Trên mảnh đất Tây Nguyên kỳ bí với rất nhiều huyền thoại, sử thi …có những truyền thuyết chỉ nằm trong phạm vi một vùng nhưng mang trong lòng nó là nét văn hóa tâm linh của một tộc người. Làng vua lửa “plơi ơi” là một điển hình như thế.
Gươm thần cầu mưa!
Nằm ở hướng Đông nam cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng hơn 60 cây số, vượt qua đèo Chư Sê và lọt thỏm giữa bốn bề núi đá là một thung lũng xanh tươi. Thung lũng này có cái tên khá lạ, thung lũng Ayun Pa làng Plơi Ơi (xã Ia Ke, huyện Phú Thiện - Gia Lai). Ngọn núi Chư Tao Yang nhỏ bé nằm lặng lẽ bên bờ sông Ayun Pa hiền hòa.
Chư Tao Yang khiêm nhường mang trong mình một huyền thoại, một văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây: Cây gươm thần của Pơ Tao A Pui-một báu vật của Vua lửa. Thanh gươm này được yểm rất kỹ ở trong hang nhờ phép thuật của Vua lửa và người thường không ai có thể thấy được.
Người Jơ rai, qua bao nhiêu thế hệ vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện truyền thuyết ra đời của gươm thần, “Năm ấy, hạn hán kéo dài, sông Pa, sông A Yun cạn kiệt, cây rừng không mọc nổi, muông thú bỏ đi .Người J’rai đói khát phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây Le nấu thành cơm ăn thay gạo…”. Trước tình thế đó hai anh em T’Dia và T’Diêng lấy một hòm đá ở miệng núi lửa Hàm Rồng, để rèn thành một cây gươm là Pơ Tao A Pui. Và họ đưa ra lời nguyền “Ai có được thanh gươm sẽ có thể hô phong hoán vũ”.
“Vua lửa” Rơ Lan Hieo và Kpăbin – người phiên dịch.
Thế nhưng sau khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè , ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng người ta đem thanh gươm nhúng vào máu của nô lệ. Điều kỳ lạ là nó xèo xèo vài cái rồi nguội ngay lập tức. Khi thanh gươm vừa nguội thì anh em T’Dia, T’Diêng vứt xuống sông.
Hay tin, các bộ tộc người trong khu vực đều xuống sông lặn tìm thanh gươm. Người Jơ rai tìm thấy lưỡi gươm, người Lào thấy được chuôi gươm, còn người Kinh giữ vỏ gươm. Truyền thuyết gươm thần của người Jơ rai được nhiều dân tộc công nhận. Người giao tiếp được với gươm thần Pơ Tao A Pui được gọi là vua lửa Pơtao. Với người Jơ Rai vua lửa là vị trí cha truyền con nối nên Gươm thần cũng bảo vật gia truyền.
Ông vua không ngai
Người Jơ rai gọi vua lửa là Pơtao. Thật ra chữ vua ở đây không đồng nghĩa với “vua, chúa” như chúng ta thường nghĩ. Pơtao của người Jơ Rai không có nhiều thực quyền họ cũng đi lên nương làm rẫy, sinh con đẻ cái. Và cũng nghèo như bất cứ người Jơ rai nào.
Quyền hạn của những ông vua này chỉ được thể hiện trong lễ hội cầu mưa. Lúc đó Pơtao sẽ dùng gương thần làm cầu nối giữa người Jơ Rai với thần linh để những vị thần trên trời có thể nghe thấy ước muốn của họ mà ban mưa cho dân bản.
Đêm xuống trong trên sàn nhà, dưới ánh lửa chập chờn gần 20 người Jơ rai vây quanh đống lửa. Đàn ông có, đàn bà có, họ cùng uống rượu. Thứ rượu chua chua cay cay được ủ bằng lá cây rừng, lặng lẽ ngồi nghe vua lửa kể chuyện với “nhà báo” truyền thuyết của dân tộc mình.
Vua lửa Rơ Lan Hieo biết tiếng kinh không nhiều, nói cũng không thật sõi. Kpăbin chàng trai 22 tuổi – người duy nhất biết tiếng kinh đủ để “nghe hiểu” làm người phiên dịch kể chuyện câu chuyện về bản của mình. Những người còn lại tuy không hiểu nhưng họ vẫn chăm chú lắng nghe thỉnh thoảng lại rúc rích cười. Trong ánh mắt là ánh lửa là lửa rạng rỡ, như thứ tình rượu rừng nồng ấm của người Jơ rai.
Kpăbin dịch lại theo lời vua lửa Rơ Lan Hieo. Đời trước vua lửa Hieo là vua lửa Siu A Luynh thuộc đời vua lửa thứ 14. Sau khi Siu A Luynh từ giã cõi trần, người J’rai đã muốn bầu ra một vị vua lửa mới làm nhiệm vụ cầu mưa, gọi gió chăm sóc cho những cánh đồng ở thung lũng Ayun Pa. Vua lửa và kiếm thần vốn một báu vật cha truyền con nối.
