảng, được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Cũng từ đó, người nhà ông mang theo khắc khoải chờ tên chồng, cha mình được vinh danh ở một con phố nào đó của Hà Nội.
Tuy nhiên, theo quy định của nhà nước, những nhân vật lịch sử còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
Dù cảm thấy thiệt thòi, nhưng đối với gia đình ông Bô, được ghi nhận lòng yêu nước đã là điều vui sướng. "Thời gian đó gia đình cũng không khai báo công lao nhiều, không đòi hỏi phải hoàn trả tiền mình đã đóng góp. Mẹ tôi tâm niệm có sa cơ lỡ vận, bán nhà cũng đủ để ăn tới cuối đời", ông Cần Chính tâm sự.
Năm 2014, bà Hoàng Thị Minh Hồ mừng thọ 100 tuổi, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm. "Mẹ tôi khi ấy vẫn ngồi kể vanh vách những sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam được ông Bô góp công. Bà không trách ai, chỉ thoáng buồn", ông Chính bảo. Trong căn nhà 34 Hoàng Diệu, đầy ắp hình ảnh ông Bô bên cạnh nhiều nhà cách mạng, cảm giác lịch sử như ngưng đọng trong không gian.
Ông Chính chỉ hình ảnh bố mẹ mình góp mặt trong phiên họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam cùng Hồ chủ tịch vào tháng 3.1946. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Từ năm 2013, đã vài lần Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đề xuất đặt tên Trịnh Văn Bô cho một con đường ở Hà Nội, nhưng chưa thành công, do chưa thống nhất được giữa chính quyền, người dân địa phương và gia đình.
"Lúc mẹ tôi mất năm 2017, bà cũng đã vơi bớt niềm ngóng chờ. Các con cũng bận bịu và không đặt nặng vấn đề nữa", ông Chính tâm sự.
Đến tháng 3.2019, con phố Trần Hữu Dực nối dài (Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) chính thức được mang tên của vị doanh nhân yêu nước họ Trịnh.
Tên Trịnh Văn Bô được đặt cho con đường mới mở, rộng 50 mét, với 6 làn xe cơ giới ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, 31 năm sau khi ông qua đời. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Theo ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội, "danh nhân chỉ được xem xét đặt tên đường ít nhất 10 năm sau khi mất. Trường hợp ông Bô đến năm 2013 mới chính thức đủ điều kiện để xét tên đường. Bên cạnh đó chúng tôi còn cần sự đồng thuận từ phía gia đình và chính quyền địa phương".
"Được nằm gần những người cùng thời như Lê Đức Thọ, Trần Hữu Dực..., có lẽ bố tôi cũng vui. Nhưng mọi thứ đã quá lâu, đến mức cái cảm giác vui mừng chỉ còn là tiếc nuối...", ông Trịnh Cần Chính nói.