Dân Việt

U Ra - vùng đất xa ngái - Kỳ 1: Mơ một cây cầu

01/03/2012 14:57 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm bên sông Nậm Na và cách trung tâm huyện Phong Thổ (Lai Châu) chưa đầy 10 cây số, nhưng không có cầu qua sông, thiếu đường, thiếu trường lớp học... nên bản U Ra thuộc xã biên giới Huổi Luông thật xa xăm, heo hút.

Qua sông bằng cáp treo

11 giờ 30 phút, Lý Phủ Lìn- người lái đò bản U Ra đang nằm vắt chân ngủ trong chiếc lán nhỏ bên ven dòng sông Nậm Na thì bị tiếng gọi đò làm tỉnh giấc. Anh bật dậy, chạy như lao xuống bến, hì hục tháo neo và đẩy đò vượt sông. Khoảng 15 phút sau, đò quay lại bến, với 4 trẻ em, 1 người lớn và một chiếc xe máy. 3 trong 4 trẻ em trên là học sinh của bản U Ra đang theo học ở Trường THCS xã Ma Ly Pho bên kia sông. 2 người còn lại là dân bản vừa đi thị trấn Phong Thổ về.

img
Không có cầu, người dân phải chuyển nông sản qua sông bằng cáp treo.

Đò gác bến, Lý Phủ Lìn lại trở về với chiếc lán nhỏ khi đồng hồ đã chỉ đúng 12 giờ trưa. Anh bảo: Hôm nay là ngày em trực đò nên phải đợi một lúc nữa để đưa các thầy cô giáo dạy ca sáng trong bản tan trường qua sông. Nếu giờ có về cũng chỉ kịp ăn cơm rồi lại phải ra ngay vì đầu giờ chiều lũ trẻ lại phải qua sông đến trường, các thầy cô cũng phải vào bản dạy. Lại còn mấy người trong bản đi chợ sáng nay chưa về... Mình phải trực để khi họ về còn có người đưa qua sông chứ.

U Ra là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao từ nhiều năm nay. Muốn vào bản bằng đường bộ thì chỉ có duy nhất con đường dân sinh vòng vèo dài tới 36km và cũng chỉ đi được vào mùa khô, còn mùa mưa thì chỉ lội bùn một quãng vài chục mét là đã toát mồ hôi hột.

Chính vì vậy mà bến đò trở thành phương tiện hữu hiệu để qua sông. Tuy nhiên những lúc nước lớn quá thì đò cũng đành chịu vì nước chảy xiết lắm. Đắm đò mùa mưa thì khó mà thoát chết... Với lại đò cũng chỉ vận chuyển được số lượng có hạn, chủ yếu là con người, còn hàng hoá nặng thì phải đi cáp treo.

Theo lời anh Lìn thì cái cáp treo ở đây là do dân bản và một số tư thương hay mua hàng hoá của bản góp sức làm ra, trị giá hơn chục triệu đồng. Muốn bán nông sản, bà con chỉ việc buộc chặt hàng hoá lên một tấm gỗ ván và thả cho chạy qua sông nhờ cái ròng rọc chạy trên một thanh sắt phi 12. Qua được sông là giá nông sản đã tăng lên, tương đương với giá thị trường.

Hết vụ thu mua nông sản, tư thương giao lại cáp treo và đò cho bản quản lý, sử dụng. Dân bản phân 1 hộ trực cáp treo, còn đò chia nhau mỗi nhà trực 1 ngày, hết vòng lại quay lại từ đầu. Ai trực đò phải lo đưa đón chu đáo, an toàn mọi người trong và ngoài bản khi muốn qua sông Nậm Na và không được thu phí của khách.

Bên chân cột cáp treo phía bản U Ra có ngôi nhà nhỏ của ông Phàn Tờ Pao- người được bản giao bảo quản và vận hành đường dây cáp treo. Ông bảo: Đường cáp này là huyết mạch vận chuyển ngô, lúa của dân bản qua sông để bán cho thương lái. Khi nào có cầu qua sông thì tôi mới thôi không phải trực ở đây nữa". Nói rồi ông Pao cùng 2 thanh niên khác vần 2 bao ngô lên tấm ván và thả dây cho ròng rọc cõng hàng chạy tự do trên cáp.

Chưa đầy nửa phút sau, 2 bao ngô đã sang đến bờ sông bên kia và được 2 thanh niên đón sẵn bên đó chuyển vào vị trí tập kết. Theo ông Pao thì khi vào vụ thu hoạch nông sản, có ngày đường cáp này vận chuyển đến 5- 6 chục tấn ngô qua sông. Ngay trong buổi sáng hôm nay, gần hai chục tấn ngô của gia đình ông cũng đã được đưa qua sông bằng cách đó.

Rùng mình vượt Nậm Na

Đầu năm 2011, có 4 giáo viên về bản U Ra nhưng ngồi chờ đò mãi mà không thấy người chèo. Sợ muộn tiết dạy nên các thầy tự lấy đò vượt sông. Đến giữa sông, do nước chảy mạnh nên đò bị mất lái trôi ào ào xuôi dòng; rất may một số người dân phát hiện đón phía dưới hạ lưu nên cứu được. Tuy không có giáo viên nào bị Hà Bá nuốt chửng nhưng với các giáo viên ở đây thì chuyện vượt sông bằng đò đã để lại bài học nhớ đời.

Một vụ đắm đò vẫn làm người dân bản U Ra chưa hết bàng hoàng là vụ xảy ra cuối chiều ngày tết Trung thu 2010. Khi ấy, 5 người dân trong bản sang đò về nhà, do nước chảy mạnh và đò chở quá tải nên bị lật. Hai người đàn ông bị cuốn trôi cùng hai xe máy, còn 3 người biết bơi nên thoát chết. Mọi người tìm kiếm nhưng chỉ thấy được xác của anh Tẩn Vần Ngan (38 tuổi); còn người kia đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông.

Con đò này là phương tiện chung của bản nhưng những người điều khiển đò cũng chưa được chính quyền cấp giấy phép điều khiển; áo phao và phao cứu hộ không có. Tuy nhiên hàng ngày đò vẫn cứ xuất bến đều đều vì nếu không thì làm sao thầy cô giáo đến được U Ra và làm sao người U Ra có thể rời khỏi bản...

Hàng ngày đò vẫn cứ xuất bến đều đều vì nếu không thì làm sao thầy cô giáo đến được U Ra và làm sao người U Ra có thể rời khỏi bản...

Phải hì hục mãi chúng tôi mới đưa được xe máy lên đò để vượt Nậm Na. Con đò nhỏ bé khi ra đến giữa dòng nước thì liên tục tròng trành đến nỗi tôi và mấy người bạn cùng nổi da gà. Cũng may là bà con đã căng thêm 1 sợi dây chạc bé tẹo để người đi đò có thể bám vào đó. Sợi chạc đã nhỏ lại bị dầm mưa nắng nhiều nên cũng ải mục...

Anh Lìn chỉ vào sợi dây, bảo chúng tôi: "Các anh bám vào sợi dây này kéo hộ để em chèo nhé. Yên tâm, dây mới thay có hơn tháng thôi, chưa đứt được đâu”. Tôi làm theo lời anh lái đò mà vẫn thấy rợn hết cả tóc gáy khi trong đầu thoáng hiện lại những câu chuyện đắm đò vừa nghe kể từ anh lái đò. Rời đò lên bờ mà tôi vẫn còn thấy run run. Mới thấy mơ ước có 1 cây cầu của anh Lìn, ông Pao và dân bản U Ra thật cháy bỏng...

Kỳ 2: Những con chữ nhọc nhằn