Không chỉ định siêu âm thai nhi trước khi sinh
Anh Nguyễn Ngọc Mai (41 tuổi) cho biết chiều 22.3, gia đình đưa vợ anh, là chị Trần Thị Ngọc Yến (33 tuổi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn) đến phòng siêu âm của bác sĩ Lê Thanh Sang (ở P.Nhơn Hưng, TX.An Nhơn) siêu âm thai. Kết quả siêu âm ghi nhận thai nhi nặng 3,5 kg, đầu đang thế thuận, thai khoảng 39 tuần…, và không có dấu hiệu bất thường.
Trung tâm Y tế TX.An Nhơn.
Đến 2 giờ 30 ngày 23.3, chị Yến đau bụng và được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế TX.An Nhơn. Khi chị Yến có dấu hiệu sinh, thì kíp trực ở khoa Sản đưa vào phòng chờ sinh. Người nhà chị Yến đề nghị nếu tình hình không ổn định, thì làm phẫu thuật để đưa thai nhi ra ngoài nhằm bảo đảm an toàn cho cả mẹ lẫn con, nhưng các nhân viên y tế không đồng ý, trả lời để sinh thường.
Khi chị Yến sinh, đầu thai nhi đã lọt ra bên ngoài, còn từ vai trở xuống bị kẹt lại trong ổ bụng, nhưng các y, bác sĩ vẫn không thể can thiệp được. Gia đình yêu cầu chuyển viện, nhưng nhân viên y tế không đồng ý và nói “bây giờ không thể đi được’’. Gia đình xin làm phẫu thuật, thì nhân viên y tế vẫn không đồng ý và quay vào phòng sinh. Được một lúc thì 1 nhân viên y tế thông báo rằng không thể đưa thai nhi ra ngoài, và sau đó chị Yến được chuyển lên xe cấp cứu để đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Đến 6 giờ 30 phút ngày 23.3, chị Yến được chuyển đến khoa Sản (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định). Các bác sĩ đã lấy được thai nhi đã tử vong, nặng 5,1 kg ra ngoài. Còn chị Yến được cấp cứu kịp thời.
Anh Nguyễn Ngọc Mai cho rằng ca trực tại khoa Sản của Trung tâm Y tế TX.An Nhơn không cho chị Yến siêu âm trước khi sinh, mà chỉ chẩn đoán rồi đưa quyết định cho sinh thường, trong khi thai nhi lớn chính là nguyên nhân gây ra vụ việc đau lòng nói trên.
Vấn đề ngoài khả năng chuyên môn?Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.An Nhơn, cho rằng đây là trường hợp “bất thường” do thai lớn, nhưng siêu âm không thể phát hiện ra. Kíp trực tại khoa Sản của Trung tâm Y tế TX.An Nhơn không có sai sót do thiếu tinh thần trách nhiệm, mà đây là vấn đề ngoài khả năng chuyên môn của bác sĩ. Các điều dưỡng và bác sĩ kíp trực rất áy náy, rất buồn vì chuyện đã xảy ra.
Theo bác sĩ Bình, chị Yến nhập việc lúc 2 giờ 34 ngày 23.3. Kíp trực tại khoa Sản lúc này có 3 điều dưỡng và 1 bác sĩ chuyên khoa sản. Kết quả khám thường quy đối với sản phụ Yến và thai nhi lúc mới nhập viện, đều cho kết quả bình thường. Số đo chiều cao tử cung là 33 cm, vòng bụng 101 cm nên các y bác sĩ tiên lượng thai khoảng 3,4 kg.
Đây là lần sinh con thứ 3 của chị Yến. Lần đầu vào năm 2009, sinh con nặng 3,9 kg, lần thứ 2 vào năm 2015, con nặng 4,2 kg. Cả 2 lần đều sinh thường. Việc tiên lượng thai nhi nặng 3,4 kg cũng phù hợp với kết quả siêu âm bên ngoài vào chiều 22.3, là thai nhi nặng 3,5 kg. Vì vậy, kíp trực đã chỉ định sinh thường.
“Không có dấu hiệu gì bất thường trên sản phụ Yến để gợi ý làm thêm siêu âm vào ban đêm. Kết quả khám, xét nghiệm ban đầu và tiền sử sinh đẻ của chị Yến khiến kíp trực tin tưởng đây sẽ là ca sinh thường thành công”, bác sĩ Bình nói.
"Đến 5 giờ 30 ngày 23.3, chị Yến được đưa vào phòng sinh. Lúc này, sức khỏe chị Yến vẫn bình thường, cổ tử cung đã mở 10 cm, nên kíp trực cho rằng chỉ cần rặn là thai nhi sẽ ra ngoài", bác sĩ Bình cho biết thêm.
“Đầu thai nhi xuống được 1 phút rồi nhưng lại mắc cái vai không ra được. Thường thì "đầu xuôi đuôi lọt" nhưng ca này lại không xuống được. Bác sĩ trực không nghĩ là do thai quá lớn mà nghĩ đến vấn đề bất thường khác nên tập trung hồi sức cho sản phụ sinh. Lúc này không thể thực hiện ca sinh mổ như người nhà yêu cầu được nữa. 5 phút sau, thai nhi vẫn không ra được nên bệnh viện lập tức hội chẩn, chỉ định chuyển viện gấp để cấp cứu mẹ, vì chúng tôi không có khả năng phẫu thuật trong trường hợp này. Chúng tôi cũng liên hệ với khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để hỗ trợ chuyên môn trên đường đi”, bác sĩ Bình giải thích.