Nhưng con trai Siu A Luynh đã bị bắt ở rể ở làng khác. Không thể lên ngôi. Dân làng đã chọn Rơ Lan Hieo , thư ký của Siu A Luynh là vị vua lửa đời thứ 15. Nhưng ông nhất quyết không chịu làm. Hieo bảo “nhà nước đã làm cái thuỷ điện Ayun Pa mang nước đến Plơi Ơi, người J’rai không lo hết nước nữa nên không cần vua lửa”. Phải 10 năm sau khi vua lửa A Luynh mất, nhiều lần thuyết phục của dân làng, cuối cùng Hieo mới nhận lời.
Khi được hỏi về gươm thần Rơ Lan Hieo cho biết Pơ Tao A Pui trước đây để ở ngoài hang đá ở ngọn núi Chư Tao Yang, tức núi đá thiêng. Nay đã được dựng một căn lều ngoài đầu làng và được cất giữ cẩn thận.
Vị “vua” này lý giải: Sở dĩ gươm được cất ngoài làng vừa để tránh sự ô uế của phân trâu, phân bò, đồng thời cũng thể hiện quyền uy của cây gươm sánh ngang với trời đất. Người dân không ai dám động đến cây gươm này. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ các vị vua thì không ai được nhìn Pơ Tao A Pui, mặc dù thỉnh thoảng gươm vẫn được đem ra trong các dịp tế lễ.
Có thể những truyền thuyết về Vua lửa và kiếm thần xuất phát những mong ước lâu đời của người dân nơi đây. Tây nguyên có đến 6 tháng mùa khô, địa hình núi cao, sông dốc nhỏ ,ngắn nên nỗi lo về hạn hán là nỗi lo thường trực nhất của người cộng động các dân tộc ở đây...
Trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Jơ Rai là có thể cầu xin “mưa thuận gió hòa”, để mùa màng tươi tốt, con heo, con bò sinh được nhiều con, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm…
Tuy chỉ mang ý nghĩa tâm linh và thật sự không có thực quyền nhưng tầm ảnh hưởng về tinh thần của Pơ Tao (Vua lửa) đối với người Jơ rai là có thật.
Kpăbin kể tự hào kể về truyền thống hào hùng của dân tộc mình: Đời vua lửa thứ 11 là Siu At thì người Pháp bắt đầu đặt chân lên cao nguyên. Và việc đầu tiên là họ kết thân với những tộc trưởng có thế lực và đặc biệt là vua lửa.
Siu At có một người giúp việc là A Ma Ju. Trong một lần đến sông Hinh (Phú Yên) không may con voi của ông bị đứt xích, phá rẫy của người Kinh. Những người Kinh đã bắt cả voi và người đưa về sông Cầu để Pháp xét xử. Viên quan người Pháp ra điều kiện sẽ cho A Ma Ju về nếu ông sắp xếp để họ được gặp vua lửa.
Đến ngày hẹn, Siu At cho làm gà và mở rượu ghè đón khách như phong tục của người J’rai. Nhưng cả buổi đó, viên quan Pháp chỉ đòi được xem thanh gươm thần. Hắn âm mưa lấy bằng được gươm thần để thu phục các dân tộc Tây Nguyên.
Hành động của người Pháp đã làm người J’rai nổi giận, những thanh niên đã rút gươm chém đứt đầu viên quan Pháp. Lính Pháp từ Tuy Hoà đã tiến tới bao vây và bắt vua lửa về giam tại nhà giam Sông Cầu và tàn phá các làng của xã A Yun Hạ.
Để cứu vua, 6 thanh niên tham gia vào vụ việc là A Bô, Djon, Blen, Chon, Đăm Đoa và Đăm Aloa đã ra chịu nộp mạng. Người Pháp đã giết 6 thanh niên J’rai ưu tú này tại chân cầu Rơi. Thái độ bất hợp tác của vua lửa Siu At và cái chết thảm khốc của thanh niên J‘rai đã tác động mạnh đến tâm lý và tình cảm của người dân các dân tộc Tây Nguyên.
Sau này Siu At cùng với những vị vua kế tục ông đã tổ chức các cuộc di dân, lập căn cứ chống Pháp. Người Pháp không ngờ, ở tận nơi “rừng rú” này họ lại vấp phải sự chống cự quyết liệt đến vậy.
Ngày nay thủy điện Ayun Pa đã cung cấp nước cho Plơi Ơi suốt 4 mùa. Nỗi lo hạn hán, mất mùa, đói kém của người Jơ Rai đã lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng những Pơ Tao A Pui như Rơ Lan Hieo vẫn là báu vật sống trong việc lưu giữa truyền thống văn hóa của người Jơ rai.