Dân Việt

Nhà chùa nên đẩy mạnh giảng dạy Phật pháp, không sa đà vào cúng bái

Hà Thúy Phương (thực hiện) 27/03/2019 14:24 GMT+7
Theo TS Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, kết luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam xử lý vụ việc chùa Ba Vàng thỉnh oan gia trái chủ là cần thiết.

img

TS Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo 

Lần đầu nghe quan niệm "oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng

Thời gian gần đây, vụ việc chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) truyền bá vong báo oán, tổ chức thỉnh vong oan gia trái chủ, giải nghiệp... đã khiến dư luận xôn xao. Chiều qua 26.3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã họp và thống nhất kết luận: Tạm đình chỉ tất cả các chức vụ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng do để xảy ra những sai phạm tại chùa như báo chí phản ánh.

Tại buổi giao lưu trực tuyến với nội dung "Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải là mê tín dị đoan?" do báo Dân Việt tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho hay: Với thông tin tôi theo dõi ở chùa Ba Vàng đến giờ và kết luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm qua, tôi cho rằng trước mắt đây là biện pháp cần thiết khi chưa xác định được trách nhiệm, quyền hạn và những hệ lụy của chùa Ba Vàng thông qua tổ chức thực hành tôn giáo gây ra nhiều hậu quả không tốt.

Trong vụ việc chùa Ba Vàng, rất nhiều người thắc mắc về lễ thỉnh oan gia trái chủ mà chùa thực hiện cho người dân, Phật tử và người tham gia buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa.

Là khách mời trong cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc Dân Việt có chủ đề "Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?", TS Nguyễn Ngọc Mai cho biết: "Theo quan niệm vạn vật hữu linh – vạn vật đều có linh hồn tồn tại trong quan niệm dân gian. Quan niệm oan gia trái chủ thì tôi mới nghe gần đây ở chùa Ba Vàng. Còn người Việt cổ chỉ có quan niệm chết đi thì linh hồn sẽ đầu thai qua kiếp khác, qua 9 kiếp 10 đời, trú ngụ ở các loài vật khác nhau rồi đầu thai lại vào con người. Nến người ta khi sát sinh thường nói câu “tao hóa kiếp cho mày”.

Quan niệm phổ biến của người Phương Đông đều cho rằng khi chết đi linh hồn con người tồn tại ở một thể dạng khác, ở một nơi khác với thế giới của chúng ta. Phật giáo cũng có quan niệm này và gọi đó là cảnh giới khác. Trong giáo lý Phật giáo có quan niệm về duyên, nghiệp. Tức là khi một người nào đó đã gieo một duyên gì (khởi một duyên gì) thì chính cái duyên đó cũng sẽ tạo ra nghiệp cho họ ở kiếp sau.

có quan niệm nếu ở kiếp sống này người ta làm gì, hoặc sống như thế nào thì khi chết đi linh hồn sẽ bị đọa về cảnh giới ý như vậy. Ví dụ một người sống tham lam tàn ác thì khi chết đi linh hồn sẽ bị rơi vào cảnh giới y như vậy, linh hồn họ sẽ phải chứng kiến hay chịu những việc tương tự như thế mà không làm gì được.

Vì vậy mà trong nghi lễ Phật Giáo hay có nghi lễ cầu siêu để dẫn đưa vong linh người quá cố thoát qua các cảnh giới ngạ quỷ để về miền cực lạc. Hoặc ở Phật giáoTây Tạng còn có những lễ dẫn đưa thần thức (linh hồn) về cảnh giới của đức Phật. Tuy nhiên khoa học thực nghiệm hiện đại ngày nay thì vẫn  chưa có nghiên cứu nào nói được là có các cảnh giới đó hay không.

Phương Tây từ thế kỷ XIIX cũng đã có nhiều nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh. Tuy nhiên cho đến nay duy vật và duy tâm tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Nói chung mọi tín ngưỡng hay các nền văn hóa khác nhau đều có điểm chung là quan niệm con người khi chết đi không phải là hết. Nhưng linh hồn có quay trở lại, tác động vào người còn sống, báo hại hay phù hộ hay không thì tùy thuộc vào nhận thức của các cá nhân hay các nhóm xã hội khác nhau mà có tâm thức này.

