Dân Việt

La Quán Trung đã "dìm hàng" Lưu Bị như thế nào trong Tam quốc?

Thanh Xuân 26/03/2019 08:32 GMT+7
Trong Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Lưu Bị là người nhân nghĩa nhưng nhu nhược, chẳng có tài cái gì đặc biệt nhưng trên thực tế, Lưu Bị của chính sử, lại là một nhân vật hoàn toàn khác. Thậm chí có thể nói ông sở hữu những phẩm chất xuất sắc của một bậc đế vương!

Lưu Bị (161-223) hay còn gọi là Hán Chiêu Liệt Đế, là thủ lĩnh số một - hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

img

Hán chiêu Liệt đế Lưu Bị trong tranh cổ Trung Hoa.

Tay trắng làm nên đại nghiệp

Lưu Bị là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này, La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái nhưng có phần nhu nhược, không có tài năng đặc biệt, nhờ may mắn có các cận thần tài giỏi mà ông mới dựng được cơ nghiệp.

Trên thực tế, ghi chép của bộ chính sử Tam quốc chí cho thấy Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình. Đương thời, ngay cả đệ nhất “tập đoàn Ngụy” Tào Tháo cũng đánh giá Lưu Bị rất cao, coi ông là đối thủ số 1 phân tranh thiên hạ.

Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có cơ sở nhất định (tài sản, uy danh gia tộc) để “làm vốn” trên đường gây dựng phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tuy danh nghĩa dòng dõi nhà Hán nhưng ông xuất thân bần hàn, thuở nhỏ phải đan giày cỏ kiếm sống. Vì thế, quá trình phát triển thế lực của Lưu Bị trong thời loạn cũng vất vả, gian truân hơn. Tuy vậy, ông vẫn kiên định, không nản lòng, tỏ ra có chí khí lớn, để rồi tay trắng làm nên cơ nghiệp.

img

Xuất thân nghèo khó nhưng Lưu Bị tay trắng làm nên đại nghiệp Thục Hán

Vì La Quán Trung chủ ý hư cấu, đôi khi “dìm hàng” Lưu Bị vì vậy nhiều sách lược xuất sắc cùng chiến tích quân sự của Lưu Bị thường được gắn cho nhân vật khác. Do ảnh hưởng từ bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, nhiều người cho rằng thành quả của Lưu Bị  đều là nhờ công tướng sỹ dưới quyền. Tuy nhiên, theo bộ chính sử Tam Quốc chí, thì hoàn toàn ngược lại. Lưu Bị không những nhiều lần tự cầm quân ra trận mà còn thắng nhiều trận lẫy lừng.

Tự mình cầm quân, thắng nhiều trận lớn

Khi mới tạo lập sự nghiệp, Lưu Bị ở dưới quyền Hiệu úy Trâu Tĩnh, ông tác chiến với quân Khăn Vàng mấy trận đều thắng lợi, và được phong làm Huyện úy An Hỉ (thuộc nước Trung Sơn). Không lâu sau đó, Lưu Bị từng cầm quân đánh tan dư đảng Khăn vàng, giải vây cho Thái thú Khổng Dung.

Năm 193, Tào Tháo mang đại quân đánh Từ Châu để báo thù cho cha Tào Tung. Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân có hơn 1000 quân cùng các lính ô hợp người Ô Hoàn ở U châu, thu dụng thêm vài ngàn dân đói nhập ngũ và vài ngàn quân của Đào Khiêm, tổng cộng chưa đầy 1 vạn binh. Dù vậy, Lưu Bị vẫn cùng tướng của Tào Khiêm là Tào Báo cố thủ thành công ở Viêm Thành.

img

Theo chính sử, Lưu Bị là tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc chứ không phải "kẻ ngồi không, chẳng tài cái gì" như mô tả trong Tam Quốc diễn nghĩa

Năm 199, Viên Thuật thế cùng, muốn chạy lên Hà Bắc theo Viên Thiệu. Lưu Bị cùng Quan Vũ và Trương Phi mang 1.000 quân, chiêu nạp thêm vài ngàn nạn dân, đã đánh bại mấy vạn quân Viên Thuật ở đường lớn Từ châu.

Năm 200, Tào Tháo đại thắng Viên Thiệu ở Quan Độ. Được đà, Tào Tháo sai Sái Dương đi đánh Nhữ Nam. Lưu Bị mang quân ra địch, đánh tan quân Tào của Sái Dương.

Năm 204, Lưu Biểu theo đề nghị của Lưu Bị, sai ông mang quân từ Tân Dã tiến đánh Tào Tháo, ông đánh huyện Diệp không nổi phải rút lui. Hạ Hầu Đôn mang quân truy kích, Lưu Bị đặt phục binh ở gò Bác Vọng, đánh bại 2 tướng giỏi của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm, bắt sống bộ tướng của Hạ Hầu Đôn là Hạ Hầu Lan.

