Dân Việt

Báo động ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Cái giá của cuộc sống hiện đại?

Tố Loan 30/03/2019 07:10 GMT+7
Nhiều ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội đang vào mức đáng báo động, thấp nhất: 102, cao nhất: 197, cao hơn cả các thành phố nổi tiếng về sự ô nhiễm không khí như: Bắc Kinh, Delhi, Mumbai… Đường phố lúc nào cũng mịt mù bởi lớp không khí dày đặc, tạo cảm giác nôn nao, nghẹt thở.

Tìm nguyên nhân ô nhiễm

Chẳng cần đọc báo cáo, dân thủ đô, người tham gia giao thông Hà Nội cũng dễ dàng nhận thấy không khí ngột ngạt tại các nút giao thông và trên những tuyến đường trọng điểm của thành phố. Kết quả tại một số điểm quan trắc cũng cho thấy, tại một số khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc như  ở khu vực Minh Khai - Bắc Từ Liêm, đường Phạm Văn Đồng, vườn hoa Hàng Đậu... các chỉ số về nồng độ bụi tăng cao.

Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội có 5 nguồn gây ô nhiễm không khí tại thủ đô, gồm: Ô nhiễm từ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề; chôn lấp và xử lý chất thải rắn. Trong đó, phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu.

img

  Mấy ngày gần đây, thời tiết Hà Nội xuất hiều nhiều lớp sương mù dày đặc gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân. Ảnh chụp tại Đại lộ Thăng Long. ảnh: Lê Hiếu

Chuyên gia môi trường TS Ngô Thọ Hùng, nhận định: “Tại các đô thị lớn của Việt Nam, ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả thành phố, nồng độ khí thải ở các đường giao thông, khu vực đông dân cư rất lớn, vượt ngưỡng cho phép khá nhiều lần”.

TS Nguyễn Tùng Lâm-Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn và đào tạo (Viện Chiến lược, chính sách và tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường), lý giải: “Do các phương tiện vận tải  sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel, hoặc các nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch. Khi lưu thông trên đường, trong quá trình đốt, các nhiên liệu này sản sinh ra khí CO2. Số lượng phương tiện tham gia giao thông càng nhiều, tỷ lệ khí thải phương tiện thải ra môi trường càng cao, và nhiều phương tiện đã cũ nát, không đảm bảo về tiêu chuẩn khí thải”. Tất nhiên khí thải từ phương tiện giao thông đã gây tổn hại đến sức khỏe (bệnh đường hô hấp, hệ thần kinh trung ương, bệnh tim mạch...) của  dân cư sống gần các trục đường giao thông lớn hay các nút giao thông trọng điểm...

Biết tin số liệu nào?

Hiện tại, nhiều người dân thủ đô đang sử dụng ứng dụng Airvisual (qua smartphone)  để theo dõi chất lượng không khí tại khu vực mình cư trú.

Airvisual là ứng dụng dùng để đánh giá chất lượng không khí và dự báo mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn trên thế giới, dựa trên dữ liệu đo chất lượng không khí và môi trường từ US Embassy & US Consulate Readings for China với 8.000 trạm đo đặt ở khắp các thành phố lớn (theo trang web justbehome).

img

  Sương mù cũng bao phủ kín đường dẫn lên đường Võ Chí Công. ảnh: Lê Hiếu

Điều này phản ánh tâm lý hoang mang, lo ngại về chất lượng không khí, và cũng là vì họ  không biết tin vào số liệu nào. Bởi có một thực tế rằng, những số liệu về chất lượng không khí dẫu được công bố của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội công bố hàng ngày, nhưng các cơ quan liên quan, tổ chức nghiên cứu lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận lịch sử các nguồn số liệu để thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá?

Tương tự, trong khi GS-TS Hoàng Xuân Cơ - giảng viên cao cấp khoa Môi trường (Trường ĐH Khoa học tự nhiên), cho rằng “Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam chưa đến mức nguy hiểm và chúng ta không nên quá bi quan”. Thì, theo báo cáo về chỉ số năng lực quản lý môi trường (EPI) năm 2018 của đại học Yale ( Mỹ), Việt Nam xếp hạng thứ 159/180 quốc gia (gần đội sổ) về chất lượng không khí. Và số lượng ngày mà Hà Nội có hàm lượng bụi lơ lửng  đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm – 10 µm- micromet (PM2.5, PM 10) ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tình trạng ô nhiễm không khí càng nặng của Hà Nội (dẫu có ý kiến còn khác nhau) là không còn nghi ngờ. Và cũng không nghi ngờ thực tế ô nhiễm không khí Hà Nội đến từ nhiều phía, chứ không chỉ phải do một bên nào. Có thể kể ra hàng loạt ví dụ: Việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô làm tăng đột ngột dân số, cũng là lập tức tăng phát thải khí CO2 từ phương tiện cơ giới… là của ngành xây dựng; hay việc trồng cây xanh, quản lý rác thải để hạn chế ô nhiễm là của ngành tài nguyên môi trường; hay việc quản lý làng nghề lại của Bộ Công Thương… Chính vì thế, nhắc tới một giải pháp căn cơ, tổng thể thì tất cả đều “nhìn nhau” hoặc chỉ giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong ngành của mình.

“Không khí- Đất- Nước” là 3 tài nguyên mà dù giàu có đến bao nhiêu đi nữa thì con người vẫn không thể làm ra được, và chúng không thể sạch mãi khi bị con người phá hủy. Vì thế muốn hít thở bầu không khí trong sạch mỗi ngày, con người cần tử tế với thiên nhiên như tử tế với chính mình. 

AQI là chỉ số để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3. Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí gồm các mức:
- Mức tốt (0 - 50) không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Mức trung bình (51-100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức kém (101-200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức xấu (201-300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
- Mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.