Có nhiều nền văn hóa khác nhau dù là ở Việt Nam hay trên thế giới, nhưng tất cả đều có điểm chung là quan niệm: chết không phải là hết, còn linh hồn đi đâu, về đâu thì tùy thuộc mỗi nền văn hóa và quan niệm riêng của từng tộc người, dân tộc mà có tên gọi khác nhau; mường ma, thế giới tổ tiên ông bà, cảnh giới…

Theo nghiên cứu của tôi thì tín ngưỡng người Việt biến đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây theo cả 2 hướng tích cực và cả tiêu cực theo nhiều trường độ khác nhau. Không chỉ là hiện tượng áp vong mà còn quay trở lại với một số hoạt động trước kia đã bỏ như xây mộ, nghĩa trang gia đình. Điều này thể hiện rất rõ lối sống “sống về mồ về mả chứ không về cả bát cơm”, tức là rất chu đáo chăm lo cho người đã chết chứ không lo cho người sống (với một niềm tin rằng người chết có thể phù hộ hay báo hại cho người còn sống). Theo một nghiên cứu về các chi phí trong  gia đình, thì chi phí cho hoạt động tôn giáo gấp 5 lần chi phí mua sách truyện cho trẻ em.

Ngoài ra là thói quen không chịu trang bị nhận thức khoa học về tôn giáo hoặc tăng cường tri thức về tôn giáo cũng như các kiến thức khác để giải quyết các trục trặc trong cuộc sống, nên người VN cứ hễ gặp điều gì không ổn trong cuộc sống là tìm ngay đến những thầy tâm linh dân gian.

img

Giao lưu trực tuyến: “Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ có phải mê tín dị đoan?”

Các nhà sư nên đẩy mạnh hoạt động giảng dạy Phật pháp 

Theo TS Nguyễn Ngọc Mai, trong số các thầy Đồng cũng có người ổn và không ổn. Ổn là những người thực sự có căn số, khi sinh ra có những đặc điểm thể chất và tâm sinh lý khác người bình thường. Ở thời điểm thực hành nghi lễ và không gian tôn giáo cùng niềm tin rằng thần sẽ ngự vào mình, cộng với các kỹ thuật tự thôi miên khác thì hoạt động của ý thức sẽ mờ đi thay thế cho hoạt động vô thức, khi đó một số xuất hiện trực giác cao hơn bình thường, họ sẽ có thể nghe thấy và nhìn thấy những thứ bình thường không thấy. Trong khoa học gọi là rơi vào trạng thái hư giác hoặc xuất hiện tâm linh. Nhiều trường hợp các Đồng trước đây khi xuất hiện trực giác mà có thể bắt được sóng âm hay thần giao cách cảm, tiên tri, hậu tri rất chính xác. Trạng thái đó cũng gọi là hiện tượng siêu linh trong lên đồng.

Nhưng hiện tượng đó thực sự rất hiếm hoi, nếu có thì người thực hành lên đồng không phụ thuộc vào khăn áo, mà phụ thuộc vào không gian tôn giáo và kỹ thuật lên đồng. Nhưng lên đồng hiện đại ngày nay mang nhiều tính chất biểu diễn, phụ thuộc rất nhiều vào khăn áo và âm nhạc. Trạng thái lên đồng thật sự tôi ít khi thấy được, nhưng tôi cho rằng hoạt động lên đồng hiện đại với những hiệu ứng khăn áo, âm nhạc cũng có tác dụng với tâm sinh lý con người khi lên đồng trong vai các thánh thần, họ được giải phóng cảm xúc cá nhân và thăng hoa cảm xúc, khiến cho tâm lý trở về trạng thái an bình. Điều này rất có tác dụng chữa bệnh tâm lý. Theo nghiên cứu của tôi, mỗi khi đạt được cảm xúc thăng hoa đó sẽ để lại một nỗi nhớ trong vỏ não, nên mỗi khi tâm lý bị down (bị rơi vào trạng thái tiêu cực, âm tính) họ lại mong muốn lên đồng tiếp để nhận được trạng thái cảm xúc tích cực, TS Nguyễn Ngọc Mai cho hay.

img

Các sư nên quay về các hoạt động giảng dạy Phật pháp, nâng cao giáo dục con người hướng thiện và sống theo triết lý nhà Phật, chứ không nên sa đà vào các hoạt động cúng bái.

