Nhà trường có dấu hiệu bao che?
Mới đây, thông tin nữ sinh H.Y (lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) phải nhập viện tâm thần vì bị đánh hội đồng, lột quần áo đang gây xôn xao dư luận vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Cụ thể, đoạn clip bị phát tán ghi lại cảnh 5 cô gái lột đồ, thay nhau đấm, đá vào phần đầu và ngực của Y. Nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc, thậm chí không thể kiềm chế được những giọt nước mắt thương cảm và phẫn nộ khi xem đoạn clip kể trên.
Hình ảnh nữ sinh lớp 9 bị lột quần áo, đánh hội đồng gây phẫn nộ.
Theo lời kể của em H.Y tại bệnh viện tâm thần, ngày 22.3, em bị 5 nữ sinh kể trên bắt phải trực nhật thay cho họ, mặc dù đây không phải ca trực nhật của em. Sau khi cự cãi, H.Y đã bị cả 5 em này đánh hội đồng.
Chiều 23.3, ngày xảy ra vụ việc, em Y cho biết, một nữ sinh có tên T (là một trong 5 bạn đánh mình) cho rằng em viết thư cho bạn trai của T. Ngoài ra, một nữ sinh cũng cho biết đánh Y vì em không mang mũ ca nô cho các bạn.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên em H.Y bị đánh. Nhóm bạn này đã liên tục bắt nạt Y trong một thời gian dài. Nhiều lần H.Y bị ép phải chép phạt, trực nhật hộ, nếu em từ chối sẽ bị lôi vào phòng học để đánh "dằn mặt".
Sau khi đoạn clip bị phát tán trên mạng xã hội, dư luận đã đặt ra câu hỏi về vai trò của Ban giám hiệu, nhà trường ở đâu khi sự việc nghiêm trọng xảy ra trong khu vực trường học.
Được biết, trước khi đoạn clip này bị phát tán, một nam sinh trong lớp 9A đã báo cáo với cô chủ nhiệm Hoa Thị Trang về sự việc. Tuy nhiên, cô Trang không báo với gia đình em H.Y về tính nghiêm trọng của sự việc.
Bản tường trình của cô giáo Hoa Thị Trang về sự việc.
Trong bản tường trình của mình, cô Trang chỉ tường thuật lại có một vụ "đánh nhau" của các nữ sinh mà không hề nhắc tới việc em H.Y bị lột đồ, quay lại clip và chia sẻ trên mạng xã hội. Ngoài ra, bản tường trình cũng ghi rõ giữa các bên gia đình đã thống nhất bỏ qua sự việc.
Tuy nhiên, theo lời kể của gia đình em H.Y, Ban giám hiệu và cô Trang không hề cho biết việc em H.Y bị đánh dã man như vậy.
Khi gia đình yêu cầu xem đoạn video ghi lại cảnh em H.Y bị đánh, nhà trường cho biết: "Video này chúng tôi xóa hết đi rồi, mờ không nhìn thấy gì, chỉ gọi là không có gì phát tán trên mạng cả. Người nhà yên tâm, không phải lo gì, cứ cho cháu đi học bình thường".
Đặc biệt, ông Nhữ Mạnh Phong (Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng) từng chia sẻ, em H.Y bị lột quần áo, đánh hội đồng là do "thiếu kỹ năng sống".
Cần phải xử lý hình sự?
Sáng 31.3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cùng Trường THCS Phù Ủng về việc nữ sinh bị đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tuyên bố cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, kỷ luật hội đồng sư phạm, cô giáo chủ nhiệm.
Chia sẻ về thông tin này, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm, Hà Nội) cho biết, không thể chỉ dừng sự việc ở mức độ cách chức vụ, kỷ luật hội đồng sư phạm. "Đây là một sự việc vô cùng nghiêm trọng, không thể xử lý đơn giản như vậy được. Nếu nhìn nhận ở góc độ phát luật, có thể khép cô giáo và nhà trường vào tội Che giấu tội phạm. Hành vi lột quần áo, đánh hội đồng em H.Y có thể khép vào tội Hành hung, xúc phạm nhân phẩm người khác. Cần phải điều tra, làm rõ để đưa 5 đứa trẻ, cô giáo và Ban giám hiệu nhà trường ra trước pháp luật".
TS Vũ Thu Hương.
TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, cô giáo chủ nhiệm, Ban giám hiệu chỉ muốn giữ thanh danh, chức vụ của mình chứ không hề quan tâm tới những kẻ phạm tội hoặc nạn nhân. Họ chỉ muốn "dìm" sự việc xuống mức tối đa: "Vì muốn giữ thanh danh cho chính mình mà các thầy cô đã đẩy em học sinh tới bờ vực thẳm. Ở đây được phản ánh rõ qua hành vi nói dối về tính chất nghiêm trọng của sự việc của nhà trường đối với gia đình học sinh. Gia đình đã gửi gắm con em tới trường để được giáo dục, chăm sóc. Các thầy cô hưởng lương của Nhà nước cũng để hoàn thành công việc này. Để xảy ra sự việc kể trên, giáo viên sẽ sợ bị quy trách nhiệm, nhà trường sợ mất thi đua. Vì vậy họ mới tìm cách để "ém nhẹm" sự việc đi. Chỉ khi nào xử lý được sự việc này một cách triệt để bằng pháp luật, mới tránh tái diễn trong tương lai".
TS Vũ Thu Hương cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của Bộ GDĐT khi chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng bạo hành, xâm hại đối với học sinh trong trường học. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cán bộ ra sao khi để hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm "đồng lòng" che giấu sự việc, trong khi họ chính là đối tượng được gia đình gửi gắm con em tới trường.