Tài sản tỉ phú Phạm Nhật Vượng vượt mốc 8 tỷ đô
Tuần qua, theo cập nhật của Forbes, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã đạt mức kỷ lục là 8,1 tỷ đô.
Trước đó, theo danh sách cập nhật hàng năm, tài sản ông Vượng đạt 6,6 tỷ USD vào ngày 5/3. Như vậy, chỉ sau vỏn vẹn 2 tuần, tài sản ông Vượng đã tăng 1,5 tỷ USD.
Tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã đạt mức kỷ lục là 8,1 tỷ đô.
Liên quan tới ông Vượng, tuần này, VinSmart đã công bố chính thức ra mắt thương hiệu và bán dòng điện thoại Vsmart đầu tiên của mình tại Tây Ban Nha.
Với con cưng khác là Vinfast, thông tin mới nhất cho biết, lô xe VinFast đầu tiên trong số 155 xe đã được vận chuyển bằng đường hàng không đến 14 quốc gia thuộc 4 châu lục để kiểm thử chất lượng và độ an toàn.
Đáng chú ý, tuần qua, Bloomberg dẫn thông tin từ tờ Maeil Business của Hàn Quốc cho biết tập đoàn SK Group đã quyết định đầu tư để sở hữu 1 tỷ USD cổ phần tại tập đoàn Vingroup. Trước đó, phía Vingroup cũng dự kiến sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 tổ chức nước ngoài. Giá chào bán mỗi cổ phần là trên 100.000 đồng.
Yeah1 chi vài trăm tỷ mua lại cổ phiếu giữa tâm bão
Tuần qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (mã CK: YEG) đã có văn bản gửi Vụ Giám sát công ty đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) để giải trình về biến động giá cổ phiếu YEG.
Theo ông, diễn biến giá cổ phiếu YEG trong thời gian qua đang theo quy luật thị trường nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Ngay trong chiều 18/3, công ty đã ban hành nghị quyết mua lại 3,12 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương khoảng 10% số lượng cổ phiếu đã phát hành. Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ khi được UBCK chấp thuận.
Ở mức giá hiện tại, Yeah1 cần phải chi khoảng gần 350 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Các phiên gần đây lượng bán sàn cổ phiếu Yeah1 đều rơi vào khoảng 2-3 triệu cổ phiếu/phiên.
Trước đó, YEG đã phải ký thoả thuận bán lại 100% phần vốn tại ScaleLab, với giá 12 triệu USD cho chủ sở hữu cũ.
Trước đó, hồi đầu tháng 1/2019, Yeah1 đã công bố thương vụ mua lại ScaleLab LLC, với giá tối đa 20 triệu USD. Tuy nhiên, Yeah1 đã nhanh chóng phải buông tay với ScaleLab khi Youtube thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với các đơn vị liên quan đến Yeah1 từ 31/3.
Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ muốn huy động 2.000 tỷ
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tuần qua đã bổ sung nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu/trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược, nhà đầu tư khác.
Năm 2019, Hoa Sen chỉ đặt mục tiêu doanh thu 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 500 tỷ đồng.
Trong đó, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu với lượng vốn cần huy động 500 – 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, Hoa Sen sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị dự kiến là 500 – 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cho thấy doanh thu tập đoàn này tăng 24% lên 34.570 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 409 tỷ, giảm mạnh so với mức 1.331 tỷ đồng 1 năm trước đó.
Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp tăng vọt lên 30.464 tỷ đồng (tăng 28%); chi phí tài chính tăng 40% lên 971 tỷ đồng.
Năm 2019, Hoa Sen chỉ đặt mục tiêu doanh thu 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 500 tỷ đồng.
ACB muốn bán sạch vốn khỏi hãng Kem Thuỷ Tạ
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đăng ký bán 300.000 cổ phiếu, tương đương 10% vốn của Công ty cổ phần Thuỷ Tạ - TTJ để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư và diễn ra từ ngày 20/3 đến 18/4.
Đây là toàn bộ lượng cổ phiếu Thủy Tạ mà ACB nắm giữ. Theo đó sau giao dịch, ACB sẽ không còn là cổ đông của TTJ.
Thủy Tạ là một trong những doanh nghiệp sở hữu thương hiệu lâu đời - kem Thủy Tạ. Tại Hà Nội, kem Thủy Tạ đã có từ năm 1954 tại nhà hàng Thủy Tạ ở bờ Hồ Gươm, tiền thân của Công ty Thủy Tạ.
ACB đăng ký bán toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Thủy Tạ để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Đến nay kết quả kinh doanh cụ thể của năm 2018 vẫn chưa được Thủy Tạ công bố. Tuy nhiên, trước đó, theo kế hoạch, năm 2018, các chuỗi cửa hàng của Thủy Tạ sẽ có hơn 120 tỷ đồng doanh thu tăng 16,5% và thu về 9,5 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 31% so với năm 2017.
Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát
Nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã thực hiện bán 500.000 cổ phiếu Hòa Phát (HPG) để giảm tỷ lệ sở hữu của cả nhóm về dưới mức 4,99%. Điều này có nghĩa, nhóm quỹ này chính thức không còn là cổ đông lớn tại Hòa Phát.
Việc này diễn ra ngay sau khi Hoà Phát công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu lãi giảm mạnh.
Cụ thể, năm 2019, Hoà Phát đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 là 70.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch lãi sau thuế của HPG chỉ là 6.700 tỷ đồng giảm 22% so với cùng kỳ, tương ứng 2.100 tỷ đồng. Nếu đạt kết quả đúng như kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên trong 7 năm, lợi nhuận Hòa Phát sụt giảm.
HPG dự kiến trả cổ tức cho năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong quý 2/2019. Đối với năm 2019, công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức sẽ là 20%.
VinSmart vừa chính thức công bố ra mắt thương hiệu và sản phẩm Vsmart tại Tây Ban Nha.