Học “ké” trong nhà văn hóa thônMột ngày cuối tháng 9, phóng viên NTNN có mặt tại nhà sinh hoạt văn hóa thôn Bản Long, xã vùng ven biển Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nơi đang trở thành lớp mẫu giáo của trẻ trong thôn.
Trẻ em đang học ké trong nhà sinh hoạt văn hóa thôn Bản Long, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Cô giáo Bùi Thị Gái - dạy lớp mẫu giáo thôn Bản Long tâm sự: “Lớp có 24 trẻ. Mấy năm trước, chúng tôi tổ chức lớp ở điểm trường phía sau UBND xã Tam Tiến, nhưng lâu ngày trường bị xuống cấp, hư hỏng, không thể tiếp tục học. Ở đây chưa có bảng để viết, chúng tôi đành mượn luôn tấm bảng của nhà văn hóa. Bàn ghế thiếu trầm trọng, chúng tôi phải đi xin của phụ huynh mới có để các em ngồi. Nhiều lúc đang dạy học, nhưng thôn có việc họp đột xuất, cô và trò đành dừng lại nhường chỗ cho bà con họp, khi họ họp xong lại học tiếp”.
Cũng theo cô Gái, lớp học mượn nên không thể tổ chức bán trú cho các bé. Vì vậy, sáng phụ huynh đưa con em đến trường, trưa đến đón về, chiều lại đưa đến lớp… Nhiều gia đình bố mẹ bận làm ăn, không thể đưa đón được nên đành cho con nghỉ.
69 học sinh/lớp Trường Mầm non Quảng Hưng (phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa), là trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2009. Toàn trường có 380 cháu của 7 nhóm lớp, trung bình khoảng 55,1 cháu/lớp. Đặc biệt, lớp Hoa Cúc (mẫu giáo nhỏ) có sĩ số 69 trẻ, trong khi đó chỉ có 3 cô chăm sóc. Các lớp còn lại cũng dao động từ 54 – 56 cháu. “Thời gian tới, nhu cầu ra lớp của các cháu vẫn còn rất cao. E rằng kỷ lục 69 cháu/lớp sẽ bị phá”- cô Nguyễn Thị Tuyết – Hiệu trưởng nói. Hoài Thu- Hồng Đức
|
Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết: “Xã có 12 thôn, có 3 cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học. Nhưng cấp mẫu giáo là thiếu trường học trầm trọng nhất. Toàn xã có đến 359 em đang học mẫu giáo, nhưng chỉ có một điểm trường chính Trùng Dương, còn lại phụ thuộc vào những lớp học thôn. Trong đó, thôn Diêm Trà chưa có lớp học mẫu giáo.
Học sinh ở thôn này đi học ghép với các thôn còn lại. 4 thôn khác có học sinh nhưng không có lớp nên phải mượn nhà văn hóa để dạy, đó là các thôn Bản Long, Long Thạnh, Tân Lộc và Phước Lộc. Địa phương còn hơn 100 em ở độ tuổi 4, đã đến tuổi ra lớp mẫu giáo nhỏ, nhưng do thiếu trường nên các em này chưa được đi học”.
Ông Giúp cũng cho biết thêm: Trước năm học mới, huyện Núi Thành cũng có hứa sẽ xây dựng nơi bán trú cho học sinh mẫu giáo ngay tại điểm trường chính Trùng Dương trong hè. Nhưng đến nay đã vào năm học mới mà vẫn chưa thấy xây dựng.
Nhiều trẻ mất cơ hội học tậpTại Bình Phước, tình trạng học ghé tạm bợ cũng xảy ra ở nhiều xã. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Phước thừa nhận: “Các địa phương còn thiếu phòng học và thiếu bếp ăn đã phải mượn nhà văn hóa thôn, ấp và sử dụng thêm nhà công vụ”. Hiện tại, ngành GDĐT tỉnh Bình Phước đang phải “gồng mình” để hoàn thành nhiều chỉ tiêu về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, theo chỉ tiêu mà UBND tỉnh giao thì trong năm học 2013-2014, ngành giáo dục phải công nhận mới 24 trường chuẩn (mầm non 4 trường; tiểu học 7 trường; THCS 7 trường và THPT 6 trường). Tuy nhiên, với tình trạng thiếu phòng học và thiết bị dạy học như hiện nay, đây là mục tiêu khó. “Đây là vấn đề nan giải trong năm học mới mà cho đến nay, địa phương vẫn chưa có giải pháp giải quyết”- ông Hùng nói.
Theo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT), năm học này, cả nước còn 365/11.124 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non; 2.879 thôn, bản chưa có nhóm, lớp mầm non, tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An, Hòa Bình… Cả nước vẫn còn 12.530 phòng học nhờ, mượn (chiếm 8,4%). Vì thiếu phòng học, nhiều nơi số trẻ trong độ tuổi mầm non được tới lớp chỉ đạt 18-20%.
|
Trường Mầm non xã Kim Tân (Kim Sơn, Ninh Bình) còn rơi vào tình cảnh 400 học sinh và giáo viên phải học nhờ tại 6 điểm khác nhau trong xã, trong đó có 2 nhà văn hóa, 1 điểm học nhờ trường THCS, 1 điểm mượn chốt tiền tiêu của bộ đội biên phòng, riêng Ban Giám hiệu thì phải mượn tạm nhà dân làm văn phòng.
Lãnh đạo trường này cho biết: Do trường cũ được xây dựng từ những năm 1980 đã xuống cấp trầm trọng mà xã chưa có điều kiện xây mới nên học sinh phải học nhờ từ năm học 2010 – 2011. Đi học nhờ như vậy rất thiệt thòi cho các em do thiếu môi trường sư phạm, điều kiện cơ sở vật chất, điện nước đều tạm bợ và thiếu thốn.
Tại Yên Bái, thống kê của Sở GĐĐT, chỉ riêng cấp học mầm non hiện nay cả tỉnh còn thiếu 316 phòng học. Ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở cho biết: Để có đủ chỗ học cho trẻ, ngành giáo dục phải mượn các nhà văn hóa thôn bản, thuê nhà dân và các nhà công vụ khác làm lớp học.
Cũng theo ông Hưng, vì thiếu trường lớp mà việc phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi của tỉnh phải xin phép điều chỉnh chậm lại 1 năm (trước dự kiến hoàn thành năm 2014). Nhiều vùng còn không dám nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi để ưu tiên lớp học cho các trẻ lớn hơn.