Như Dân Việt thông tin, một số UBND xã thuộc huyện Giao Thủy đang thực hiện việc thu tiền 3 triệu đồng đối với những gia đình có cỗ. Nếu như chủ nhà để khách đến ăn cỗ lấy phần về sẽ bị xử phạt. Tiền phạt được trừ vào khoản tiền đã thu đặt cọc trước đó.
Mỗi nhà có cỗ phải nộp trước 3 triệu cho UBND xã, nếu để khách ăn cỗ lấy phần sẽ bị phạt từ số tiền đã nộp.
Theo ông Trần Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Long, huyện Giao Thủy, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến 1.000.000 đồng…, tùy vào mức độ để xử lý, không có con số cụ thể. Theo đó, việc này do chính quyền xã đặt ra để khuyến cáo người dân, vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần.
Việc xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần có vi phạm pháp luật?
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần của các UBND xã thuộc huyện Giao Thủy là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nó làm mất đi một nếp sống văn hóa đã tồn tại từ lâu đời. Chính việc làm của các UBND xã mới là không có văn hóa”.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định việc xử phạt ăn cỗ lấy phần là trái pháp luật.
Theo luật sư, việc xử phạt hành chính cần phải có biên bản xử phạt, quyết định xử phạt và tuân theo trình tự về việc xử lý vi phạm hành chính.
Tuấn Anh khẳng định: “Đối tượng xử phạt phải là người thực hiện hành vi vi phạm, nhưng ở đây hành vi không có, đối tượng cũng không có. Trong việc chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần, phải xử phạt ai? Xử phạt cô dâu chú rể, xử phạt bố mẹ cô dâu chú rể hay xử phạt người đi ăn cỗ lấy phần về? Việc xử phạt này không đúng. Vì không có hành vi được quy định bởi pháp luật và không được thực hiện theo trình tự thủ tục vì nó không có hành vi.
Tất cả các văn bản hệ thống pháp luật không có quy định pháp luật nào hủ tục cần phải loại bỏ. Ngay cả những lễ hội được dư luận lên tiếng rất nhiều trong thời gian gần đây như: Chém lợn, đâm trâu… cũng chỉ điều chỉnh bằng những thông báo, tuyên truyền”.
“Theo tôi, trong câu chuyện xử phạt chủ nhà có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần, huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định cần phải ngay lập tức rà soát lại, nếu có hành vi trên phải ngay lập tức ngăn chặn việc làm trái pháp luật của các UBND xã. Đồng thời cần phải làm rõ từ trước tới nay những tiền phạt ấy đi về đâu, hạch toán vào đâu để xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật” - Luật sư bày tỏ quan điểm.
Về chủ đề xử phạt chủ nhà làm cỗ để khách ăn cỗ lấy phần, rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ về Dân Việt. Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần bỏ phong tục này, ủng hộ UBND xã xử phạt. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng đó là cách làm hay để tránh lãng phí thức ăn trong các bữa cỗ. Điều quan trọng là khuyến khích các gia đình thực hiện nếp sống văn minh, không nên ép buộc để xử phạt.