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Mai, nghiên cứu cho thấy khi thực hành nghi lễ lên đồng có khả năng xuất hiện hiện tượng siêu linh và tâm linh, nhưng hiện tượng này có đặc điểm là không lặp lại, có thể người này rơi vào trạng thái đó nhưng sau lại không. Chính sự không lặp lại và không thực nghiệm được của hiện tượng này được gọi là điểm mờ của thực hành tôn giáo, một số đối tượng nhìn thấy “điểm mờ đó” và lợi dụng sự cả tin của người dân, mà trục lợi dưới các hình thức kinh doanh tôn giáo.

Ở Việt Nam có truyền thống các tăng, ni hay tham gia vào những hoạt động cúng bái cho nhân dân, lý do là vì thời xưa, sư thường là người có học, họ là giới tăng lữ, thậm chí lên tới Quốc sư. Và truyền thống Tam giáo đồng nguyên nên nhiều nhà sư biết cả những môn của Đạo pháp (tử vi, bấm độn, phong thủy, bói đoán, khoa cúng…). Và nhà sư thường kiêm luôn thày cúng, thày pháp, nên không khỏi có những giai đoạn hoạt động của họ đi xa khỏi hoạt động Đạo pháp (của Phật Giáo) mà sa đà vào các tín lễ dân gian và hoạt động cúng bái.

Bên cạnh đó tôi cũng được biết một số thày cúng ở vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, khi trong gia đình không có người nối nghiệp để truyền lại kiến thức khoa cúng cũng mang tặng sách khoa cúng của mình cho chùa. Từ thực tế này nên nhà chùa càng có thêm các kiến thức về khoa cúng, tử vi… Tôi cũng khẳng định ngay là tất cả các hoạt động dâng sao giải hạn, giải oan, thỉnh vong hiện nay đang thực hành tại các chùa đều không thuộc các hoạt động của Phật giáo và không có giáo lý Phật giáo nào quy định.

Theo tôi trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, các nhà tu hành nên chuyên tâm về các hoạt động giảng dạy Phật pháp, nâng cao nhận thức về văn hóa Phật giáo cho nhân dân và tín đồ; phát triển chức năng giáo dục của Phật giáo để góp phần điều tiết hoạt động bản năng của con người, hướng con người sống hướng thiện và sống theo triết lý nhà Phật, chứ không nên sa đà vào các hoạt động cúng bái. Đây là việc chùa và các nhà tu hành nên điều chỉnh.

Xưa nay ở Việt Nam thường tách riêng nghiên cứu tâm lý học với tôn giáo, vì vậy trong nghiên cứu về tôn giáo ít khi để ý đến tâm lý học. Khi tôi nghiên cứu về các Thanh đồng, tôi đã đi theo hướng tiếp cận của tâm lý học tôn giáo và tâm lý bệnh học để lý giải về bản chất của thực hành nghi lễ lên đồng và chuyển đổi ý thức của các Đồng khi họ thực hành nghi lễ tôn giáo. Nghiên cứu về lên đồng cổ xưa được biết khi thực hành nghi lễ thì ý thức của các thanh đồng mờ đi và phần vô thức trỗi dậy. Khi vô thức trỗi dậy thì nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hư giác mà có thể nghe thấy, nhìn thấy những điều, những hình ảnh mà người bình thường không thấy; thậm chí có trường hợp xuất hiện tâm linh mà có thể thần giao cách cảm; hoặc tiên tri, hậu tri… rất đúng.

Các nghiên cứu về tâm lý bệnh học cũng cho biết những người có thể trạng tâm lý yếu thường dễ bị stress khi gặp phải những lời xúc phạm hay những áp lực từ cuộc sống. Khi bị stress họ thường rơi vào trạng thái trầm cảm và điều này hoàn toàn  không tốt cho cơ thể họ (vì khi rơi vào trạng thái cảm xúc âm tính cơ thể thường tiết ra những chất hóa học gây bất lợi cho cơ thể, cũng giống như một người tự kỉ ám thị rằng mình bị bệnh thì lâu ngày cũng sẽ bị bệnh). Khi người bệnh đó được tham dự một nghi lễ họ sẽ được giải ám thị mà trở lại trạng thái tâm lý tích cực, từ đó tự khỏi bệnh. Trường hợp của người bệnh này hay người bệnh kia rất có thể khi được nghe Pháp, hóa giải những ẩn ức, thậm chí quá trình được chữa bệnh bằng giáo lý Phật giáo đã tạo ra nhận thức mới mà tự giải được ám thị nên bệnh tự khỏi.