Chiến thắng trước một đội bóng như Thái Lan, có thể chưa nói lên được nhiều điều. Nhưng ít ra, bóng đá Việt Nam sẽ không còn phải sợ hãi "ngáo ộp" của khu vực Đông Nam Á nữa. Và biết đâu, một tấm HCV SEA Games cho bóng đá Việt Nam sẽ là một cái kết thật đẹp vào cuối năm nay?
Bóng đá Việt Nam bấy lâu nay vẫn có những đối thủ được coi như "vật cản đường" rất khó qua ở trong khu vực. Điển hình nhất phải kể đến là Indonesia và Thái Lan. Ở cấp độ ĐTQG, lần gần nhất Việt Nam thắng được Indonesia trong một giải đấu chính thức đã diễn ra cách đây... hơn 22 năm. Đó là vào kỳ Tiger Cup 1996, lứa thế hệ vàng của Huỳnh Đức, Hồng Sơn... đã giành chiến thắng 3-2 trong trận tranh HCĐ.
Quãng thời gian 22 năm ấy, bóng đá Việt Nam còn chạm trán Indonesia ở nhiều cấp độ đội tuyển, từ U16, U19, U23 cho đến ĐTQG. Nhưng rốt cục, chúng ta buồn nhiều hơn vui. Năm 2016, ĐTQG đã để thua trước Indonesia ở bán kết AFF Cup 2016. Năm 2018, chúng ta thất bại ở cả hai lứa U16, U19 khi đối đầu với đội bóng Xứ vạn đảo ở các giải trẻ của khu vực.
ĐT Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng đã phải dừng bước ở bán kết AFF Cup 2016 trước đối thủ duyên nợ Indonesia
Đối với Thái Lan, bóng đá Việt Nam còn ám ảnh hơn nữa. Hai chiến thắng lịch sử của ĐTQG Việt Nam ở bán kết Tiger Cup 1998 và chung kết AFF Cup 2008, chẳng thấm vào đâu so với hàng tá trận thua mà bóng đá Việt Nam phải nhận trong các cuộc đọ sức với người Thái.
Còn nhớ ở kỳ SEA Games cách đây mới 2 năm, trước lượt trận cuối cùng, U22 Việt Nam "chỉ cần hòa" trước Thái Lan là sẽ qua vòng bảng. Thế nhưng, những sai lầm cá nhân, cùng với lối chơi thiếu hợp lý đã khiến chúng ta thua trắng 0-3, đồng nghĩa với việc thầy trò HLV Hữu Thắng phải ra về ngay từ vòng bảng. Còn Hữu Thắng cũng đã xin từ chức sau thất bại cay nghiệt ấy.
Một năm sau đó, U22 Việt Nam tiếp tục thúc thủ cay đắng trước U22 Thái Lan, dẫn đến sự ra đi sau đó của HLV Hữu Thắng
Giữa lúc mà cả nền túc cầu của dải đất hình chữ S đang chông chênh, thì Park Hang-seo đã đến. Có lẽ những gì mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đã làm được, người hâm mộ không cần phải nhắc lại nữa. Tuy nhiên, chính ông là người đã giúp các học trò của mình, vào trận với một tư thế "chẳng sợ ai". Kể cả khi Việt Nam bị dẫn bàn, các cầu thủ cũng chẳng hề lúng túng trong lối chơi như các lứa đàn anh đi trước.
Những quả ngọt cũng đã dần được thu hoạch. Từ U23 châu Á 2018, ASIAD 18, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, giải đấu nào người Việt cũng được "đi bão" sau mỗi chiến quả của đội tuyển. Chính cái tâm lý "không hề biết sợ" đó đã giúp "Những chiến binh Sao Vàng" vững vàng hơn rất nhiều.
Hữu Thắng chia tay ĐTQG mở đường cho HLV Park Hang-seo đến làm việc tại ĐT Việt Nam, mở ra "kỷ nguyên" mới cho bóng đá tại đất nước hình chữ S
Vòng loại U23 châu Á 2020, đã có những nghi ngại nhất định đối với lứa cầu thủ tiếp nối "lứa U23 Thường Châu". Nhưng sau cùng, thầy Park vẫn chèo lái con thuyền U23 Việt Nam vượt qua "hai thác ghềnh lớn" mang tên Indonesia và Thái Lan. Cũng với tâm lý không biết sợ, có thể đá với bất cứ lối chơi nào với đối thủ, mà U23 Việt Nam đã không còn bị ám ảnh với hai đội kỵ giơ này trên sân nhà nữa.
Một khi "nỗi sợ tâm lý" đã được cởi bỏ, chẳng có lí do gì để chúng ta có thể ngán ngại bất cứ ai nữa trong tương lai. ĐTQG Việt Nam đã lên ngôi AFF Cup 2018 một cách thuyết phục, giải được bài toán người Mã. Và giờ là giải được bài toán mang tên Indo và Thái Lan. Vậy sao chúng ta không thể mạnh dạn mơ về tấm HCV bóng đá nam SEA Games, điều mà mỗi người dân Việt Nam đã mong mỏi chờ đợi suốt cả một đời người?
Nếu làm được kỳ tích đó, thì đúng là bóng đá Việt Nam chẳng còn sợ hãi bất cứ cái gì nữa rồi!