Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, ông Tấn đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm truyền thống Hương Biển với nhiều sản phẩm làm từ cá cơm của miền biển Phú Quốc.
Xuất thân nghèo khó, từ năm 12 tuổi ông Tấn phải đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống. 20 tuổi, ông mua nước mắm về bán sỉ, rồi cân cá cơm bán lại cho các hãng nước mắm. Tìm tòi, ông học được cách ủ chượp nước mắm truyền thống, nên năm 2007, ông quyết định về quê bắt tay làm nước mắm.
Ông Tấn đã chọn nghề làm nước mắm truyền thống để gắn bó dù trải qua nhiều thăng trầm. Ảnh: NQ.
Ông Tấn chọn làm nước mắm từ cá cơm ủ trong thùng gỗ với muối theo phương pháp ủ chượp truyền thống. Sau 12 tháng ủ, mẻ nước mắm đầu tiên với 3.500 lít nước mắm thành phẩm ra đời.
Suốt mùa nguyên liệu đánh bắt cá cơm (từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch), khi tàu cá về, bất cứ thời điểm nào ông cũng đích thân ra tận cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành) để kiểm tra cá cơm và thu mua trực tiếp, rồi dùng 3 chiếc ghe lớn vận chuyển cá về hãng.
Để có nước mắm ngon, ông Tấn cho biết, nguyên liệu phải là cá cơm tươi, muối phải lấy từ vùng Bạc Liêu. Cá và muối được ướp kỹ theo tỷ lệ 3 cá 1 muối, để trong các thùng ghép bằng gỗ bời lời, chịu được độ mặn và không bị rỉ nước. |
Những ngày đầu, đích thân ông Tấn phải đến từng đại lý trong và ngoài huyện để mời dùng thử. Sau thời gian kiên trì chào hàng, một vài đại lý quyết định đặt hàng.
Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu, toàn bộ mẻ nước mắm đầu tiên đã được tiêu thụ hết. “Nghề nước mắm rất cực công, cả quá trình làm ra sản phẩm và con đường tiêu thụ đều không phải dễ” - ông Tấn chia sẻ.
Chân ướt chân ráo vào nghề, ông Tấn vấp phải không ít khó khăn. Đa phần đại lý lấy hàng đều không trả tiền ngay mà yêu cầu được lấy hàng trả tiền theo hình thức gối đầu. Nguồn vốn thu hồi chậm, cộng với giá cá cơm nguyên liệu lúc bấy giờ tăng cao, trong khi các loại nước chấm công nghiệp tràn ngập thị trường với giá rẻ, đã khiến việc sản xuất và kinh doanh nước mắm của gia đình ông Tấn đứng trước thách thức lớn.
Ông Tấn bộc bạch: “Không nhiều vốn như các doanh nghiệp lớn, cũng không thể hạ giá bán để cạnh tranh với các dòng nước chấm công nghiệp, hãng nước mắm của gia đình buộc phải ngưng sản xuất”.
Hiện nay cơ sở nước mắm của ông Tấn, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang sản xuất khoảng 300.000 lít/năm, doanh thu gần 1,2 tỷ đồng/năm. Ảnh: NQ.
Đóng cửa hãng nước mắm, ông Tấn quay trở lại nghề mua bán cá nguyên liệu, song đam mê với nghề làm nước mắm truyền thống vẫn âm ỉ trong ông. Sau thời gian gián đoạn, năm 2010, ông Tấn trở lại với nghề làm nước mắm. Do đã có kinh nghiệm nên việc sản xuất chẳng bao lâu dần đi vào ổn định. Ông tìm cách liên hệ lại với các “mối ruột”, đồng thời mở rộng tìm khách hàng tại các tỉnh khác.
Nhờ chất lượng nước mắm luôn ổn định, lại có vị ngon, mùi thơm đặc trưng, nhất là không sử dụng phẩm màu mà vẫn có được màu cánh gián đặc trưng từ việc ủ chượp đúng quy trình, nên nước mắm của gia đình ông sản xuất đã nhanh chóng được nhiều đại lý và người dân tin dùng.
Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, ngoài bán sỉ cho đại lý, ông Tấn còn chọn kênh bán lẻ để thu hồi vốn nhanh và động viên các đại lý lấy gối đầu từ 1-2 tuần để dòng vốn không bị nghẽn. Ông quan tâm đầu tư phần mẫu mã, thiết kế logo và lấy tên thương hiệu nước mắm Hương Biển.
Sau hơn 3 năm, với nhiều sản phẩm như nước mắm với từng tiêu chuẩn độ đạm khác nhau thương hiệu nước mắm Hương Biển xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và chiếm được lòng tin của khách hàng.
Ông Tấn cho biết: “Mình bán giá vừa phải, không lời nhiều nhưng tuyệt đối không được lỗ. Dù nước mắm hiện nay làm không đủ bán nhưng quy trình sản xuất luôn tuân thủ nghiêm ngặt phải 12 tháng mới cho ra 1 mẻ. Hiện cơ sở cung cấp sản phẩm cho thị trường huyện Tân Hiệp, nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre… Sản lượng sản xuất khoảng 300.000 lít/năm, doanh thu gần 1,2 tỷ đồng/năm”.
Theo ông Tấn, qua tìm hiểu thị trường, ông Tân nhận thấy người tiêu dùng ngày càng tin dùng nước mắm truyền thống. Đây chính là cơ hội để các nhà thùng sống được với nghề, đồng thời, gìn giữ và phát huy được nghề vốn là thế mạnh của tỉnh miền biển. |