Cùng với clip rao giảng về “thỉnh vong”, “giải oán” hôm nay, mạng xã hội lại tiếp tục lan truyền clip chữa bệnh tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.
Phật tử Phạm Thị Yến hướng dẫn người mắc bệnh đau lưng, đau cột sống, hay loãng xương... đều có thể áp dụng.
“Đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng. Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng”, phật tử Phạm Thị Yến nói.
Trước những thông tin này, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, y học không thể chấp nhận việc tuyên truyền cúng bái, lễ lạt có thể khỏi bệnh.
“Có bệnh phải vái tứ phương thật nhưng chữa bệnh phải có căn cứ khoa học. Nếu cúng lễ mà khỏi bệnh thì không ai đến đến bệnh viện điều trị nữa”, PGS Quảng nêu quan điểm.
Theo PGS Quảng, BV cũng đã gặp không ít các trường hợp bị ung thư, đang điều trị nhưng rồi bỏ ngang đề về nhà cúng bái, điều trị thuốc nam. Đến khi bệnh trở nặng, quay lại đã quá muộn, lúc đó bác sĩ chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng.
Với riêng bệnh nhân ung thư, PGS Quảng nhấn mạnh cần điều trị theo đúng phác đồ với các phương pháp khoa học đã được chứng minh như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích...
PGS Quảng cho rằng, việc người bệnh, người nhà tiếp cận đạo phật chính pháp để suy nghĩ được minh mẫn, tâm hồn được thanh tịnh, suy nghĩ tích cực là điều không ai phản đối nhưng không nên tin theo thái quá dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị.
GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) vô cùng bất ngờ. Ông khẳng định: “Đây hoàn toàn là phương pháp phản khoa học, hoàn toàn là mê tín dị đoan. Tôi khẳng định chữa bệnh bằng bất cứ phương pháp nào không có cơ sở khoa học, nhất là bệnh nan y hoàn toàn không chữa được bệnh, ngược lại còn có hại”.
Theo GS Đức, ông từng gặp nhiều bệnh nhân vì mê tín dị đoan, nghe theo các phương pháp truyền miệng để trị bệnh thay vì đến bệnh viện để được chữa trị.
“Việc chạy theo cách chữa bệnh mê tín sẽ làm cho người bệnh bỏ qua cơ hội vàng để được phát hiện và chữa trị sớm, càng để lâu, bệnh càng nặng lên, khó cứu chữa. Sự việc ở chùa Ba Vàng ở một góc độ nào đó có thể khẳng định là đang lừa người bệnh để trục lợi”, GS Đức khẳng định.
Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định: “Chữa bệnh theo các phương pháp mê tín dị đoan là trái pháp luật”.
Luật Khám bệnh, Chữa bệnh cũng quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh. Người sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong lúc đang vật lộn với những cơn đau để kéo dài hy vọng sống, chị Thủy được 1 người trong CLB Cuộc chiến chống...