Napoleon Bonaparte là một tài năng lớn, một vị tướng đầy kỹ năng, một chính trị gia lão luyện, và là một vị lãnh đạo đầy lôi cuốn với binh sĩ. Bên cạnh các yếu tố này, còn có một lý do khác khiến hình ảnh của Napoleon khắc sâu vào lịch sử - đó chính là khả năng lớn của ông trong lĩnh vực tuyên truyền.
Bức họa “Napoleon trong trận Wagram” của tác giả Horace Vernet.
Đưa tin từ Italy
Hoạt động tuyên truyền quy mô lớn đầu tiên của Napoleon là trong chiến dịch quân sự do ông chỉ huy ở Italy từ năm 1796-1797. Khi ấy uy tín chỉ huy quân sự của Napoleon đang lên. Ông muốn mọi người biết được mình đã lập được những chiến công gì. Một cơ hội hoàn hảo để ông mở rộng các tham vọng của mình.
Tuy nhiên đó không phải là động cơ duy nhất của Napoleon. Vị tướng này nhận ra giá trị của truyền thông trong việc phản ánh chiến tranh. Hoạt động phản ánh đó có thể làm tăng sự ủng hộ từ phía dân chúng, nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ và làm sa sút ý chí của đối phương.
Các tờ báo do quân đội Pháp lập ra để phục vụ chính quân đội đã trở thành một đặc điểm của đời sống quân sự nước Pháp thời kỳ này. Napoleon lập ra 2 tờ ở Italy, tờ thứ nhất là Courrier de l’Armée d’Italie, tờ thứ 2 là La France Vue de l’Armée d’Italie.
Napoleon chủ trương lưu hành hai tờ báo này trong các quân nhân Pháp, nhưng đối tượng độc giả của ông không dừng lại ở đó. Vị tướng này cho gửi nhiều số báo về Paris. Các đoạn trích từ các tờ báo đó đã được đăng trên báo chí chủ lưu ở thủ đô.
Các tờ báo quân đội nói trên có hai điểm đáng lưu ý. Một là chúng đề cao các thành tựu của Napoleon, nhấn mạnh tới các thành công của ông và lờ đi các thất bại. Hai là, các tờ báo đó duy trì một sự cân bằng tinh tế giữa các luồng tư tưởng chính trị. Tờ Courrier có sức hấp dẫn đối với tầng lớp cách mạng còn tờ La France lại hợp khẩu vị với giới bảo thủ. Hai tờ báo vì thế vừa làm hài lòng bộ phận cấp tiến vừa khiến nhóm bảo thủ cảm thấy yên tâm.
Vượt qua ngôn từ
Khi thủ đô Paris ngập tràn các câu chuyện về chiến công của Napoleon, không có gì ngạc nhiên khi các nghệ sĩ cũng lấy cảm hứng từ nhân vật này. Các thi sĩ bắt đầu viết thơ ca ngợi Napoleon. Các nhà viết kịch thì đưa các cuộc phiêu lưu của viên tướng này lên sân khấu. Các nhà điêu khắc sáng tác những bức tượng bán thân về Napoleon. Các họa sĩ thì tô vẽ những bức họa về vị tướng và những trận chiến kịch tính do ông chỉ huy.
Ngay từ đầu, Napoleon đã khuyến khích điều này. Ông nhận thức rõ tác động của nhà hát vào tình cảm con người và ông giữ liên hệ với những gì diễn ra tại đó. Napoleon cũng cố gắng thu hút sự chú ý của giới họa sĩ. Antoine-Jean Gros là một người được Napoleon ưa thích và người này đã trở thành nhà khắc họa chân dung (bán chính thức) của Napoleon.
Họa sĩ Antoine vẽ bức chân dung Napoleon đầu tiên vào năm 1797. Ông cũng là tác giả của bức họa nổi tiếng ghi lại hình ảnh Napoleon trên cầu Arcole để kỷ niệm một trong các chiến thắng của vị tướng này. Cả hai bức họa đều được chuyển thể thành các bức chạm khắc rao bán khắp nước Pháp cũng như ngoài lãnh thổ nước này, làm cho danh tiếng Napoleon cũng nổi hơn.
“Bonaparte trên cầu ở Arcole”, của họa sĩ Antoine-Jean Gros.
Khi đã trở thành quan tổng tài thứ nhất và sau đó là Hoàng đế Pháp, Napoleon có đủ điều kiện để sử dụng các nghệ sĩ lớn nhất thời ông, như là Jacques-Louis David. Lễ đăng quang của Napoleon, gia đình ông và các trận đánh của ông – tất cả đều sẽ trở nên bất tử nhờ vào những bức sơn dầu hay chạm khắc. Ngay từ đầu, ông đã chủ động dùng sức mạnh của cả hình ảnh và ngôn từ.
