Ngày 7/11/1944 hứa hẹn là một ngày tuyệt vời khi đơn vị quân đội Liên Xô chuẩn bị tổ chức diễu binh gần thành phố Nis ở miền nam Nam Tư.
Hồng quân Liên Xô và các dân quân địa phương (Nam Tư) trước đó đã giải phóng Belgrade và đang tiếp tục các chiến dịch thành công ở Balkans. Ngoài ra, Liên Xô khi đó đang chuẩn bị chào mừng 27 năm cuộc cách mạng Tháng Mười thành công và các đơn vị đồn trú ở Nam Tư cũng đang tiến hành trang trí cờ cùng băng rôn đỏ.
Trận không chiến ở Nis là vụ đụng độ trực tiếp duy nhất giữa Mỹ và Liên Xô trong Thế chiến 2. Nguồn: RBTH
Bầu không khí hân hoan khi đó của hồng quân Liên Xô đã bị ngắt quãng khi hàng chục máy bay bất ngờ xuất hiện trên bầu trời. Điều này có vẻ lạ vì Luftwaffe (Không quân Đức) không hoạt động trong khu vực.
Binh sỹ Liên Xô sớm nhận ra đó là cảnh báo nhầm. Những gì họ nhìn thấy là một nhóm máy bay chiến đấu Lockheed P-38 Lightning của đồng minh Mỹ đang bay trên bầu trời.
Điều kỳ lạ hơn là những gì xảy ra sau đó: Những chiếc máy bay của Mỹ bắt đầu nã súng vào quân đội Liên Xô. Các binh sỹ bắt đầu bỏ chạy, cố gắng vẫy tay và những chiếc băng rôn đỏ để ra hiệu cho phi công rằng họ đang bắn nhầm vào đồng minh của mình. Nhưng không ích gì.
Quân đội Liên Xô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xuất kích máy bay chiến đấu. Một trong những trận chiến kỳ lạ nhất của Thế chiến 2 đã xảy ra.
Trận không chiến ở Nis
Việc bắn nhầm đồng minh đã từng xảy ra giữa Liên Xô và Mỹ trong Thế chiến 2. Chiếc P-38 có vẻ ngoài trông giống như chiếc máy bay trinh sát FW-189 của Đức. Đã có lúc P-38 của Mỹ trúng đạn từ phía Liên Xô khai hỏa, nhưng những lần bắn nhầm như vậy thường không xảy ra thương vong như sự việc ở Nis ngày hôm đó.
Máy bay P-38 Lightning. Ảnh: Sputnik
Bị nã đạn trong lúc không hề được phòng bị đã khiến 27 binh sỹ Liên Xô thiệt mạng trong đó có 1 tướng, và 37 người khác bị thương. 20 chiếc xe bị phá hủy.
Khi các đơn vị hồng quân Liên Xô triển khai ở sân bay gần đó nhận ra vụ tấn công, họ đã ngay lập tức khai hỏa vào những chiếc P-38. Máy bay Mỹ đã chuyển hướng sang khu vực sân bay và bắt đầu tấn công lại. Thêm 4 binh sỹ Liên Xô nữa thiệt mạng.
Trên bầu trời, máy bay Mỹ bị máy bay chiến đấu Liên Xô đánh chặn. Đây trở thành cuộc chiến trên không đầu tiên giữa 2 nước. Kết quả của trận không chiến kéo dài khoảng 15 phút này: phía Liên Xô mất 4 chiếc máy bay chiến đấu Yak-3 và Yak-9. Phía Mỹ thiệt hại 3 chiếc P-38.
Tak-3. Ảnh: Sputnik
“Cuộc tấn công của những chiếc P-38 Lightning chỉ dừng lại khi Đại úy Koldunov suýt bị bắn hạ trong lúc tiếp cận máy bay dẫn đầu của Mỹ ở cự ly gần để ra dấu hiệu”, Tướng Alexey Antonov viết cho John Dean, người đứng đầu phái bộ quân đội Mỹ ở Liên Xô khi đó.
Sau khi nhận ra sai lầm, máy bay Mỹ dừng tấn công ngay lập tức và rời khỏi khu vực.
Sai lầm chết người
Không chậm trễ, 2 nước tiến hành điều tra chung về sự việc. Phía Mỹ cũng không hề né tránh trách nhiệm khi công khai nhận lỗi về mình.
Họ nói rằng, theo kế hoạch, máy bay Mỹ sẽ đánh bom quân đội Đức ở gần thành phố Novi Pazarm nhưng do lỗi về xác định vị trí, một nhóm P-38 đã di chuyển quá 100km về phía Đông. Ở đó, họ tấn công vào các binh sỹ Liên Xô, vì nhầm tưởng đó là quân phát xít.
Lãnh đạo Không quân Mỹ và cả Đại sứ Mỹ tại Liên Xô W. Averell Harriman đã thay mặt Tổng thống Franklin Roosevelt gửi lời xin lỗi tới Liên Xô.
Sự im lặng của 2 bên
Trận không chiến khi đó đã trở thành một “vụ bê bối lớn” và làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, đây là điều mà cả 2 đều không muốn nhắc đến trong bối cảnh cuộc chiến chống phát xít Đức đang ở giai đoạn quan trọng. Và họ quyết định “lờ” nó đi.
Một lý do khác để “im lặng” về sự cố này chính là mong muốn nó sẽ không trở thành “món quà” cho cỗ máy tuyên truyền của Hitler, “cơ hội vàng” để tạo rạn nứt giữa 2 đồng minh khi đó.
Không quân Mỹ và Liên Xô đã nhận được bài học cay đắng. Ngày 26/11 năm đó, hai bên đã cùng phân định ranh giới để các máy bay mỗi bên có thể hoạt động tách biệt nhau, tránh lặp lại bi kịch tương tự.