Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết Bộ GTVT vừa có công văn cho phép công ty này tiến hành thu phí sử dụng dịch vụ hầm đường bộ Cù Mông từ ngày 1.4. Trạm BOT này được đặt tại phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn), tùy từng loại xe mà mức phí sẽ thu từ 60.000 đồng đến 220.000 đồng/lượt.
Bên trong hầm đường bộ Cù Mông. Ảnh: Dũ Tuấn.
Tháng 1.2019, hầm Cù Mông nối giữa 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định được hoàn thành với tổng mức đầu tư 3.921 tỉ đồng, chiều dài 6,62 km. Sau gần 3 tháng đưa vào khai thác, đã phục vụ miễn phí cho hơn 300.000 lượt phương tiện an toàn.
Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, người dân có quyền lựa chọn trả phí để lưu thông qua hầm hoặc lựa chọn cung đường đèo không phải trả phí.
Mức phí qua hầm Cù Mông. Ảnh: Dũ Tuấn.
Như vậy, đây sẽ là trạm BOT thứ 4 được đặt tại địa phận Bình Định - tỉnh nghèo khu vực Nam Trung Bộ. Hiện tại, với gần 100km đường quốc lộ, tỉnh này đã phải "cõng" đến 3 trạm thu phí BOT.
Theo Sở GTVT Bình Định, khoảng cách giữa 2 trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 chưa tới 70km. Do đó, quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC, Bộ GTVT phải có ý kiến thỏa thuận của UBND tỉnh và Bộ Tài chính về vị trí đặt trạm thu phí (UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý khoảng cách giữa 2 trạm thu phí này là 64km theo văn bản số 3915/UBND-KTN năm 2014).
Trạm BOT Bắc Bình Định trên quốc lộ 1 từng bị dừng thu phí vì đường hư hỏng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 (TX.An Nhơn) và trạm BOT trên quốc lộ 19 (huyện Tây Sơn) lại chỉ có 34km.
Vì vậy, sau khi các trạm BOT đi vào hoạt động, có nhiều ý kiến trái chiều, bức xúc từ người dân địa phương về khoảng cách trạm thu phí trên cùng tuyến đường và vị trí đặt trạm chưa hợp lý.