Một quyết định quan trọng của Apple đã đưa nhà cung cấp màn hình LCD Japan Display rơi vào tình trạng lao đao. “Nhà Táo” và nhà cung cấp này vốn đã từng “bắt tay” với nhau trong một thời gian dài.
Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2015, khi Apple iPhone 6 và iPhone 6 Plus mang thiết kế mới và màn hình LCD lớn hơn cho người dùng iPhone, Japan Display đã bắt đầu xây dựng một nhà máy mới ở giữa đất nước Nhật Bản. Trích dẫn nguồn tin từ Japan Display, trang tin Reuters cho hay Apple đã đầu tư cho công ty 1,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới, được hoàn trả từ số tiền mà Japan Display sẽ nhận được từ việc bán màn hình của mình.
iPhone Xr năm ngoái với màn hình LCD.
Tuy nhiên, quyết định của Apple chuyển sang màn hình OLED cho iPhone X năm 2017 và iPhone XS và iPhone XS Max năm ngoái đã khiến cơ sở mới chỉ hoạt động được khoảng 50% công suất. Thậm chí, chiếc iPhone XR giá cả phải chăng hơn có màn hình LCD 6,1 inch được dự đoán “bán chạy” lại có doanh số ì ạch.
Với thời lượng pin tốt nhất được tìm thấy trên bất kỳ iPhone nào, được tích hợp chip xử lý A12 Bionic mạnh mẽ và camera sau đơn nhưng vẫn tạo ra những bức ảnh nổi bật, iPhone XR đã gây được tiếng vang lớn. Nhưng một số điều nằm ngoài sự kiểm soát của Apple đã khiến hãng giảm doanh số bán thiết bị, làm tổn thương Japan Display.
Do chênh lệch tỷ giá đồng USD Mỹ so với Nhân dân tệ Trung Quốc, để duy trì lợi nhuận của mình, tại Trung Quốc, Apple ban đầu phải định giá iPhone XR cao hơn so với các điện thoại cao cấp hơn như Huawei Mate 20 Pro. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế của đất nước. Cuối cùng, việc bắt giữ Giám đốc tài chính - CFO của Huawei ở Canada đã dẫn đến một cuộc "tẩy chay" không chính thức đối với các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc.
Và bây giờ, tương lai cho Japan Display có vẻ ảm đạm hơn bao giờ hết. Công ty vẫn còn nợ Apple số tiền 1,5 tỷ USD mà “gã khổng lồ” công nghệ đã ứng ra để giúp nhà cung cấp của mình xây dựng nhà máy mới. Một trong những nguồn tin nội bộ công ty cho biết quyết định xây dựng nhà máy mới chỉ đúng đắn vào thời điểm đó. Khi nhìn nhận lại, việc xây dựng nhà máy mới là không cần thiết. Japan Display có được sự nổi tiếng nhờ Apple trong khi “Táo Khuyết” sản xuất được iPhone từ nhà máy mới.
Japan Display đang hy vọng sẽ nhận được một khoản tài trợ tài chính từ một công ty đầu tư Trung Quốc
Điều làm Japan Display trở nên thê thảm hơn là công ty đã đưa ra quyết định mở rộng sang màn hình OLED quá muộn. Và màn hình LCD của hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Ví dụ, trong khi năm 2015, Japan Display cung cấp khoảng 33% màn hình LCD cho smartphone của Huawei. Giờ đây, con số đó đã giảm xuống còn 4% do màn hình cải tiến được sản xuất bởi các "đối thủ" Trung Quốc như BOE Technology và Tianma Microelectronics.
iPhone Xs Max, iPhone Xs, iPhone X và iPhone 8.
Bị “bỏ đói”, Japan Display đang cố gắng thực hiện một thỏa thuận với vốn đầu tư của Silkroad Investment Capital (một công ty của Trung Quốc). Đổi lấy phần lớn cổ phần của Japan Display, Silkwood sẽ đầu tư 500 triệu đến 700 triệu USD vào công ty. Tập đoàn sau đó sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình OLED ở Trung Quốc bằng công nghệ của Japan Display.
Japan Display không phải là công ty duy nhất trong chuỗi cung ứng của Apple thu về lợi nhuận lớn nhờ doanh số bán hàng iPhone 6 (lên tới 100 triệu đơn vị). Việc cung cấp linh kiện cho chỉ một mô hình với khối lượng lớn sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” nhưng đồng thời các công ty cũng phải đối mặt với rủi ro và biến động rất lớn.
Có tin đồn cho rằng Apple sẽ sử dụng màn hình OLED trên cả ba chiếc iPhone 2019 sắp ra mắt, dự kiến sẽ mang kích thước màn hình giống như các mẫu iPhone hiện tại. Tuy nhiên, tin tức mới nhất từ nhà phân tích hàng đầu của Apple - Ming Chi Kuo lại cho biết chỉ iPhone XI và iPhone XI Max có màn hình OLED trong khi iPhone XR (2019) sẽ vẫn dùng màn hình LCD.
Apple đang rơi vào tình trạng đáng lo ngại khi doanh số bán iPhone của hãng giảm mạnh tại quốc gia đông dân nhất thế giới.