Dân Việt

Tranh luận gay gắt quanh việc "phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần"

L.Đ.V 29/03/2019 06:43 GMT+7
Sự việc UBND xã Giao Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đưa ra yêu cầu phạt tiền những gia đình làm cỗ nếu để khách lấy phần đang nhận được sự chú ý của dư luận. Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định này.

Như Dân Việt đã thông tin, một số địa phương tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần. Theo đó, nếu chủ nhà có cỗ không được để khách ăn cỗ lấy phần, nếu không sẽ bị xử phạt tiền.

Ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long xác nhận xã mình đang thực hiện chủ trương kể trên. 

Chủ tịch UBND xã Giao Long cho hay, khi các gia đình đi đăng kí trên xã, mỗi gia đình sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng. Việc này do chính quyền xã tự đặt ra.

img

Tục ăn cỗ lấy phần vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương như Nam Định, Thái Bình… Ảnh: Tin tức Nam Định.

Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Ông Nam lấy ví dụ, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến 1.000.000 đồng… nói chung, tùy vào mức độ để xử lý chứ không có con số cụ thể.

Tuy nhiên, vị chủ tịch xã này xác nhận rằng: “Từ ngày có chủ trương đến nay, người dân thực hiện rất nghiêm túc nên chính quyền xã chưa xử phạt một trường hợp nào. Đặc biệt vào mùa cưới, xã sẽ phát thanh liên tục trên loa 1 tuần 1 lần để người dân nắm rõ”.

Ông Nam cũng tiết lộ rằng, cách làm này được chính quyền huyện, xã học từ bên huyện Hải Hậu (Nam Định).

Khi bài viết được chia sẻ trên fanpage của Báo điện tử Dân Việt (danviet.vn), bạn đọc đã bày tỏ nhiều ý kiến tranh luận về việc này.

Bạn đọc Em Ngoc bình luận: “Mình phản đối việc phạt như này. Ăn cỗ lấy phần theo mình đó là một việc làm rất có văn hóa. Thử hỏi nếu nhà bạn làm vài chục mâm cỗ mà đồ ăn không, thừa thãi đổ đi. Vậy có phải là quá lãng phí không?"

Bạn đọc Lãng Tử Nương cũng cho rằng, chính quyền có thể tuyên truyền, còn bắt đặt cọc với phạt là không đúng. Ăn ko hết họ lấy phần về cho con cháu cũng được, về phía gia chủ họ cũng muốn như vậy, không thì đồ thừa ăn không hết mà đổ đi rất lãng phí và ô nhiễm môi trường.

“Có gì xấu đâu mà cấm, mình ở trong miền Nam nhưng thấy phạt như vậy là kỳ lắm, ngoài khía cạnh cái ăn nó còn là tình cảm cho cháu con nữa”, bạn đọc Lương Ngọc Châu nêu ý kiến.

Bạn đọc Nguyen Minh Nhi đưa ra bình luận khá dài, bạn đọc này cho biết, tục lệ lại quả này trong miền Nam một số vùng quê vẫn có. Người ăn đám giỗ mang về là vài cái bánh ít, bánh ú, vài quả trái cay, vài lon nước.

Các loại bánh được gói đa phần là nhận từ khách đi đám mang tới để gọi là lễ cúng giỗ, có cũng được không có cũng chẳng sao, vì nếu không chia bớt gia chủ cũng không tiêu thụ hết như là trái cây, nước...

“Các đám khác ngoài đám giỗ chả ai mang cái gì về đâu ạ, có chăng là khi đặt tiệc tại nhà hàng mà vắng khách gia chủ nhờ nơi phục vụ họ cho vào túi mang về thôi. Chuyện vui là cái vụ ăn uống mà chính quyền cũng ra được cái quy định phạt là quá thể rồi đó.

Mấy ông không lo làm sao cho người dân của mình tiêu thụ nông sản, nuôi trồng con gì, đảm bảo an ninh trật tự mà lại đi lo mấy cái chuyện này”, bạn đọc này bày tỏ.

“Tục lệ xưa nếu không phù hợp thì vận động người dân bỏ cũng đúng. Điều này nghe qua có vẻ không đúng lắm vì là phong tục vì ngày xưa nghèo quá. Nên bỏ để giúp gia đình có tiệc đỡ tốn kém. Nhưng cần vận động để bà con hiểu và tự nguyện bỏ, không nên đưa ra hình phạt. Làm văn hóa mà dùng hình thức phạt tiền là không đúng”, bạn đọc Lan Phương nhấn mạnh.

“Đây là tập quán dân dã của nông thôn, khi không còn phù hợp nó tự biến mất, hà cớ gì chính quyền xen vào chuyện không đáng này”, một bạn đọc nêu ý kiến.

Trong khi đó, nhiều bạn đọc khác lại đồng tình với quy định xử phạt chủ nhà có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần, họ cho rằng việc đình làm cỗ nếu để khách lấy phần là quá lạc hậu, chính quyền nên xử phạt thật nặng để bỏ tục lệ này.

Bạn đọc Minh Thu Nguyen nói: “Mình thấy bỏ là phải, đến ăn cỗ không ăn chỉ lo chia nhau mang về trông nhếch nhác lắm. Khách ở nơi khác về họ chẳng biết nên ăn hay không”.

“Phạt như vậy là quá nhẹ, thời nào rồi mà còn có mấy chuyện này. Mức phạt thế này là quá nhẹ, phải đánh mạnh vào kinh tế mới bỏ được mấy cái tục lệ không còn phù hợp này. Nhớ lại ngày xưa cũng được đi dự một đám tiệc như thế này, ngồi vào mâm mà thấy người ta chỉ ăn vài thứ còn đâu bỏ vào túi đem về. Thấy thế mình cũng chả dám ăn gì cả”, một bạn đọc khác nêu quan điểm.