Mùa hè năm 214, Lưu Bị đem quân đánh chiếm đất Thục. Lưu Bị tự cầm một cánh quân (cánh còn lại do Quân sư Bàng Thống chỉ huy), đánh bại và bắt sống Trương Nhiệm, sau đó xử trảm đại tướng của Lưu Chương.

img

Ảnh hưởng của tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa khiến đời sau đánh giá sai lầm về Lưu Bị rất nhiều

Đỉnh cao trong các trận đánh mà Lưu Bị đích thân cầm quân ra trận chính là trận chiến Hán Trung với Tào Tháo. Năm 218, Lưu Bị cùng mưu sĩ Pháp Chính khởi 10 vạn quân tới Hán Trung. Lưu Bị đóng quân hạ trại tại núi Định Quân, cho quân mai phục ở phía sau đỉnh núi này, đánh thắng và giết chết tướng giỏi của Tào là Hạ Hầu Uyên.

Tào Tháo được tin Hạ Hầu Uyên tử trận, đích thân mang đại quân từ Trường An đến quyết chiến. Lưu Bị thấy Tào Tháo mất nguồn lương tại chỗ, phải vận nhiều lương từ xa đến, bèn phái binh đi cướp lương thảo rồi sau đó giữ chặt thế phòng thủ, nhất quyến không giao chiến.

Qua hơn 1 tháng khiêu chiến bất thành, quân Tào bắt đầu mệt mỏi và nản chí. Tới lúc ấy, Lưu Bị sai người lọt vào hàng ngũ quân Tào làm nội ứng, phao tin đồn khiến quân Tào rối loạn. Tào Tháo liệu thế không thể thắng được Lưu Bị, đành lui quân. Toàn bộ Hán Trung đã thuộc về Lưu Bị sau trận này.

Nhưng bị  La Quán Trung “dìm hàng” thậm tệ

Đấy là những chi tiết lịch sử có thật cho thấy tài năng quân sự không-tầm-thường của Lưu Bị, người được tác giả pho sử Tam Quốc Chí – Trần Thọ đánh giá ““Tiên Chủ là người cương nghị khoan hoà nhân hậu, hiểu lòng người kính kẻ sĩ, có phong độ của Hán Cao Tổ, có khí chất của bậc anh hùng. Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy”.

img

Nhiều mưu lược, quyết sách xuất sắc của Lưu Bị được La Quán Trung "ghi công" cho Gia Cát Lượng

Đáng nói, do đề cao Gia Cát Lượng và Thần thánh hóa quá mức Quan Vũ, La Quán Trung cũng nhiều lần phủ nhận cái tầm của Lưu Bị và gán nhiều thành tích của ông cho 2 nhân vật kể trên. Đầu tiên là việc La Quán Trung viết Quan Vũ giết chết Sái Dương trong trận chiến ở Nhữ Nam cuối năm 200 trong khi Lưu Bị mới là người chém viên tướng này của Tào.

Ngay cả việc Lưu Bị một mình một thuyền tới gặp Chu Du trước trận Xích Bích để gắn kết liên minh Tôn – Lưu năm 208 cũng “được” La Quán Trung chế thành tích “Quan Vũ đơn đao phó hội” gặp Lỗ Túc năm 215. Ngay cả kế Hỏa thiêu gò Bác Vọng đánh lui quân Tào vốn một tay do Lưu Bị thực hiện từ trước khi Gia Cát Lượng về dưới trướng mình cũng “được” Tác giả họ La biến thành diệu kế của Khổng Minh.

Thất bại của Lưu Bị ở trận Di Lăng năm 222, do nóng vộ báo thù cho Quan Vũ mà mắc nhiều sai lầm dẫn tới dính phải kế hỏa công của Lúc Tốn, dưới ngòi bút của La Quán Trung cũng bị phóng đại quá mức. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết Lưu Bị dẫn tới 70 vạn đại quân đánh Ngô trong khi trên thực tế Bị chỉ mang 4 vạn quân, tức ít hơi cả lực lượng đối thủ (5 vạn).

img

Ngay cả Võ Thánh Quan Vũ cũng được La Quán Trung hư cấu dựa trên nhiều chiến tích của Lưu Bị

Tóm lại, Lưu Bị là người dạn dày kinh nghiệm trận mạc, đích thân cầm quân hàng chục trận và giành không ít thắng lợi. Ông không chỉ là nhân nghĩa, đức độ mà còn là người sáng suốt, biết thấu tim gan người khác, rất giỏi dụng nhân. Về điểm này, Lưu Bị tỏ ra còn hơn cả Tào Tháo (nhiều tướng của Tào Tháo đã làm phản sau khi ông qua đời, trong đó nổi bật nhất là Tư Mã Ý).

Sự ủy thác Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng cho thấy ông đã chọn đúng người phụ chính cho con nhỏ. Trước lúc lâm chung ông cũng nhìn ra giới hạn năng lực của Mã Tốc và khuyên Gia Cát Lượng không nên quá trọng dụng vì Tốc là người hay nói quá sự thật. Thực tế sau này chứng minh nhìn nhận của ông về con người đều chính xác.