Sáng 23.3, TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với các DN FDI nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đồng hành với sự phát triển của thành phố.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, quan điểm nhất quán của thành phố là xem đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. "Thành phố khuyến khích đầu tư và đầu tư lâu dài nhưng thành phố cũng không chấp nhận, không hoan nghênh những DN đầu tư làm ăn không chân chính, bất minh, gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại cho thành phố”, Chủ tịch Phong khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đang trao đổi với các DN FDI bên lề hội nghị. Ảnh: H.V
Cũng theo ông Phong, trong cơ cấu đầu tư FDI ở thành phố, các DN thường ưu tiên đầu tư vào bất động sản. Một số DN còn tìm cách đưa vào những công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như chất lượng sống của thành phố.
TP.HCM đã nhận diện được những vấn nạn này, tuy nhiên có cái giải quyết được ngay, có vấn đề thì cần thời gian dài hạn.
Bằng những chính sách đúng đắn, cởi mở TP.HCM luôn là điểm đến hàng đầu cho DN FDI, nhờ đó thành phố đạt được những kết quả nổi bật, thúc đẩy phát triển thành phố. Đầu tư nước ngoài không có thì quy mô GDP giảm 18%, thuế sản phẩm giảm 31%.
Năm 2018, các DN FDI đóng góp hơn 2% trong tổng mức tăng trưởng GDP của thành phố. Hiện thành phố có gần 12.000 DN FDI với vốn đầu tư 438 nghìn tỷ đồng, đóng góp 62 nghìn tỷ vào ngân sách thành phố hàng năm với bình quân 5 tỷ/DN.
Các DN FDI đã giúp giải quyết việc làm cho 670.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp.
Các DN FDI thảo luận tại hội nghị. Ảnh: H.V
Tất cả những thành tự nổi bật trên giúp thành phố phát triển có chiều sâu. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết có những hạn chế nhất định, như tác động lan tỏa từ DN FDI sang DN trong nước còn thấp, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, nhiều DN FDI chưa tuân thủ những quy định pháp luật khi đầu tư vào thành phố.
Về thủ tục đầu tư, trên tinh thần đồng hành cùng DN, theo ông Phong, năm 2017 UBND thành phố đã lập tổ công tác liên ngành về đầu tư do Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng. Tổ này xác định quy mô đầu tư, xây dựng quy trình thẩm định, phê duyệt giảm ít nhất 50% các thủ tục so với hiện hành.
“UBND TP.HCM cũng đã gửi tới quý đại biểu 245 dự án đang kêu gọi đầu tư, ngày 16.4, thành phố sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư, xin mời các Hiệp hội và DN FDI tham gia tìm hiểu và đầu tư”, Chủ tịch Phong kêu gọi.
Liên quan đến vấn đề một số DN FDI nêu việc thanh tra, kiểm tra tổng thể các các dự án có ảnh hưởng môi trường đầu tư hay không? Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, việc rà soát các dự án nhằm xem xét những dự án nào không phù hợp, thành phố cùng hợp tác với DN để điều chỉnh đúng quy định; có những dự án trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ xử lý đảm bảo lợi ích DN trên cơ sở tuân thủ pháp luật… Việc rà soát trên theo ông Phong là không hề ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Việc này cho thấy sự rõ ràng và minh bạch của thành phố, chỉ làm cho uy tín của thành phố tăng lên, không ảnh hưởng đến đầu tư của các DN. |