Dân Việt

60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2019)

Quỳnh Nguyễn 01/04/2019 05:30 GMT+7
Tối 31.3, Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thuỷ sản và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã diễn ra tạiTP. Hạ Lon (Quảng Ninh).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và tham dự Lễ kỷ niệm. Dự Lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh Quảng Ninh, các cán bộ, nhân viên ngành thuỷ sản, đại diện bà con ngư dân.

Vượt khó để phát triển

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhắc lại, cách đây đúng 60 năm, ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”.

Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1 tháng 4 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

Trải qua 60 năm cần cù, sáng tạo, vượt khó để phát triển, ngành Thuỷ sản Việt nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu.

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Thủy sản một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng.

Về khai thác hải sản, đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, hướng vào các đối tượng khai thác có giá trị cao và các đối tượng xuất khẩu; đồng thời ổn định khai thác vùng ven bờ, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái.

Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và trên đất liền đã được phát triển, hỗ trợ tối đa cho ngư dân trong sản xuất và tìm kiếm cứu nạn khi gặp rủi ro.

Sự hiện diện của tàu thuyền và ngư dân trên các vùng biển cũng đã góp phần rất quan trọng giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Ngành Nuôi trồng – chế biến thuỷ sản đã trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, hài hoà với các ngành kinh tế khác; trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng.

Bảo đảm hài hoà giữa bảo tồn và phát triển

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của ngành thủy sản, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong bối cảnh Hội nhập Kinh tế quốc tế, ngành Thủy sản luôn được Đảng, Nhà nước coi là ngành sản xuất chiến lược, được chú trọng quan tâm.

Mục tiêu phát triển của ngành Thuỷ sản Việt Nam là phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

img

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT.

Để đạt được các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT, đặc biệt là tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành Thủy sản và bà con ngư dân tiếp tục đoàn kết, nỗ lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Trước hết là thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển và ngành thuỷ sản đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó, ngành Thuỷ sản phải gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo.

Nền kinh tế biển nói chung, ngành Thuỷ sản nói riêng phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy – hải sản.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, để thương hiệu Thuỷ sản Việt Nam an toàn, phát triển bền vững, chất lượng cao cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững các thị trường truyền thống, đồng thời phát triển các thị trường mới, đặc biệt chú trọng thị trường tiêu thụ trong nước.

“Phát triển thủy sản phải hướng đến cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập của cộng đồng ngư dân; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy sản hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao, gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các làng cá giàu đẹp, văn minh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 230.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). Tổng sản lượng đạt hơn 7,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 9 tỷ USD.

Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thuỷ sản là tôm thẻ, tôm sú (kim ngạch 3,6 tỷ USD năm 2018) và cá tra (kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD); được Thủ tướng Chính phủ xác định là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất, chế biến trong lĩnh vực thủy sản tăng nhanh, được đầu tư đổi mới công nghệ và quản trị. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt trên hơn 147 quốc gia và vũng lãnh thổ, trong đó có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga.

Với những nỗ lực vượt bậc của ngành Thuỷ sản và bà con ngư dân, Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp thủy sản toàn cầu.