Một đời danh chấn thiên hạ, Tào Tháo chỉ phục duy nhất một người
Trần Cung của Tam Quốc diễn nghĩa
Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Trần Cung là người đã cứu mạng Tào Tháo. Lúc đó, với tư cách là một huyện lệnh Trung Mâu, Trần Cung đã bắt giam Tào Tháo khi họ Tào trên đường trốn chạy do âm mưu ám sát Đổng Trác bị lộ.
Trần Cung có cảm tình với Tào Tháo vì lòng trung với nhà Hán trừ gian thần Đổng Trác, nên quyết treo ấn từ quan, đi theo họ Tào. Trên đường trốn chạy, Tào Tháo và Trần Cung được một người bác nuôi là Lã Bá Sa đối đãi rất hậu. Nhưng với bản tính đa nghi của minh, Tháo đã giết cả nhà Lã Bá Sa trước khi biết rằng, tiếng mài dao và lời đối thoại dưới bếp "trói vào rồi mới giết" mà họ nghe được từ gia nhân là nói về việc thịt lợn.
Hai người sau đó lại gặp Lã Bá Sa đi mua rượu trở về. Trong lúc Trần Cung đang hoảng sợ không biết tính sao thì Tào Tháo giả vờ tiến đến chào hỏi rồi rút kiếm, giết luôn Lã Bá Sa. Lời giải thích về hành động dã man này trở thành câu nói nổi tiếng của Tào Tháo: "Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta" khiến Trần Cung thất vọng sâu sắc vì đã từng tin phục Tào Tháo trước đây.
Trần Cung từng là người thân cận với Tào Tháo, rồi quay lại chống Tháo và cuối cùng chết bởi Tháo
Về sau, Trần Cung theo Lã Bố, cương quyết chống Tào Tháo và trở thành mưu sĩ giúp Lã Bố nhiều lần đánh bại quân Tào khiến Tào Tháo rất lo lắng. Chiến công lớn nhất của ông, dù là hư cấu, là trận Bộc Dương ở hồi 12. Tuy nhiên, cuối cùng Lã Bố hữu dũng, vô mưu bị thất bại dưới tay Tào Tháo.
Cả Lã Bố và Trần Cung đều bị Tào Tháo bắt, Tào Tháo trọng ơn cứu mạng ngày xưa nên có ý tha chết và khuyên ông qui hàng. Nhưng Trần Cung vẫn một mực từ chối, nguyện chọn cái chết trong sự nuối tiếc của Tào Tháo.
Trần Cung trong chính sử
Trần Cung (mất năm 199), tự Công Đài, là mưu sĩ cho Lã Bố đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trần Cung người Đông Quận (nay là phía nam huyện Tân, Sơn Đông), tráng liệt, cứng cỏi, trí tuệ hơn người, lại có lòng nhân nên những kẻ sĩ nổi danh trong nước đều đến kết giao.
Khi loạn lạc nổi ra, Trần Cung lúc đầu theo Tào Tháo vào khoảng năm 190. Công lao nổi bật nhất của Trần Cung dưới trướng Tào Tháo là lấy được Duyện Châu bằng con đường giao thiệp. Đây là một bước đi chiến lược cho sự gia tăng quyền lực của Tào Tháo về sau.
Nếu Lã Bố nghe theo mưu kế của Trần Cung, lịch sử thời Tam Quốc có lẽ đã đi theo một hướng hoàn toàn khác
Tào Tháo làm thứ sử Duyện châu, mang quân sang Từ châu đánh Đào Khiêm vì cho rằng Đào Khiêm gây ra cái chết của cha mình là Tào Tung. Năm 194, thấy Tào Tháo tàn sát nhiều người vô tội ở Từ châu, Trần Cung thất vọng vô cùng nên quyết định bỏ họ Tào. Sau Cung theo Lã Bố giúp Bố lừa Lưu Bị đánh úp lấy Hạ Bì, chiếm Duyện Châu.
Trần Cung hay bày kế giúp Lã Bố nhưng đáng tiếc Bố thường không theo kế của ông nên cuối cùng phải chịu họa diệt thân. Năm 198, Tào Tháo khởi đại quân đến giúp Lưu Bị đánh Từ châu. Cung khuyên Lã Bố đem quân kỵ ra chặn đường vận lương của Tào Tháo còn ông và Cao Thuận hợp sức giữ thành. Nhưng Bố nghe lời dèm pha của vợ, chần chừ không quyết định để lỡ mất thời cơ.
Quân Tào đến vây áp thành Hạ Bì. Trần Cung khuyên Lã Bố: “Tướng quân đem quân bộ kị ra đóng đồn gây thanh thế ở ngoài, còn Cung đem quân còn lại đóng giữ ở trong. Nếu Tào Tháo hướng đến tướng quân thì Cung dẫn quân ra đánh mặt sau; còn nếu đến công thành thì tướng quân đánh cứu ở ngoài; như thế không quá một tuần thì lương thực của Tào Tháo tất hết, sẽ đánh phá được thôi". Lã Bố cho là phải, định thi hành, nhưng sau lại nghe lời vợ, nên không dùng kế của Cung.
Thành Hạ Bì bị vây bức trong 2 tháng, đến tháng thứ ba Tào Tháo cho khơi sông Nghi và Tứ, làm ngập lụt cả Hạ Bì, quân Viên Thuật thì không đến cứu. Tình hình nguy cấp, các thuộc tướng của Lã Bố chia rẽ. Ba tướng Hầu Thành, Tống Hiến, Ngụy Tục bắt trói Trần Cung rồi đem quân bản bộ ra hàng Tào. Lã Bố chạy lên lầu Bạch Môn rồi cuối cùng cũng bị quân Tào vây ngặt phải đầu hàng.
Tào Tháo và Trần Cung trong lần nói chuyện cuối cùng giữa 2 người
Dưới đây là đoạn đối đáp giữa Tào Tháo và Trần Cung, theo ghi chép của “Điển lược” Tào Tháo nói với Trần Cung rằng: "Khanh bình sinh tự cho là mưu kế có thừa. Nay lại thế nào?" Trần Cung ngoảnh về phía Lã Bố nói: "Chỉ là người ngồi kia không theo lời Cung nên đến nỗi này. Nếu hắn nghe theo thì chẳng bị bắt vậy". Tào Tháo cười nói: "Việc hôm nay phải làm thế nào?" Trần Cung đáp: "Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, tự biết phải chết". Tào Tháo hỏi về mẹ già, Trần Cung nói: "Cung nghe nói kẻ dùng đạo hiếu để trị thiên hạ thì không giết người thân của người khác; mẹ già còn hay mất là do ở minh công vậy". |
Tào Tháo lại hỏi về vợ con, Trần Cung nói: "Cung nghe nói kẻ dùng lòng nhân để quản bốn cõi thì không dứt người nối dõi của người khác; vợ con còn hay mất cũng do ở minh công vậy".
Nói xong, Trần Cung tỏ ý sẵn sàng chịu chết. Ông một mình hiên ngang đi ra pháp trường, không dừng lại dù Tháo níu giữ. Hành động cương liệt của Cung khiến Tào Tháo rơi lệ đưa tiễn. Sau khi Trần Cung chết, Tào Tháo đãi người nhà ông hậu hơn trước. Tháo còn nguyện nuôi mẹ Cung đến hết đời, lại gả chồng cho con gái ông.
Cả đời binh nghiệp danh chấn thiên hạ của Táo Tháo, liệu có đối thủ nào nhận được sự tiếc nuối và cảm phục chân thành từ Ngụy vương như Trần Cung?