Báo chí từ Ai Cập
Thành công rực rỡ nhất của Napoleon về mặt tuyên truyền là trong chiến dịch ở Ai Cập. Tại đó, trình độ tuyên truyền của ông đã đạt tới mức độ siêu phàm, khiến cho cả một chiến dịch vốn là thất bại lại trông cứ như một chiến dịch thành công vang dội. Với các thông tin ông kể từ Ai Cập, Napoleon đã khoác lên mình một vẻ vừa lạ lẫm vừa học thuật.
Ngay từ trước lúc viễn chinh sang Ai Cập, Napoleon đã biết mình phải phản ánh cuộc chinh chiến này ra sao. Ông đã tuyển hơn 160 học giả các lĩnh vực khác nhau đi theo mình. Tất nhiên Napoleon cũng đam mê lịch sử và Trung Đông nhưng việc này còn là để phục vụ mục tiêu tuyên truyền. Theo đó, Napoleon sẽ xuất hiện với tư cách một người khai sáng, gửi về quê nhà những khám phá mới.
Cũng giống ở Italy, ông đã lập ra ở xứ sở Kim tự tháp 2 tờ báo với các góc độ khác nhau.
Tờ Courrier de l’Egypt hướng tới độc giả là binh sĩ và dân thường ở quê nhà. Nó giới thiệu về văn hóa phong phú của Ai Cập, các thành công ngoại giao của Pháp và các thắng lợi quân sự của Napoleon. Tờ này bác bỏ các tin đồn (thường là đúng) về các thất bại quân sự của ông.Trong khi đó, tờ La Décade Egyptienne lại mang tính học thuật nhiều hơn, tập trung vào các phát hiện trí tuệ từ cuộc viễn chinh.
Một Napoleon vừa đời thường vừa có chiều sâu trí tuệ được thể hiện qua các báo cáo gửi về Pháp. Kết quả là khi phải từ bỏ cuộc chinh chiến và quay về Pháp, bỏ lại đằng sau một đội quân bệnh tật và bị cô lập, Napoleon vẫn trong tư thế người chiến thắng.
Kiểm soát báo chí
Trong quá trình bước lên đỉnh cao quyền lực, Napoleon đã tận dụng tốt báo chí tự do. Ông sử dụng quyền tự do báo chí để cho in ấn những điều mà ông muốn tạo dựng cho hình ảnh của ông trước công chúng. Nhờ có báo chí, ông tác động vào cách nhìn của công chúng Pháp đối với thực tế.
Khi đã trở thành Hoàng đế, Napoleon quay lại chống tự do báo chí. Ông thiết lập chế độ chuyên chế kiểm soát mọi khía cạnh chính của xã hội. Vị quân vương này không thể để cho các đối thủ sử dụng sức mạnh của truyền thông để chống lại ông.
Kết quả là sự ra đời của Cục Định hướng Lĩnh vực Sách. Cơ quan này giám sát mọi khía cạnh của hoạt động xuất bản bên trong Đế chế Pháp. Mọi cơ sở in ấn, xuất bản và người bán sách đều bị giám sát. Mọi nội dung xuất bản đều bị kiểm duyệt gắt gao.
Hâm mộ Julius Caesar từ bé, Napoleon quyết không lặp lại “sai lầm” của nhà lãnh đạo La Mã nổi tiếng này, đó là không để bị đâm sau lưng bởi chính các lực lượng đã giúp đưa ông lên vị trí quyền lực.
Hồi ký
Có lẽ do quá tin tưởng vào các hình ảnh vĩ đại của bản thân mà Napoleon đã căng mỏng lực lượng của mình ra và đế chế của ông sụp đổ. Nhưng ngay cả khi đối mặt với các thất bại quân sự và chính trị, ông vẫn không chịu thất bại trong cuộc chiến tuyên truyền.
Trong thời kỳ “Triều đại 100 ngày” năm 1815, Napoleon phần nào lấy lại hào quang và danh tiếng đã bị tổn hại. Sau đó khi bị lưu đày ở St Helena, ông vẫn cố “PR” cho hình ảnh của mình.
Tại nơi ông ở trên đảo này, Napoleon hay nói một thôi một hồi với những người hộ tống mình. Ông kể về những thành công và thất bại, và thường đổ lỗi cho người khác về các thất bại của mình. Ông tự vẽ lên hình ảnh một người có tầm nhìn nhất quán, cố gắng xây dựng một quốc gia ổn định và tự do.
Sau khi Napoleon chết, những chia sẻ này được đưa vào một số cuốn sách của các tác giả từng nghe ông tâm sự. Hồi ký của các vị này có thể xem là một thành công tuyên truyền cuối cùng của Napoleon, đóng góp thêm vào vinh quang của ông ngay cả khi ông đã nằm dưới mồ.