Trong thời gian gần đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã liên tục thông báo ra quyết định xử phạt hành chính trong chứng khoán và lĩnh vực chứng khoán đối với các cá nhân, tổ chức. Mức phạt được đưa ra từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, gây “sốc” nhất là việc Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường đối với cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận, xảy ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Cụ thể, bà Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Thuận và cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán VSM đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra – Công An Tp Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can ngày 21/3/2019 và đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ hình sự đối với bà Phạm Thị Hinh về tội thao túng thị trường. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra – Công An Tp Hà Nội đang tiếp tục điều tra vụ án.
Nhìn lại diễn biến cổ phiếu KSA trước khi bị hủy niêm yết
Cổ phiếu KSA chính thức niêm yết trên sàn HSX vào ngày 27/7/2010 với giá tham chiếu 60.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu này lập tức lao dốc xuống quanh vùng giá 5000 đồng – 6000 đồng vào khoảng cuối năm 2011 và bắt đầu trồi sụt quanh ngưỡng 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tháng 4/2015, bà Phạm Thị Hinh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của KSA.
Kể từ khi niêm yết, KSA đã tăng vốn điều lệ từ mức 128,688 tỷ đồng lên đến hơn 934 tỷ đồng. Cụ thể, lần tăng vốn đầu tiên là tháng 10 năm 2011, KSA phát hành thêm 2.573.759 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Kể từ khi lên sàn vào 2010, KSA đã tăng vốn khủng gấp nhiều lần. Ảnh minh họa
Tháng 9/2013, KSA tiếp tục chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1,2, tổng lượng cổ phiếu phát hành là 18.531.070 cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu KSA lúc này chỉ quanh mức 7.500 đồng/cổ phiếu và lượng đặt mua đến hạn chỉ vỏn vẹn hơn 2.600 cổ phiếu. Sau đó, KSA bất ngờ thông báo phân phối hết lượng cổ phiếu này cho 3 tổ chức và 12 cá nhân. Đáng chú ý, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch KSA thời điểm đó) mua hơn 5,5 triệu cổ phiếu mặc dù trước đó ông Dũng đã từ bỏ quyền mua cổ phiếu này dưới tư cách cổ đông hiện hữu.
Tháng 6/2014, KSA tiếp tục phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10:1, tổng lượng cổ phiếu niêm yết thêm trong lần này là 3.397.135 cổ phiếu.
Lần tăng vốn cuối cùng là năm 2015 khi bà Phạm Thị Hinh làm Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, KSA lại phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:3. Với thị giá trên dưới 5000 đồng/cổ phiếu, KSA tiếp tục thất bại khi chỉ có 1,22 triệu cổ phiếu được bán ra và ế hơn 54,8 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó bất ngờ có hai tổ chức là CTCP VFI Việt Nam và CTCP Tư vấn đầu tư Sài Gòn Năng Động đặt mua lần lượt là 10 triệu và 20 triệu cổ phiếu. Như vậy, KSA một lần nữa hoàn thành tăng vốn lên mức 934,3 tỷ đồng, gấp 2,5 lần.
KSA khi đó còn định tăng vốn thêm một lần nữa khi Đại hội cổ đông 2015 đã thông qua việc phát hành 11 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và vốn điều lệ sẽ tăng lên 1044 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã không thực hiện được.
Mặc dù tăng vốn ồ ạt lên mức ngàn tỷ đồng, lợi nhuận của KSA lại liên tục đi xuống. Năm 2015, công ty này báo lợi nhuận vỏn vẹn 5,7 tỷ đồng; còn năm 2016 con số này là 6 tỷ đồng. Từ năm 2016, giá cổ phiếu KSA chỉ còn quanh mức 2000 đồng/cổ phiếu.
Đến ngày 10/5/2018, HOSE đã quyết định đưa cổ phiếu KSA vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/5/2018 do Công ty này liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin (chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2017, báo cáo thường niên năm 2017, họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên…) và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Từ ngày 2/8/2018, KSA bị huỷ niêm yết trên HOSE, khi mức giá chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu.
Các vụ thao túng giá chứng khoán thường chủ yếu bị xử lý hành chính, ít khi bị khởi tố hình sự.